| Hotline: 0983.970.780

Cử nhân du lịch và luật đi trồng nấm

Thứ Hai 30/12/2013 , 10:25 (GMT+7)

Đang có công việc ổn định ở thành phố lớn, bỗng dưng anh Phan Xuân Quyền (SN 1978, ở tổ 7, Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) nghỉ làm để học nghề trồng nấm.

Đang có công việc ổn định ở thành phố lớn, bỗng dưng anh Phan Xuân Quyền (SN 1978, ở tổ 7, Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng) nghỉ làm để học nghề trồng nấm. Sau khi có chút kỹ thuật, anh quay về quê hương khởi nghiệp. Giờ đây, Quyền thu về vài chục triệu đồng/tháng.

LÀM NÔNG NGHIỆP

Cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 15 km, chúng tôi tìm về đại bản doanh trồng nấm của Quyền ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang với diện tích 2.000 m2. Nơi đây, những mái nhà tôn mọc san sát nhau, còn phía trong nấm sắp đặt khắp nơi, đâu cũng thấy nấm. Cơ sở có 7 nhân công cùng Quyền hằng ngày SX phôi nấm.

Lý lịch về Quyền cũng khá ngắn gọn, năm 2002, tốt nghiệp 2 trường đại học ở TP.HCM với tấm bằng cử nhân Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, một bằng cử nhân Luật. Tại thành phố này, Quyền ra trường liền xin vào làm ở một công ty du lịch, với công việc lữ hành.

Tưởng rằng ở chốn phồn hoa Sài thành, Quyền sẽ có công việc ổn định, ăn nên làm ra, ai ngờ rong ruổi trên những chuyến xe dài ngày tiền đâu chẳng thấy chỉ thấy da bọc xương. Quyền kể: Mỗi lần đưa đoàn du lịch kéo dài cả tuần, có những lần say xe nôn thốc, nôn tháo nhưng chẳng được nghỉ. Hết ngày này, qua ngày khác bám theo xe rất vất vả. Nhưng xin việc khác không được buộc Quyền vật lộn kiếm sống.

Đấy là những tháng ngày đến với công việc làm du lịch, cứ ngỡ rằng sẽ theo đuổi anh mãi nhưng không hẳn vậy, Quyền tìm lối đi riêng cho mình. Sau 10 tháng đi dẫn khách theo tour, anh bỗng dưng chuyển hướng đi học trồng nấm và gắn bó nghiệp trồng nấm từ đây.

Quyền tâm sự: “Để có được ngày hôm nay tôi phải cảm ơn những ngày tour. Bởi nó đã cho tôi đi qua nhiều vùng đất, chứng kiến nhiều nông dân làm giàu nhờ các mô hình nông nghiệp. Có nhiều người cũng học đại học nhưng họ có lối đi riêng của mình, không ở lại thành phố kiếm việc làm, hay vào xin vào cơ quan nhà nước mà đi học nghề làm nông nghiệp rồi về quê làm ăn và đã thành công”.


Làm nghề trồng nấm mỗi tháng anh Quyền thu nhập 50 triệu đồng

Theo như Quyền, làm công việc lữ hành thường xuyên dẫn nhiều đoàn khách du lịch về các vùng du lịch sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, ở đó anh chứng kiến rất nhiều mô hình kinh tế. Người miền Tây làm ra sản phẩm, rồi thu hút khách du lịch về tham quan nên tiêu thụ hàng hóa rất nhiều.

Đặc biệt tại TP Cần Thơ phong trào trồng nấm phát triển, mỗi lần dẫn khách du lịch về đây, anh lại tìm hiểu một ít kỹ thuật trồng nấm nhằm củng cố kiến thức hiểu biết truyền tải cho du khách. Lâu ngày, tích tiểu thành đại, kinh nghiệm trồng nấm của anh được nâng rồi ăn sâu vào niềm đam mê lúc nào không hay.

Cuối năm 2003, Quyền lên đường về quê mở cơ sở SX đầu tiên tại Đà Nẵng. Đến với cây nấm tưởng là quá khó nhưng đối với Quyền thì thật xuôi chèo mát mái. SX loại nấm nào cũng cho kết quả cao, hết trồng nấm sò, anh lại chuyển qua trồng nấm rơm và sản phẩm làm ra bán độc quyền trên thị trường Đà Nẵng.

Chưa dừng lại đó, anh còn xuất đi các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… Cứ đợt nào nấm hái xong, thương lái đến tận nhà gom rồi đưa đi tiêu thụ. Chỉ trong vòng 2 năm, trồng 6 đợt nấm, anh giàu lên trông thấy. Thừa thắng xông lên, Quyền thuê đất của các gia đình trong vùng mở rộng mô hình trồng nấm.

Ngoài duy trì diện tích ở khu Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu với diện 3.000 m2, Quyền thuê đất ở thôn Đại La, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang với diện tích 2.000 m2 làm phôi nấm cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, phôi nấm của anh có thương hiệu nên nhiều chương trình, dự án đặt hàng lên hàng chục ngàn bịch/tháng. Phôi nấm làm ra bao nhiêu được khách hàng mua hết, nếu đợt nào ế thì anh lại đem trồng lấy nấm thương phẩm.

THU HƠN 50 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

Tưởng đến với cây nấm rất thuận lợi, Quyền chỉ có việc đút tiền vào túi, nếu vậy thì quả là dễ dàng với anh quá, đừng nói triệu phú mà trở thành tỷ phú dễ như trở bàn tay. Từ năm 2004, Đà Nẵng đang diễn ra quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và gia đình anh cũng không nằm ngoài cuộc khi diện tích đất vườn bị giải tỏa, việc trồng nấm bị gián đoạn, anh lại xoay sở tìm đất nơi khác gây dựng cơ sở mới.

Tính đến nay, anh phải chuyển "đại bản doanh" tới 3 lần vì nằm trong diện giải tỏa. Ngoài ra, trong trận bão 2006 đổ bộ đã tàn phá tan tành nhà xưởng làm nấm gây thiệt hại 200 triệu đồng, năm 2008, bão tàn phá gần 300 triệu. Đặc biệt mới đây nhất cơn số 11 (10/2013) đã cuốn sạch cơ sở SX phôi nấm mà anh đầu tư 500 triệu đồng.

Quyền kể: “Nếu không mê cái nghề này, sau mấy lần thất bại ê chề, có lẽ đã bỏ nghề cao chạy xa bay rồi. Khi mới trồng nấm nhiều đêm tôi mất ngủ bởi nhiệt độ lên xuống thất thường, nấm không chịu nở. Lần mò, học hỏi mãi, sau này khi kỹ thuật đã hoàn thiện, kinh nghiệm được tích lũy, nấm được trồng trong nhà tôn ít phụ thuộc thời tiết, vì thế hiệu quả cũng cao hơn, lúc đó tôi ăn bát cơm mới thấy ngon miệng”.

Tôi hỏi Quyền, sao không đầu tư cơ sở kiên cố hơn tránh gió bão tàn phá? Quyền nói: “Tiền thì có, kỹ thuật không thiếu nhưng không thể đầu tư quy mô, bởi giờ đụng đến đâu thì đất cũng nằm quy hoạch. Tôi có mấy lần lên phường, quận đề xuất cơ sở nấm kiên cố nhưng không được, chính quyền không cho”.

Mỗi ngày trôi qua, nấm đẻ ra cho Quyền khối tiền. Anh ngồi nhẩm tính sơ sơ với chúng tôi rằng, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 1 tạ nấm rơm, 2 tạ nấm sò. Ngoài ra, SX 10.000 phôi nấm. Với giá bán 1 kg nấm rơm 70.000 đ, nấm sò 20.000 đ, phôi nấm 7.000 đ/bịch. Tổng cộng thu hơn 50 triệu đồng, trừ chi phí nhân công, bột cưa, meo nấm… thu lãi ròng hơn 30 triệu đ/tháng.

Quyền khoe: “Khi phong trào trồng nấm chưa phát triển thì tôi chuyên SX nấm là chính, mỗi tháng thu 70 triệu đồng nhưng nay người dân trồng nhiều, nấm tung ra thị trường ngày càng phong phú. Nắm được điểm yếu của người trồng nấm chưa có kinh nghiệm làm phôi nấm, do đó, tôi chuyển qua SX phôi là chính. Hằng năm chỉ trồng nấm nhiều vào dịp tết, bởi thời điểm này tiêu thụ lớn, giá lại cao”.

Hỏi về kinh nghiệm trồng nấm, Quyền cho rằng: Trồng nấm rất dễ, bệnh rất ít, hao hụt không lớn. Người trồng phải biết được nơi nào cung cấp meo nấm đảm bảo chất lượng thì mua, bởi meo là yếu tố quyết định đến hiệu quả cây nấm phát triển. Người dân muốn làm giàu từ nấm thì phải đầu tư quy mô lớn.

Quyền hạch toán: Một bịch nấm sống trong vòng 3 tháng là thu hoạch được khoảng 0,5 kg nấm, như nấm sò trừ chi phí lãi còn 6.000 đ/bịch, còn nấm rơm 30.000 đ/bịch. Do đó, phải đầu tư trồng vài ngàn bịch trở lên, lấy ít gom lại thì mới có cục tiền nhiều. Còn đầu tư làm vài trăm bịch thì chỉ suốt ngày cứ chăm chăm vào đó mà không làm được cái gì, trong khi thu nhập rất ít.

“Cái nghề trồng nấm cũng cực lắm, chăm nấm giống như chăm con mọn, phải để mắt thường xuyên. Ví dụ trời đang im mát lại chuyển qua nắng nóng thì phải phun sương liền, hoặc nắng chuyển qua im thì tắt hệ thống phu sương để cây nấm phát triển. Nếu mình chỉ sơ sẩy đi một tý là mất toi cả vụ nấm như chơi”, Quyền chia sẻ.

Anh Phan Xuân Quyền cho biết: Trong chính sách vay vốn đầu tư phát triển nông nghiệp rất khó khăn, theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP có thể vay trên 200 triệu đồng để phát triển trang trại. Tuy nhiên để vay được khoản tiền này rất khó khăn, nào là thế chấp rồi đến cơ quan này hết cơ quan khác rất tốn nhiều thời gian.

Vay qua kênh Hội Nông dân, Phụ nữ thì chỉ được 30 triệu đồng, trong khi đầu tư trồng nấm cần số vốn rất lớn. Còn vay các ngân hàng cổ phần thì lãi suất cao, trong khi đầu tư cho nông nghiệp thu lãi chậm, dẫn đến chưa thu lời được đồng nào đã cạn sạch tiền trả lãi ngân hàng.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.