| Hotline: 0983.970.780

"Cú hích 41" ở Sơn La

Thứ Hai 07/04/2014 , 10:30 (GMT+7)

Nghị định 41 ra đời, với Sơn La được xem như một “cú hích” quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Sau hơn 3 năm triển khai cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41), hoạt động đầu tư cho lĩnh vực tam nông của tỉnh Sơn La đã đạt được những kết quả khả quan. Nghị định 41 ra đời, với Sơn La được xem như một “cú hích” quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Phát triển mạnh mô hình liên kết ba nhà

Đến cuối năm 2013, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La chiếm tỷ trọng 70% trên tổng dư nợ, trong đó chủ yếu là dư nợ từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Sơn La.

 Là một ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh thuộc miền núi vùng cao, diện tích rộng, địa hình chia cắt phức tạp, dân số phân bố rải rác, có đến 5 huyện nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong việc đầu tư tín dụng cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tuy nhiên từ sau khi có Nghị định 41, Agribank Sơn La đã tích cực làm tốt công tác huy động nguồn vốn, chủ động mở rộng tín dụng cho phát triển nông nghiệp nông thôn, giữ vững vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp nông thôn.

Với những giải pháp linh hoạt và sáng tạo như đa dạng hóa các sản phẩm huy động, áp dụng lãi suất linh hoạt, thực hiện tốt việc chăm sóc khách hàng... nên Agribank Sơn La đã duy trì được tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân 18%/năm, chủ động được một phần nguồn vốn tại chỗ kết hợp với nguồn vốn điều hòa từ Trung ương để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế của địa phương. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối năm 2013 đạt 3.920 tỷ đồng, tăng 1.552 tỷ đồng so thời điểm 30/6/2010 (thời điểm triển khai Nghị định 41).

Nét nổi bật trong quá trình đầu tư tín dụng theo Nghị định 41 của Agribank Sơn La là bên cạnh việc cho vay trực tiếp đến hộ sản xuất, đã chú trọng cho vay theo mô hình “liên kết 3 nhà”: doanh nghiệp - ngân hàng - hộ sản xuất. Chi nhánh đã tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chủ động phối hợp các sở ban ngành liên quan trong việc triển khai các dự án mục tiêu đối với nông nghiệp, nông thôn như: dự án nông nghiệp công nghệ cao, dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp...

 Đã ưu tiên đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trên địa bàn nông thôn và sử dụng nhiều lao động ở nông thôn, các HTX, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với xuất khẩu. Điển hình như cho vay đối với Cty Xi măng Mai Sơn, DNTN Cà phê Tiến Minh, Cty Chè Cờ đỏ, Cty 3/2...

Ông Dương Văn Đạt, Giám đốc DNTN Đạt Thủy ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn cho biết đơn vị đã ký thỏa thuận hợp tác với Agribank Sơn La, trong đó các hộ dân sẽ được phía Agribank đầu tư cho vay trồng, chăm sóc ngô; còn phía doanh nghiệp sẽ hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, nguồn giống ngô chất lượng cao, cơ sở chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các hộ.

21-02-10_son-l-2Nông dân Sơn La được vay tiền Agribank mua máy xay xát nông sản

Sau hơn 3 năm triển khai, tại Agribank Sơn La đã có trên 39.000 lượt khách hàng khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nhất là các vùng sâu vùng xa của tỉnh Sơn La. Tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn tăng từ 49% (năm 2010) lên
96% (năm 2013).

Mô hình liên kết 3 nhà thực sự mang hiệu quả cho các bên tham gia, vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của khách hàng, tạo mối quan hệ khép kín từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ, vừa đảm bảo an toàn vốn tín dụng cho ngân hàng.

Theo ông Phạm Văn Hoa - Giám đốc Agribank Sơn La, quá trình đầu tư tín dụng theo Nghị định 41 cơ bản đã đảm bảo 100% các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện vay và có nhu cầu vay đều được đáp ứng vốn vay đầy đủ kịp thời.

Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, Agribank Sơn La tổ chức điểm giao dịch mỗi tháng một lần vào ngày cố định để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn hoặc trả nợ, tiết giảm thời gian và chi phí đi lại. Đồng thời trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, chi nhánh đã 16 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn cùng với khách hàng.

Có thể nói Nghị định 41 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để phát triển sản xuất kinh doanh, được xem như là “cú hích” cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Những vấn đề cần tháo gỡ

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng phát sinh nhiều vướng mắc đòi hỏi các cấp, các ngành liên quan có giải pháp tháo gỡ kịp thời để Nghị định 41/NĐ-CP thực sự trở thành “cú hích” cho phát triển nông nghiệp nông thôn ở các địa bàn khó khăn.

Thứ nhất, về đối tượng vay vốn: Nghị định 41 cần tháo gỡ khó khăn cho các hộ nông dân có đất sản xuất nông nghiệp nhưng cư trú tại các vùng ven thành thị, thị trấn cũng được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn không có tài sản đảm bảo như ở địa bàn nông thôn. Đồng thời nên nâng mức cho vay phù hợp với nhu cầu thực tiễn vì theo Nghị định 41 hiện đang thấp.

Thứ hai, về tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp: Đây là vấn đề mang tính vĩ mô mà bản thân người nông dân hay một vài doanh nghiệp không tự giải quyết được, do vậy đòi hỏi phải có sự trợ giúp từ Chính phủ và các Bộ, ngành từ khâu dự báo cho đến việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Chính phủ nên dành một phần vốn ngân sách để trợ giá các sản phẩm nông nghiệp, tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Cần cân đối nguồn vốn ngân sách dành ra một khoản để hỗ trợ lãi suất cho vay đối với một số đối tượng nông nghiệp, nông thôn. Sơn La được xem là vựa ngô lớn thứ 2 của cả nước, sản lượng hàng năm gần 1 triệu tấn, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ ổn định giá, hỗ trợ lãi suất cho vay thu mua tạm trữ ngô...

Thứ ba, về cơ chế nguồn vốn, lãi suất, xử lý rủi ro: Kiến nghị NHNN Việt Nam tiếp tục ưu tiên mức dự trữ bắt buộc và tăng mức cho vay tái cấp vốn đối với Agribank để chuyển tải nguồn vốn đến các tỉnh có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Có cơ chế xử lý rủi ro chung đối với các khoản nợ vay theo Nghị định 41 chứ không chỉ khi xảy ra rủi ro khách quan trên diện rộng.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu tài sản trên đất vì thực tế hiện nay ở nhiều địa phương còn rất chậm, dẫn đến nhiều hộ dân muốn mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng lại thiếu điều kiện đảm bảo tiền vay để được vay vốn.

Đồng thời UBND các cấp cần thống nhất việc cấp GCNQSDĐ theo hình thức ghi tên cá nhân “ông/bà” thay cho “hộ ông/bà” vì hiện tại chưa có cơ sở pháp lý hướng dẫn xác định được thành viên của hộ gia đình nên gây khó khăn cho việc thực hiện ký kết hợp đồng giao dịch bảo đảm, dễ xảy ra tranh chấp khi xử lý nợ của các ngân hàng.

Thứ năm, các cấp, các ngành cần đơn giản hơn nữa các thủ tục hành chính đối với những địa bàn vùng nông thôn, vùng miền núi, vùng sâu cùng xa, nơi trình độ dân trí còn thấp, nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay để xóa đói giảm nghèo.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất