| Hotline: 0983.970.780

Cú “vả” của tỷ giá

Thứ Tư 16/02/2011 , 08:35 (GMT+7)

Ngay sau Tết Nguyên đán, những tưởng việc kinh doanh sẽ hanh thông khi hàng loạt tín hiệu tốt lành từ thị trường các nước chuyên NK hàng nông sản của VN báo về. Tuy nhiên, nhiều DN trong ngành nông nghiệp, nhất là những DN nhập khẩu liền bị “vả” một cú trời giáng bởi tỷ giá USD và VNĐ tăng đến 9,3%.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó vì tỷ giá tăng

Ngay sau Tết Nguyên đán, những tưởng việc kinh doanh sẽ hanh thông khi hàng loạt tín hiệu tốt lành từ thị trường các nước chuyên NK hàng nông sản của VN báo về. Tuy nhiên, nhiều DN trong ngành nông nghiệp, nhất là những DN nhập khẩu liền bị “vả” một cú trời giáng bởi tỷ giá USD và VNĐ tăng đến 9,3%.

“Trôi” 50 tỷ vì “trượt giá”

Mấy ngày hôm nay, ông Đoàn Trọng Lý, TGĐ Cty CP Chăn nuôi chế biến và XNK (Aprocimex), một trong những đơn vị NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lớn của ngành nông nghiệp, đang rất đau đầu. Không phải vì công việc kinh doanh bị bế tắc, mà chính là ông đang nghĩ không biết tìm đâu ra số USD cho lô hàng vi chất dùng cho chế biến thức ăn cho cá chuẩn bị được nhập về.

Theo tính toán của ông Lý, cách đây không lâu, khi chuẩn bị làm thủ tục nhập nguyên liệu, tổng số ngoại tệ cho hợp đồng này khoảng 1 triệu USD. Ông đã chuẩn bị đủ nội tệ để quy ra ngoại tệ NK. Tuy nhiên, mới đây, khi Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố tăng tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng lên đến 9,3%, ông mới “ngã ngửa" bởi theo hợp đồng, ông phải bù thêm khoảng 2 tỷ đồng tiền chênh lệch nội và ngoại tệ.

Trung bình mỗi năm, Aprocimex NK khoảng 150-200 nghìn tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với kim ngạch khoảng 30 triệu USD. Năm nay, đơn vị này cũng tính NK khoảng 180 nghìn tấn nguyên liệu. Nhưng với tỷ giá tăng chóng mặt thế này, ông Lý nhẩm tính, mỗi kg nguyên liệu, DN phải cõng thêm chi phí khoảng 270 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng chuyện “trượt giá”, Aprocimex đã bị mất khoảng 50 tỷ đồng/năm. “Không hẳn chuyện trượt giá, mà vấn đề thu gom ngoại tệ cũng là bài toán khó. Với tình trạng khan hiếm USD như hiện nay, thì để gom 1 triệu USD là cả một hành trình gian nan”, ông Lý ngán ngẩm.

Không chỉ riêng Aprocimex đau đầu để hóa giải bài toán ngoại tệ NK, nhiều DN trong ngành nông nghiệp cũng đang lao đao bởi chính sách tăng tỷ giá nói trên. Theo lý giải của các DN thì việc tăng tỷ giá sẽ hỗ trợ XK, giảm nhập siêu, nhưng sẽ tạo áp lực tăng giá lên hàng NK. Ông Nguyễn Tuấn Phương - GĐ Nhà máy thực phẩm Đồng Nai cho hay, hiện 70% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải NK, tức phải thanh toán bằng USD. Nên tỷ giá tăng hôm trước, hôm sau giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường tăng thêm vài ba trăm đồng/kg làm đội giá thành chăn nuôi tăng ít nhất 20 - 25% so với cùng kỳ. Ông Phương nhận định, với những DN kinh doanh thực phẩm tại thị trường nội địa sẽ mất sức cạnh tranh rất lớn.

Hơn nữa, theo lộ trình, năm 2011 này, DN còn phải tăng lương tối thiểu cho người lao động lên theo lộ trình của Chính phủ nên sẽ càng khốn khó hơn.

Sản xuất “nằm dài”

Với tỷ giá tăng, ngoại tệ khan hiếm, thì sản xuất của DN lại càng đứng trước khó khăn gấp bội. Ông Đoàn Trọng Lý cho biết, Cty ông đang tính tạm dừng đầu tư một số dự án. Ví dụ như hệ thống thu mua, chế biến và bảo quản nông sản tại Sơn La, Aprocimex đã được UBND tỉnh này cấp phép đầu tư, cấp hơn chục ha đất để xây dựng nhà máy từ năm 2009. Tuy nhiên, cứ khó khăn thế này thì có lẽ phải tạm dừng hoạt động xây lắp, vì theo ông Lý, càng đầu tư, DN càng có thêm cơ hội… lỗ vốn. Bởi lẽ, toàn bộ dây chuyền chế biến được NK từ nước ngoài, nếu chuyển về Việt Nam, thì DN không biết lấy đâu ra chi phí để bù vào khoản chênh lệch tỷ giá vừa tăng. Hơn nữa, nếu dây chuyền đi vào hoạt động, thì chi phí để duy trì cho nó cũng bị đội lên rất nhiều.

Hay như dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi khoảng 45 tỷ của Aprocimex tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) cũng đang có nguy cơ bị tạm dừng xây dựng. Theo kế hoạch, năm nay nhà máy này sẽ đi vào hoạt động, thu hút khoảng 150 lao động. Tuy nhiên, kế hoạch này chắc chắn sẽ phá sản bởi USD tăng, và số lao động có thể sẽ chỉ còn 1/2 so với dự kiến ban đầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, tâm lý chung của các DN là cùng mong muốn Chính phủ có các biện pháp ổn định tỷ giá ngoại tệ. Theo họ, từ năm ngoái đến đầu năm nay, giá ngoại tệ bị điều chỉnh khá nhiều và cũng không ai có thể dự đoán được tới cuối năm, tỷ giá sẽ lại lao như con ngựa bất kham hay không. Điều này khiến DN dù có giỏi dự báo tới đâu cũng không thể kịp xoay chuyển tình hình.

“Với người tiêu dùng, USD tăng giá khiến phải móc hầu bao trả thêm một khoản không nhỏ cho mỗi món hàng trước đây vẫn thường được tính theo ngoại tệ. Cụ thể, mỗi chiếc ô tô NK giờ đây phải cõng thêm vài chục triệu đồng, mỗi chiếc xe máy tăng thêm vài triệu đồng tới hàng chục triệu đồng, rồi máy tính, điện thoại di động, mỹ phẩm, thậm chí cả quần áo NK… cũng đều được tính theo tỷ giá. Như vậy, cả DN và người dân đều phải chịu những thiệt hại không nhỏ về kinh tế do cơn sốt tỷ giá ngoại tệ gây nên”, chuyên gia Phạm Chi Lan.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước với mục tiêu làm thu hẹp biên độ giữa ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường “chợ đen” có thể cũng sẽ bị phá sản, bởi đến nay, 1 USD trên thị trường tự do đã tăng đến 21.800 đồng, cao hơn USD liên ngân hàng gần 1.000 đồng. Cứ đà tỷ giá ngoại tệ giữa ngân hàng và thị trường tự do chênh lệch nhiều thế này, DN lại càng gặp khó.

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, lúc này DN cần phải áp dụng biện pháp tình thế là giãn tiến độ sản xuất, tự co kéo để giảm bớt áp lực từ tỷ giá ngoại tệ. Hơn nữa, chính bản thân DN chưa thể điều chỉnh giá bán bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chủ yếu là thị trường. Vì vậy, ổn định tỷ giá ngoại tệ là biện pháp cấp thiết hiện nay để hỗ trợ DN. Với người tiêu dùng, tỷ giá ổn định cũng là điều kiện cần thiết để ổn định giá tiêu dùng và như vậy, áp lực lạm phát cuối năm mới được ghìm lại.

Được biết, Chính phủ đã có sự chỉ đạo sát sao về cung ứng ngoại tệ ra thị trường để giữ ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm bán USD đầy đủ cho các ngân hàng thương mại nhưng điều quan trọng là các DN cần ngoại tệ phải được đáp ứng theo đúng tỷ giá niêm yết mới giải quyết được vấn đề. Mặt khác, các nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ như ô tô, xe máy, các vật dụng đắt tiền NK khác cũng cần được người dân cân đối, giảm bớt áp lực về ngoại tệ, góp phần giữ ổn định cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát ở mức mong muốn.

Xem thêm
Thái Lan dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn sầu riêng trong năm 2024

Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sầu riêng, trị giá khoảng 130 tỷ baht, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.