| Hotline: 0983.970.780

Cú hích "CLB trăm triệu"

Thứ Tư 11/04/2012 , 10:18 (GMT+7)

Huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã có 1 xã đầu tiên của cả nước đạt đủ 19 tiêu chí NTM từ năm 2011 và theo kế hoạch đến năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước trở thành huyện NTM.

Không có xã nằm trong danh sách xã điểm xây dựng NTM của Trung ương. Không phải huyện điểm được ưu ái rót vốn xây dựng NTM. Nhưng huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) đã có 1 xã đầu tiên của cả nước đạt đủ 19 tiêu chí NTM  từ năm 2011 và theo kế hoạch đến năm 2014, Xuân Lộc là huyện đầu tiên của cả nước trở thành huyện NTM. Vậy vì sao Xuân Lộc có những bước tiến ngoạn mục đó?

Đi cùng Phó Bí thư huyện ủy Xuân Lộc xuống những cánh đồng bắp, tiêu, trái cây rộng ngút tầm mắt, chứng kiến ông trao đổi, trò chuyện với người nông dân, chúng tôi hiểu vì sao người dân ở đây lại hết lòng ủng hộ việc đóng góp xây dựng NTM như thế.

282 CLB năng suất cao

Do đã có hẹn trước nên vừa đến Huyện ủy Xuân Lộc, chúng tôi đã được Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Minh Nhật đưa đi thực tế để thấy nông dân Xuân Lộc đang gắn kết với nhau làm ăn lớn, tập thể thế nào.

Địa phương đầu tiên chúng tôi đến là xã Lang Minh, nơi có những cánh đồng bắp bạt ngàn với năng suất trên 10 tấn/ha. Con đường liên xã trải nhựa phẳng lỳ, do vắng người nên cảm giác như đường rất rộng mặc dù chỉ chừng 15 mét ngang. 

Đường nhựa dẫn ra tận những cánh đồng bắp bạt ngàn tại Xuân Lộc cho năng suất cao nhất nước

Sau chừng 10 phút đi trên con đường nội đồng trải nhựa, xe chúng tôi dừng lại trước cửa một ngôi nhà treo tấm bảng “Liên hiệp CLB Năng suất cao Lang Minh”. Ngôi nhà bị “bao vây” tứ bề bởi ruộng bắp. Chỉ tấm bảng hiệu, chúng tôi hỏi: “Liên hiệp CLB có phải là một hình thức của HTX không?”, ông Nhật đáp: “Đúng, nhưng hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Ban đầu là những CLB năng suất cao (CLBNSC) hoạt động rất tốt. Nhưng sau đó, họ thấy liên kết nhiều CLB lại hoạt động còn hiệu quả hơn nữa. Vậy là vài CLB tự thỏa thuận sáp nhập để thành Liên hiệp. Hiện Xuân Lộc đã có đến 282 CLBNSC (nhiều nhất nước) và 15 Liên hiệp CLB, thu hút hơn 10.000 hội viên tham gia. Tổng diện tích gieo trồng của các CLB đạt hơn 10.000 ha với các loại cây chủ lực như bắp, tiêu, chôm chôm, mít Thái, sầu riêng, mãng cầu...

“Chính việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đưa KHKT vào sản xuất đã khiến vùng đất này trước đây bạt ngàn lúa năng suất thấp, bỏ hoang cả nghìn ha, thì nay đã là đất sinh vàng”. Nói rồi ông Nhật xăm xăm đi vào trong ngôi nhà cất tiếng gọi lớn nhưng ông chủ nhiệm bận việc đã đi ra ngoài. Chúng tôi quay ra, cùng tản bộ trên con đường nhựa nằm giữa hai cánh đồng bắp cao ngang đầu người sắp thu hoạch. Ông Nhật móc điện thoại ra gọi cho ai đó rồi hào hứng bước xuống ruộng hái một trái bắp lột vỏ đưa cho chúng tôi, nói: “Nhìn trái bắp này, mỗi ha thu tới 10 - 12 tấn đấy”. Nghe đến đây, chúng tôi hiểu vì sao ông Phó Bí thư lại tự hào đến thế, bởi đơn giản là năng suất bắp ở huyện Xuân Lộc quê ông đang cao gấp gần… 3 lần so với những vùng khác trên cả nước.

Tản bộ chưa bao lâu thì ông chủ nhiệm về. Vừa gặp, ông Nhật “khoe” ngay với chúng tôi: “Đây là ông Sinh, chủ nhân ngôi nhà chúng ta vừa ghé, một trong những điển hình nông dân sản xuất giỏi”. Ông Sinh cười đáp: “Được thế này là nhờ có Chương trình xây dựng NTM, bà con không chỉ ấm cái bụng mà còn có của ăn của để, ai cũng phấn khởi”. Đơn cử như Liên hiệp CLBNSC Lang Minh đây, chỉ ngay khi phong trào NTM phát động đã thu hút tới 172 hộ dân tham gia, diện tích trên 270 ha làm theo kỹ thuật và giống mới. Trước đây năng suất bắp chỉ đạt 3 - 4 tấn/ha, thì nay cánh đồng năng suất trên chục tấn tại Xuân Lộc đã trở thành chuyện thường. Đặc biệt, do 1 năm làm 1 vụ bắp 2 vụ lúa (hoặc 1 vụ lúa, 2 vụ bắp) nên 100% diện tích đất tại đây đều cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi ha. Chính vì thế mà ông Sinh hể hả khoe: “Tôi có khá giả thì hàng trăm hộ dân quanh đây, trong Liên hiệp CLB này ai cũng khá thế mà!”.

Nông dân chung tay làm ăn lớn

Rời cánh đồng bắp Lang Minh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến các xã Suối Cao, Xuân Thọ, Suối Cát, Bảo Hòa, Xuân Phú, Xuân Định. Điều khiến chúng tôi thú vị nhất là lần đầu tiên đi gần chục xã trong một huyện, với chiều dài cả chục km, nhưng xe cứ bon bon trên đường nhựa hoặc bê tông ra tận ruộng của nông dân.

Đến ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ thủ phủ của cây tiêu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Con đường liên huyện trải nhựa phẳng lỳ, dài tít tắp được tô điểm bằng những ngôi biệt thự rất hoành tráng hai bên khiến ai cũng trầm trồ. Dừng lại trước cổng một căn biệt thự rất to nằm sát đường nhựa, ông Nhật nói: “Đây là nhà của ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Liên hiệp CLBNSC Phước Lộc, nơi trồng tiêu có năng suất kỷ lục 11 tấn/ha đấy”.

Anh Thắng nghe nói có Phó Bí thư huyện và nhà báo đến, tất tả từ đâu chạy về, tay bắt mặt mừng như người một nhà với ông Nhật. “Tiêu năm nay trúng giá quá hà?”, ông Nhật hỏi. “Hôm nay đã lên gần 140 triệu một tấn rồi anh ạ. Vụ này giá còn cao hơn 20% so với đầu vụ trước nên bà con vui lắm, nhiều người thắng to liền mấy vụ”, anh Thắng nói.

Để minh chứng, anh Thắng dẫn chúng tôi đi dọc con đường trải nhựa trước nhà, dọc hai bên đường là hàng chục ngôi nhà mới (xây theo thiết kế biệt thự) mọc lên san sát không khác gì các khu đô thị mới ở vùng ven Hà Nội hay Sài Gòn. Chỉ vào ngôi nhà có mái cong vút, anh nói: “Ông Nguyễn Văn Trãi chỉ có 1,1 ha tiêu nhưng vừa mới xây được ngôi nhà 1,1 tỷ đồng”. Chỉ tiếp ngôi nhà khang trang đối diện, anh tiếp: “Còn ông Vũ Quang Bách có 1,8 ha tiêu, mỗi vụ thu gần hai chục tấn vừa cất được ngôi nhà lớn, lại bỏ tiền đầu tư thêm cả một xưởng làm đá trị giá 2,7 tỷ đồng từ tiền bán tiêu đấy”.

Chỉ mấy năm trước, các hộ trồng tiêu ở đây làm ăn phân tán, mạnh ai người đó trồng theo lối truyền thống, năng suất và chất lượng rất thấp. Hưởng ứng xây dựng NTM, hàng chục hộ nông dân đã hào hứng tiếp nhận thành tựu KHKT mới đưa năng suất tiêu từ 2 – 3 tấn đã tăng lên 7 - 8 tấn, rồi liên tiếp 2 năm qua đạt tới 11 – 12 tấn/ha, cao gấp… 5 lần trung bình của cả nước! Bước tiếp theo, hàng trăm nông dân liên kết hình thành Liên hiệp CLBNSC Phước Lộc để giúp nông dân tiếp cận thêm những thành tựu KHKT tiên tiến, chung tay làm ăn lớn nhằm xây dựng một thương hiệu mạnh, bền vững cho cây tiêu Xuân Lộc.

Nghe đến đây, chúng tôi mới vỡ lẽ tại sao trong khuôn viên rộng lớn của ông chủ nhiệm Thắng có tới cả chục chậu “siêu cây cảnh” trị giá hàng trăm triệu đồng. “Trúng mấy vụ tiêu nên mua về chơi đó. Cái thú chơi sinh vật cảnh từ nhỏ giờ có điều kiện mới dám thực hiện", anh Thắng cười vang sảng khoái.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.