| Hotline: 0983.970.780

Cty IDP thiếu trách nhiệm!

Thứ Năm 15/01/2015 , 09:58 (GMT+7)

Cảnh báo về tình trạng tăng đàn bò sữa tự phát, tuy nhiên ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng bày tỏ rất không hài lòng về tinh thần trách nhiệm với nông dân của Cty Cổ phần sữa Quốc tế (IDP) vì điều chỉnh chính sách thu mua sữa./ Vì sao IDP hạn chế thu mua sữa?

Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nói: “Không có lí gì lâu nay anh vẫn làm ăn có lãi tằng tằng, đùng một cái, chỉ vì sự chao đảo một chút về thị trường sữa thế giới đã lập tức hạ giá thu mua nguyên liệu với nông dân”.

18-55-25_dscf1769
Ông Hoàng Thanh Vân

Theo ông, lí do nào Cty IDP giảm giá thu mua sữa, trong khi các “ông lớn” khác trong ngành sữa vẫn đang giữ giá cho người chăn nuôi?

Cty IDP trước nay triển khai SX và thu mua sữa rất tốt, tuy nhiên tôi được biết từ cuối năm 2014, Cty này đã bán cổ phần tới 70% cho một quỹ đầu tư và một DN nước ngoài nên có thay đổi về mặt nhân sự, tái cơ cấu lại hoạt động, có thể họ cũng thay đổi chiến lược kinh doanh.

Tôi nghĩ về mặt nào đó, sự thay đổi này dẫn đến thay đổi trong việc thu mua nguyên liệu sữa.

Thứ hai, từ cuối năm 2014 đến nay, giá sữa trên thị trường quốc tế giảm quá mạnh. Hiện giá sữa châu Âu chỉ còn khoảng 2.200 USD/tấn, so với giá trung bình trước đây khoảng 3.700 USD/tấn. Giá sữa tại Trung Quốc NK về cũng chỉ còn 2.400 USD/tấn (so với năm 2014 khoảng 5.000 USD/tấn), giảm tới hơn 100%.

Theo các nhà chuyên môn, đây là một hiện tượng rất lạ, bất thường trong ngành sữa, nguyên nhân do đâu thì vẫn còn phải chờ các chuyên gia điều tra nghiên cứu.

Ông đánh giá việc Cty IDP giới hạn thu mua sữa nguyên liệu như vậy có hợp tình hợp lí?

Trước hết, việc họ giảm giá thu mua sữa từ 13.200 – 13.500 đ/kg trước đây xuống chỉ còn 12.200 đồng/kg, trong khi tại địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) vẫn có 3 Cty khác thu mua với giá cao hơn, đặc biệt Vinamilk chiếm thị phần lớn nhất đang thu mua tới 14.000 đồng/kg đã gây ra phản ứng cho người dân.

Tuy nhiên, người dân phản ứng gay gắt hơn là việc Cty này không thu mua đối với sản lượng sữa tăng thêm chưa ký hợp đồng, hoặc có một số trạm trước đây họ mua hết nhưng từ cuối 2014 đến nay lại mua có giới hạn.

Lâu nay, người dân ở đây đã quen với việc SX bao nhiêu thì được Cty IDP mua bấy nhiêu, nay đột nhiên họ điều chỉnh như vậy nên gây bất ngờ cho người dân, bởi không bán cho IDP thì họ biết bán đi đâu, khi mà các Cty khác trên địa bàn đã cố định số hộ của họ?

Đây là tiền lệ không tốt trong việc hợp tác kinh doanh giữa Cty và người chăn nuôi, và trước hết ảnh hưởng không tốt tới người chăn nuôi, đồng thời một mặt nào đó có ảnh hưởng tới tâm lí chung của người nuôi bò sữa trên cả nước, đặc biệt là các vùng đang có định hướng quy hoạch SX bò sữa trên địa bàn Hà Nội.

Cty IDP nói sở dĩ họ giới hạn thu mua như vậy là do không ổn định sản lượng sữa giữa các tháng trong năm, khiến khó khăn cho SX?

Quá trình triển khai điều chỉnh chính sách thu mua giữa Cty IDP và người dân là chưa được thảo luận kỹ.

Về mặt nào đó, giữa Cty và các trạm thu mua cũng đã có hợp đồng thu mua hẳn hoi, và bò sữa lại là con vật sống, việc tăng giảm sản lượng là rất thất thường và còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chứ không phải như Cty SX hàng công nghiệp, anh thích tăng sản lượng thì thêm công nhân, muốn SX ít thì giảm công nhân là được.

Vì vậy, việc Cty IDP đột ngột điều chỉnh sản lượng thu mua trong một thời gian ngắn mà không để dân có sự chuẩn bị, điều chỉnh là không tốt.

Nếu nói về mặt chỉ đạo SX thì cần phải có sự can thiệp cơ quan chức năng để thống nhất trong việc xây dựng chuỗi SX.

Không có lí gì lâu nay anh vẫn làm ăn có lãi tằng tằng, đùng một cái, chỉ vì sự chao đảo một chút về thị trường sữa thế giới mà đã lập tức thay đổi chính sách thu mua nguyên liệu đối với nông dân, như thế là không được.

Dĩ nhiên, hoạt động SX kinh doanh của DN nhà nước điều chỉnh bằng pháp luật về DN, nhưng sự phát triển, gắn bó trong xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi SX của Cty IDP với người dân phải có sự ủng hộ, chỉ đạo của rất nhiều cơ quan, đặc biệt là sự đồng lòng của nông dân.

Vì thế việc họ làm đột ngột như vậy là cần phải xem xét lại.

Vừa qua, tại Lâm Đồng cũng đã xảy ra sự việc đáng tiếc khi DN không chịu thu mua sữa cho dân. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Cục Chăn nuôi đã làm việc với cơ quan chức năng của Lâm Đồng, người dân và DN thu mua sữa là Đà Lạt Milk.

Sự việc ở Lâm Đồng có hơi khác trường hợp tại Gia Lâm (Hà Nội) vừa qua, cụ thể là DN thu mua sữa đang trong giai đoạn chuyển giao cho Cty TH True Milk. Nhưng vấn đề chính lại nằm ở việc phát triển đàn bò quá nóng khi năm 2014 tỉnh này tăng tới trên 2.000 con, tương đương 78%. Tức ở đây lỗi nhiều hơn ở phía người nuôi bò, chứ không hẳn là DN thu mua. 

Trong đó, nghiêm trọng có việc người dân tự phát mua bò về nuôi vì thấy người khác làm có lãi mà chưa có hợp đồng với Cty sữa. Việc chưa ký hợp đồng cũng chỉ là một việc, quan trọng chính là phía NM sữa không thể đủ công suất nữa, cần phải chờ khi TH True Milk đầu tư dây chuyền mới thì bao nhiêu họ cũng sẽ mua hết.

Công suất tối đa hiện tại của Đà Lạt Milk chỉ có 8 tấn/ngày, họ thu mua sữa của các hộ theo hợp đồng đã tới 11 tấn/ngày, lại còn gánh thêm các hộ ngoài hợp đồng trong khu vực nuôi tự phát thì dù có muốn họ cũng chẳng biết làm cách nào mua thêm.

Việc dân tự phát tăng đàn cũng dẫn tới nhộn nhạo, hộ không ký hợp đồng gửi sữa sang hộ có hợp đồng khiến sản lượng tăng quá cao ngoài kế hoạch SX của Cty sữa, và đây là lỗi của dân.

18-55-25_dscf1764
Cần chia sẻ lợi ích, trách nhiệm và ràng buộc hợp đồng giữa các Cty thu mua sữa và người nuôi bò sữa

Sự việc ở Lâm Đồng vừa qua là một bài học xương máu, một lần nữa cũng cảnh báo ngành sữa muốn làm thì phải gắn với DN, phải có quy hoạch, liên kết SX chứ không phải dân cứ thích làm là làm, rồi lại kêu chính quyền, kêu DN là không được.

Bên cạnh đó, DN cũng cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, điều tra xem tiềm năng tới đâu để có định hướng, chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu, xem có thể xây NM sữa hay không…

Vậy đàn bò sữa cả nước thời gian qua có phát triển quá nóng không?

Đến cuối 2014, đàn bò sữa cả nước khoảng 210 nghìn con, tăng 30 nghìn con so với năm 2013, tương đương tăng 14%. Tại Hà Nội, tổng đàn bò sữa hiện cũng chỉ xoay quanh 19 nghìn con, và không tăng nhiều.

 Đây là con số không cao, bởi tăng 20% trở lên thì mới gọi là nóng. Vấn đề là số lượng bò sữa tăng tự phát có chiều hướng tăng mạnh rất đáng ngại, chứ các Cty lớn đều tăng có kế hoạch rất ổn định.

 Đây là vấn đề lớn không thể xem thường. Cục Chăn nuôi cũng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh có nuôi nhiều bò sữa đề nghị khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể số lượng đàn bò, đồng thời đẩy mạnh chỉ đạo các đơn vị thu mua trên địa bàn có sự liên kết chặt chẽ để xây dựng vùng nguyên liệu theo chuỗi ổn định.

Việc điều chỉnh giá thu mua sữa của Cty IDP liệu có ảnh hưởng gì tới giá sữa tại VN không, thưa ông?

Hiện các DN khác vẫn giữ giá thu mua và chưa có kế hoạch điều chỉnh. Còn diễn biến giá sữa nguyên liệu trong nước thế nào cần phải tiếp tục theo dõi, đặc biệt là diễn biến thị trường quốc tế.

Về lâu dài, nếu tình hình giá sữa thế giới tiếp tục giảm sâu, sẽ là một vấn đề lớn, đáng báo động. Mặc dù lượng sữa SX trong nước còn ít, lượng tiêu thụ cũng rất ít, dư địa thị trường còn vô cùng lớn.

Tuy nhiên trong lúc chúng ta chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở SX, điều chỉnh thị trường tiêu thụ trong nước thì đây quả là vấn đề lớn. Bởi nếu tình hình giá sữa thế giới không cải thiện thì dĩ nhiên DN họ sẽ phải đi mua nguyên liệu nước khác rẻ hơn, chứ không thể bắt họ mua nguyên liệu cao trong nước.

Xin cảm ơn ông!

“Trước tình hình thay đổi chính sách thu mua sữa của Cty IDP, Cục Chăn nuôi đã có văn bản đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở NN-PTNT tổ chức ngay cuộc họp tháo gỡ.

Tại cuộc họp với các trạm thu mua do Sở NN-PTNT Hà Nội chủ trì ngày 12/1/2015, Cty IDP đã hứa sẽ thu mua lại hết sữa cho nông dân trong thời gian nông dân tìm được đối tác mới. Nếu có đối tác nào mua cao hơn thì sẽ đồng ý cho dân bán cho đối tác khác.

Cách nói của họ, nghe qua tưởng là trách nhiệm, nhưng thực ra không có trách nhiệm gì hết. Nói thế khác nào đánh đố nông dân, bởi nông dân lâu nay họ chỉ biết nuôi bò để bán sữa cho IDP theo những định hướng liên kết SX với Cty từ trước.

Bây giờ họ bảo chỉ mua giá từng đấy thôi, anh không thích thì đi tìm người khác mà bán, nói vậy sao nghe được?”.

(Ông Hoàng Thanh Vân)

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm