| Hotline: 0983.970.780

Cửa Lò một vòng tay biển

Thứ Bảy 15/10/2016 , 08:01 (GMT+7)

Tôi không gọi Cửa Lò là quê Mẹ như bao người thường gọi, mà gọi Cửa Lò là quê cha. Cửa Lò là quê cha bởi nhiều lẽ...

09-02-34_trng-7
 

Từ xa xưa đất này là đất vua phong cho ông tổ hoàng tộc cách tôi 12 đời. Quận công Hoàng Phúc Nhàn, cha truyền con nối cho đến ngày cách mạng tháng tám thành công, chính quyền nói đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng đất là của chính quyền đến bây giờ mới thật rõ vì chính quyền mới có quyền cấp đất, bán đất.

Còn một lẽ riêng nữa Cha tôi người làng Thu Lũng bây giờ là phường Nghi Thu. Còn mẹ tôi là người làng Nguyệt Tỉnh, bây giờ là xã Nghi Công Bắc miền tây Nghi Lộc, ngày đó cha tôi đưa gia đình đi sơ tán và lãnh đạo cướp chính quyền ở tổng Vân Trình gặp mẹ tôi đã hai sáu tuổi quá lứa lỡ thì nhưng còn mặn mà nhan sắc ông lấy bà.

Quê cha nhưng cũng là nơi mẹ sinh ra tôi, một ngày đầu năm 1955 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng tôi vẫn có tuổi tử vi là giáp Ngọ vì ngày lập xuân mới được tính sang năm Mùi. Người ta nói ngựa là khổ là chân chạy nó vận đúng vào số tôi vậy, ngay từ bé tôi luôn phải đi xa, xa nhà, xa quê.

Chuyến đi xa đầu tiên mà tôi luôn nhớ đó là năm 1964, ngày đó chiến tranh ác liệt không quân, pháo hạm Mỹ bắn vào Cửa Lò như cơm bữa. Cha tôi là người lo xa nhà có hai anh em trai có chết thì chết một thằng thôi nên tôi phải đi sơ tán lên nhà dì ruột ở Nghi Công, vừa học lớp 4 vừa đi phụ chăn trâu một năm. Tuy cách nhà có 16 cây số mà sao xa xôi thế, xa xôi như thể ở hai đầu nỗi nhớ. Ngày nào tôi cũng trốn dì trèo lên ngọn rú Voi nhìn về phía biển nơi quê cha Cửa Lò để nhớ, để mơ được sớm về với mẹ, với bà nội, với những thằng bạn nối khổ như thằng cu Út, thằng Sơn Bớng, thằng Thắng Thoàn... để được đánh đáo, đánh khăng được chơi dàn trận. 

Chuyến đi xa thứ 2 là Hà Nội nó diễn ra đúng đêm 14 tháng 8 âm lịch năm 1968, Ngày hôm đó, cha tôi đã chở tôi bằng xe đạp từ Cửa Lò xuyên qua Nghi Lộc qua Nghi Lâm, Nghi Văn lên Đại Sơn, Trù Sơn huyện Đô Lương. Đích đến là xã Thái Sơn nơi có trạm liên lạc đưa đón cán bộ của Ủy ban, Tỉnh ủy Nghệ An tên là trạm 21.

Đêm đó trăng vàng đẹp như cổ tích trên chiếc xe đạp super global cũ kĩ cha tôi vừa đi đường vừa kể chuyện nhân tình thế thái, chuyện danh nhân, ông đã liên lạc gửi tôi ra Hà Nôi nơi có chị gái tôi đang là cán bộ làm việc ở Viện vệ sinh dịch tễ học Hà Nội, mong tôi học thành tài và hơn nữa là tránh được bom đạn Mỹ.

Ngày đó, Mỹ hạn chế ném bom miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở vào. Tôi ở đó vài ngày với ông chú họ là Hoàng Khắc Giêng vốn là cán bộ ban nông nghiệp tỉnh ủy, chờ cho có một chuyến xe đi ra Hà Nội để được đi nhờ.

