| Hotline: 0983.970.780

Cụ Thiệt 'không bao giờ là muộn'

Thứ Tư 12/08/2015 , 08:16 (GMT+7)

Ở tuổi 83, hằng đêm cụ vẫn mang sách vở vượt quãng đường gần 50km đến trường để ngồi học. Cụ quan niệm, tuổi già thì học cho có thêm kiến thức, trí não được thông tuệ để không bị lão hóa và tự tìm kiếm niềm vui cho mình.

Cụ là Lê Phước Thiệt (sinh năm 1932, trú huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), tân học viên lớn tuổi nhất lớp cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh ở trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).

Ông cụ mê học

Gần một tuần qua, các sinh viên trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) không khỏi ngạc nhiên khi một cụ già lạ hoắc hằng ngày ra vào trường.

Cụ ăn mặc lịch sự, áo trắng quần tây sơ-vin, chân mang giày âu. Dù vậy, cụ chẳng phải là giảng viên của trường hay một giáo sư thỉnh giảng nào mà đó là một… tân sinh viên của trường.

Cụ là Lê Phước Thiệt (83 tuổi, trú xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Cụ Thiệt vừa được đặc cách tuyển thẳng vào lớp cao học chuyên ngành Quản trị kinh doanh của trường.

Chúng tôi đến giảng đường trường Đại học Duy Tân để gặp cụ tân sinh viên lạ lẫm này. Cụ Thiệt theo học lớp cao học vào buổi tối. Dù nhà cách xa trường gần 45km nhưng cụ Thiệt thường đến trường trước buổi học sớm hơn 30 phút.

Cụ đi một mình, bước chân vững chắc và mạnh khỏe. Mắt đeo kính, tóc được chải chuốt gọn gàng. Và, trên lưng cụ Thiệt là túi xách đựng đầy đủ vở ghi chép và giáo trình các môn học.

“Tôi đi học vì thèm được học, được biết thêm những kiến thức mới mà trước đây mình chưa có dịp học nên chưa biết”, cụ Thiệt giải thích cái lý do mình đâm đơn xin đi học ở tuổi 83.

Cụ Thiệt cho hay, ngày trẻ cụ được học hết lớp 12. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình nên cụ không thể học cao lên nữa. Năm 1975, cụ cùng gia đình sang Mỹ sinh sống.

Cuộc sống nơi xứ người xa lạ khiến cụ Thiệt gặp vô vàn khó khăn. Vợ chồng cụ phải mưu sinh bằng đủ loại công việc lao động chân tay từ cắt cỏ trong vườn, bưng bê quán ăn, bốc vác, xây dựng, dọn tuyết… để kiếm tiền.

“Vợ chồng tôi có 7 đứa con nên phải làm quần quật từ sáng đến tối mới đủ sống. Ngày nào mà nghỉ làm thì coi như là ngày đó không có tiền mua thức ăn nên dù mệt cũng chẳng dám nghỉ.

Vợ chồng tôi cực nhọc nhưng mà luôn động viên các con học hành đàng hoàng. May mà mấy đứa con thương cha mẹ, đứa nào học cũng giỏi và tốt nghiệp đại học kiếm được việc làm ổn định”, cụ Thiệt kể.

Cuộc sống của vợ chồng cụ trở nên an nhàn và đỡ vất vả hơn khi những người con trưởng thành. Họ được các con chu cấp để an dưỡng tuổi già.

 Tuy nhiên, trong thời gian rảnh rỗi cụ lại muốn được học đại học. Các con cụ khá bất ngờ nhưng rồi đều vui vẻ đồng ý.

“Tôi đi học năm 1996, khi đó đã 62 tuổi, lớn tuổi nhất lớp. Tôi theo học ngành kinh tế tài chính tại Đại học California (Mỹ). Học suốt 7 năm trời tôi mới tốt nghiệp, nhận bằng tốt nghiệp”, cụ Thiệt vui vẻ nhớ lại.

Cũng trong thời gian theo học đại học ở Mỹ, cụ Thiệt nhiều lần về Việt Nam thăm quê nhà, người thân để vơi bớt nỗi nhớ.

 Trở lại Mỹ sau mỗi lần về quê, cụ Thiệt càng thêm nhớ nhung và muốn được sống những ngày cuối đời nơi quê cha đất tổ. Năm 2013, cụ quyết định về Việt Nam sinh sống hẳn.

“Có đi xa mới biết nhớ quê hương là như thế nào. Ngày trẻ tôi cũng muốn về mà điều kiện khó khăn nên không thực hiện được. Khi tôi bàn với các con, tụi nó cũng rất ủng hộ tôi về quê hương sống. Vậy là đến khi tôi chết đi, tôi sẽ được nằm trong lòng đất mẹ quê nhà”, cụ Thiệt trầm ngâm nói.

Trở về quê hương, sau thời gian đi thăm hỏi gia đình, họ hàng, người thân và đi du lịch tham quan cảnh đẹp đất nước, cụ Thiệt quyết định sẽ tiếp tục… đi học.

“Khi tôi nói ra ý tưởng này thì mấy người bà con thân thiết cũng can ngăn dữ lắm. Họ nói mình già rồi, ở nhà mà an hưởng chứ học hành chi cho vất vả.

“Cả lớp có tất cả 82 người, chủ yếu là công chức, người làm nghề kinh doanh và còn trẻ nên tiếp thu nhanh. Vì vậy, tôi phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để theo kịp các bạn trẻ. Hy vọng kết quả cuối cùng tôi sẽ không thua sút bất cứ bạn học nào”, cụ Thiệt tỏ rõ quyết tâm của mình.

Tôi không đồng ý, giải thích mãi là học để có thêm kiến thức thì mấy người bà con mới ậm ừ đồng ý. Tôi tìm hiểu thì thấy trường Duy Tân ở Đà Nẵng hợp với mình nên nộp hồ sơ cao học.

Tôi chờ gần 5 tháng thì nhận được thư phản hồi của trường thông báo được đặc cách tuyển thẳng. Tôi ngay lập tức nhờ mấy đứa cháu chở đến trường làm thủ tục để kịp nhập học”, cụ Thiệt hồ hởi kể.

Sau một tuần đi học, cụ Thiệt khẳng định các bạn cùng lớp, những người ở tuổi con cháu cụ, đều rất siêng năng và ham học.

“Never too late”

Ông Lê Công Cơ, Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân cho biết khi nhận hồ sơ học cao học của cụ Thiệt thì rất bất ngờ và ngạc nhiên. Đích thân ông Cơ đã gọi điện cho thí sinh “đặc biệt” để trao đổi thực hư sự việc.

Nghe cụ Thiệt trình bày, ông Cơ cùng Ban Giám đốc Đại học Duy Tân đã không ngần ngại quyết định tuyển thẳng cụ vào lớp cao học.

16-51-09_nh-cu-thiet-chup-nh-chung-voi-bn-cung-lop
Cụ Thiệt chụp ảnh chung với bạn học

“Anh ấy hơn tôi 10 tuổi mà tinh thần ham học hỏi cũng hơn tôi rất nhiều. Với một sinh viên như cụ Thiệt sẽ là động lực cho các học viên cùng lớp cũng như các sinh viên khác của trường. Cụ Thiệt cũng là tấm gương sáng cho con cháu trong gia đình cụ ấy”, ông Cơ khẳng định.

Nói về quyết định đi học ở cái tuổi 83 của mình, cụ Thiệt không nghĩ rằng đó không phải là chuyện gì bất thường. Cụ cho biết ở nước ngoài, việc người cao tuổi đến trường là chuyện bình thường.

Ông Lê Công Cơ cho hay, dù cụ Thiệt đủ khả năng chi trả học phí nhưng trường quyết định miễn phí toàn bộ. Theo ông Cơ, tấm gương của cụ Thiệt đã là mức học phí lớn nhất mà trường có được để các sinh viên noi theo.

“Ở Mỹ, người ta quan niệm “never too late”, nghĩa là không bao giờ là trễ. Ngày trẻ tôi không được đi học thì bây giờ tôi học. Tôi thấy người cao tuổi ở nước mình chỉ ở nhà chơi với cháu chứ ít ra ngoài.

Như vậy thì vui vẻ với gia đình nhưng cũng phí đi thời gian. Tôi đi học nhưng cũng luôn sắp xếp được thời gian bên gia đình. Tôi đi học trước hết là cho bản thân mình. Tôi học để trí não được “tập thể dục” không để cho nó bị lão hóa, giữ cho tinh thần minh mẫn...

Và con tôi khi dạy các cháu, chắt tôi, có thể nói với bọn trẻ rằng ở tuổi đó, ông cố, ông nội còn muốn đi học. Con trẻ như thế không có lý gì mà lười học. Tôi muốn lấy mình làm gương cho những đứa trẻ trong gia đình”, cụ Thiệt thổ lộ.

Cụ Thiệt cũng thú nhận việc học của cụ vào thời điểm này có những khó khăn và thuận lợi hơn những người bạn cùng lớp. Khó khăn nhất là việc trí nhớ giảm sút nên theo chương trình chậm hơn.

Tuy nhiên, cụ khẳng định sẽ vượt qua khó khăn này. Ngược lại, cụ Thiệt cho rằng lợi thế của ông là thoải mái để học, không bị áp lực cơm áo gạo tiền.

“Tôi học chỉ vì thích, những người khác vừa học vừa làm nên sẽ áp lực hơn. Nhưng tôi thích và quý những người trẻ đi học vì muốn có cho mình tương lai tốt hơn”, cụ Thiệt nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.