Đêm đó trời sáng trong dưới ánh trăng thu vằng vặc, chiếc xe com măng ca đưa ông Chu Mạnh chủ tịch tỉnh và một vài ông cán bộ đi họp ở Trung ương, xe chạy theo tuyến đường 15B xuyên qua vùng Tân Kỳ lên khe Lụi rồi ra Miền tây Thanh Hóa, Trên xe ông Chu Mạnh hỏi: “cháu học lớp bảy rứa có biết tỉnh ta có mấy huyện không?”. Còn con nít mà tôi hỏi ngược lại ông: “Chú mần chủ tịch tỉnh mà không biết Tỉnh có mấy huyện à?”. Ông chặc lưỡi: “thằng này khá”.

Quê cha ở đây với tôi chính là lịch sử của làng Thu Lũng, làng tôi hình hình thang giáp biển phía đông là một cạnh có chiều dài hơn một cây số rưỡi, song song phía Tây là đường Quán Bánh Cửa Lò khoảng bảy trăm mét. Phía Bắc là con đường quan đi xuống tượng Thánh giá xóm Yên Trạch ngày xưa là xã Nghi Thủy, bây giờ là phường Thu Thủy, còn phía Nam là đường Sào Nam. Đó là hình thể nôm na như vậy nhưng làng xóm vốn dĩ là đất đai ông bà tiên tổ khai khẩn, xâm canh mà hình thành.

Ngày trước 1978 cả xã có mấy xóm Nam Liên, Tây Thông, Bắc Đại, Nam Đình, Nam Hòa, gần ven mé biển có Cát Liễu, Hiếu Hạp, Đông Hải, Bắc Hải, Đông Khánh và Tây khánh, ở đâu cũng có bà con dòng họ nội ngoại từ đời này qua đời khác nên đi đâu cũng thuộc, tên đất tên người, 

Ngày xưa khu nghỉ mát cũng chỉ vẻn vẹn có vậy, bây giờ mở rộng thêm một chút là một phần của Nghi Thủy, khu hành chính là đất nghi Hương, xuống dưới sân gôn là Nghi Hòa, Nghi Hải. Quê cha ở đây chính là những di tích lịch sử văn hóa còn sót lại sau bao biến cố thăng trầm của lịch sử. mà cái chính là ta tự phá ta do ngu dốt ít học mà ra, đình làng miếu mạo, lăng mộ bị trận bão chống phong kiến xây dựng nông thôn mới tàn phá tiêu điều.

May mắn làng tôi còn giữ được đền Bàu Lối, đền này được khởi công xây dựng từ triều hậu lê, thời ông tổ cách con trai tôi 9 đời là Hoàng Khắc Dòng (Dòng 1701-1776) Trung thành môn vệ tướng quân tổng tri công ba triều Long Đức, Vĩnh Hựu và cảnh Hưng về hưu góp sáu vạn, và hai trăm quan tiền công tiến cho làng năm mẫu ruộng “Tứ mẫu phì điền, nhất mẫu ương điền” (Bốn mẫu ruộng tốt, một mẫu nương quê tôi gọi là rộc) làng bán ruộng góp tiền xây dựng, đến đời nhà Nguyễn con cháu trong làng đã trùng tu, nên hình hài đến ngày nay.

Ngày xưa khi tôi còn bé đã được cha tôi dắt đến đền, tả cho tôi về hai cây thông già, hai cây phượng và hồ bán nguyệt trước đền. Đền xây thế nào người sau ai cũng thấy rõ nhưng Đền thờ ai mới là vấn đề văn hóa.

Đây là ngôi đền duy nhất có thể nói ở Vùng Nghệ Tĩnh thờ tứ tiên, Tứ bất tử thuần Việt. Không thờ Phật không thờ tượng ông Hồ Chí Minh như trong đền có đặt như bây giờ

Quê cha chính là dòng họ.

Họ Hoàng tôi phát tích ở Vạn phần và coi tổ tôn là Đông hải đại tướng quân sát hải đại vương Hoàng Tả Thốn, người có công lao to lớn trong cuộc kháng chiến chống nhà Nguyên xâm lược đời nhà Trần phong thượng, thượng, thượng, đẳng thần...

Đền thờ tiền nhân được lập trong Nam ngoài Bắc, nhưng đến thời Lê họ Hoàng ông tổ tôi mới được phong đất ở Vùng Cửa Lò bao gồm từ Nghi Hòa, Nghi Hương, Nghi Thu bấy giờ đất Cửa Lò chính là của Quận công Hoàng Phúc Nhàn mà ra. Khi ông tổ cách tôi tám đời xây nhà thờ kỷ niệm ở Nghi Thu còn đôi câu đối: “Hoàng gia kiến nghiệp cương thường trụ/ Lũng địa phong quang kỷ niệm đường”.

Nơi đây còn lưu giữ tấm bia đá có ghi Hậu Thần Bi Ký được lập năm Cảnh Hưng thứ 16. Cảnh Hưng thập lục niên ghi nhận công đức của ông tổ cách tôi 8 đời Hoàng Khắc Dòng (1701-1776) tổng tri công ba triều Long Đức, Vĩnh Hựu, Cảnh Hưng thời hậu Lê dân gian gọi là ông Giá Hậu. Do Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ đệ tam nhân Nguyễn Huy Oánh thảo cũng nói thêm một chút về Tiến sỹ Nguyễn Huy Oánh, ông chính là cha của nhà thơ Nguyễn Huy Tự tác giả Hoa Tiên, ông đậu tiến sỹ khoa Mậu Thìn triều Lê, người có công lớn lập lên làng Trường Lưu, trên bia còn ghi rõ ông là người có tu hành “Thạch đồng cư sỹ, thượng thư bộ công’’ bia do Đồng thọ nam tri phủ tạo lập.

Bia này vốn đặt ở mộ phần ông tổ tôi nhưng những năm sắp xếp lại giang sơn của ngài Trương Kiện mồ ông tôi bị đào phá, Cha tôi tìm cách đưa tấm bia vào nhà thờ họ nhờ vậy có đến ngày nay. Ở Làng Thu Lũng xã Nghi Thu bây giờ hàng năm lấy ngày Ông tổ tôi mất làm ngày giỗ chung làng gọi là giỗ ông Gia Hậu, tục giỗ này có đến sau năm 1945 thì bị bãi bỏ.

Làng tôi còn có ông Phùng Phúc Kiều tướng công sinh sau ông Hoàng Khắc Dòng 20 năm, ông cũng là con rể họ Hoàng có công trấn ải vùng biển từ Quỳnh Lưu tới Cửa Hội, con cháu họ Phùng ngày nay lập đền thờ ông trên phần mộ ngày xưa chôn cất ông có tấm bia đá quan võ trơ gan cùng tuế nguyệt. Sau này họ xin được công nhận là di tích cấp tỉnh xin thêm đất công của xã tôn tạo lại nên nhà thờ Phùng Phúc Kiều như hôm nay.

Cách đây hơn trăm năm người Pháp đã phát hiện ra bãi biển Cửa Lò là nơi nghỉ mát lý tưởng, người Pháp khi cai trị nước Việt đã mở đường quan Nam Bắc, làm đường Hỏa xa, mở nhà máy diêm, nhà máy gỗ Trường Thi, họ đã nghĩ tới cảng Cửa Lò, Cửa Hội, họ mở đồn điền khai khẩn vùng tây Nghệ An: Tây Hiếu, Đông Hiếu.

Mùa hè nóng nực bởi mùa gió Lào nóng như lửa nung thì làn nước biển Cửa Lò mát rượi có thể làm tiêu tan cái mệt mỏi chết người. Nhưng không phải bãi biển nào cũng có thể là nơi nghỉ mát, nó có tiêu chuẩn của nó, từ nước biển sạch, bãi cát mịn màng còn một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là an toàn, nơi đó không có đòi tức là không có nhưng rốn xoáy nước có thể cướp đi sinh mạng của những người đến tắm biển bất cứ lúc nào?

Có vậy mà những việc nhỏ này đã được nhà nước bảo hộ Pháp cấp quyết định Cửa Lò là bãi biển nghỉ mát du lịch. Cách đây mấy năm Chính quyền Cửa Lò đã sang đến Paris thủ đô nước Pháp tìm trong thư tịch lưu trữ tìm ra cái quyết định nói trên để công bố cho bàn dân thiên hạ biết rộng rãi. Dân quê tôi thường nói đùa: Cửa Lò choa bãi biển nghỉ mát cực kỳ tốt, Pháp hắn cũng phải công nhận chứ chẳng phải đùa!

Xưa nay ở Cửa Lò người bản địa là chủ yếu, Cha tôi viết thư cho tôi vẫn viết dòng đầu tiên trên thư là “Cửa Lò chi xứ bản...” Nghi Thủy, Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Hải. Thỉnh thoảng mới có người nhập cư xâm canh đó là những gia đình có con gái nhưng không có con trai, anh em bà con phải về sinh sống chăm lo hương hỏa dòng họ, hoặc vài người ở rể mà thôi, Trong một xã chỉ có dăm ba nhà như vậy.

09-02-34_trng-9
 

Người nhập cư và tạm trú dài hạn trên đất Cửa Lò chính là đợt tập kết theo hiệp định Giơ neo năm 1954 quân của Việt Minh trở ra vĩ tuyến 17, quân của Pháp và những người theo chính quyền Pháp thì tập kết vào Nam, Quân của Việt Minh thì tập kết ra Bắc đến 1955 đoàn cán bộ chiến sỹ Miền Nam đầu tiên theo tàu Pháp tập kết vào Cửa Hội chủ yếu là bộ đội con em nhân đân từ Bình Trị Thiên đến Phú khánh, Tuy Hòa, Cha tôi cũng được phân công làm cán bộ đón tiếp các chú bộ đội Miền nam, Họ đóng quân ở Cửa Hội, ở đình xã Nghi Thu và có thành lập một khu an dưỡng gọi là Khu an dưỡng Cửa Lò ở ngay phía Đông núi Đụng Định cạnh con đường lớn về cảng Cửa Lò bây giờ, tiếc rằng năm 1965 máy bay Mỹ đã oanh tạc xóa sổ trạm điều dưỡng này.

Điều này khiến cho nhiều thân nhân của đồng bào Miền Nam không thể tìm lại một số mồ mả của những người thân của họ chẳng may bị bệnh tật mất sớm, hoặc những người bị bom Mỹ sát hại, những người mà trong trí nhớ của chúng tôi như chú Hồng Kỳ, Chú Tặng...

Đợt xâm canh thứ hai làm thay đổi sắc dân trên đất Cửa Lò chính là việc thành lập thị xã Du Lịch Cửa Lò cách nay gần 20 năm. Đã là đô thị lại là đô thị du lịch, việc giao lưu hội nhập là chuyện tất yếu từ đó sắc dân Cửa Lò đã có nhiều thay đổi, họ là con em Nghệ An làm ăn khá giả từ Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác, ở từ các nước khác trở về mua đất xây khách sạn kinh doanh. Hoặc những người từ Vinh, Nghĩa Đàn, các huyện khác thấy Cửa Lò những cơ hội phát triển tốt mà đến đây lập nghiệp.

Họ đã tạo nên một Cửa Lò mới năng động và phong phú hơn. Lãnh đạo Chính quyền Cửa Lò cũng có nhiều suy nghĩ đầu tư cho việc phát triển Cửa Lò cho tương lai. Mong sao họ luôn nghĩ đến văn hóa du lịch làm sao Cửa Lò xanh, sạch đẹp và văn hóa. Họ sẽ nghĩ và đầu tư nhiều cho Cửa Lò, mở mang du lịch Hòn Ngư, du lịch tìm hiểu văn hóa như tìm hiểu ngôn ngữ Nghi Lộc Cửa Lò chẳng hạn...

Cửa Lò quê cha là nơi chôn rau cắt rốn, là nơi thấm đẫm tiếng quê hương. Bây giờ đây ở tuổi mà tóc đã điểm sương, bạn bè tứ xứ trở về xum họp lâu lâu hàn huyên đọc cho nhau nghe, kể chuyện cho nhau nghe mà sướng trong lòng.

Cửa Lò quê cha đã thay đổi nhưng những con người giọng nói, con đường, những hàng phi lao, bãi cát mịn màng in những dấu chân con coòng gió vẫn khắc ghi trong trái tim tôi!

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Trận dông lốc kinh hoàng khiến hàng trăm hộ dân 'màn trời chiếu đất'

Bắc Kạn Rạng sáng ngày 18/4, dông lốc trên diện rộng làm hơn 580 ngôi nhà tại tỉnh Bắc Kạn hư hỏng, người dân và chính quyền địa phương đang nỗ lực khắc phục hậu quả.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm