| Hotline: 0983.970.780

Cục Chăn nuôi nói không có hại!

Thứ Tư 10/07/2013 , 09:29 (GMT+7)

Cục Chăn nuôi khẳng định, nếu sử dụng đúng quy định, chưa có cơ sở khoa học cho thấy các loại kháng sinh liều thấp được phép sử dụng trong TĂCN hiện nay có thể gây hại cho sinh trưởng của vật nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.

Cục Chăn nuôi khẳng định, nếu sử dụng đúng quy định, chưa có cơ sở khoa học cho thấy các loại kháng sinh liều thấp được phép sử dụng trong TĂCN hiện nay có thể gây hại cho sinh trưởng của vật nuôi và sức khỏe người tiêu dùng.

Báo NNVN vừa qua phản ánh việc sử dụng kháng sinh trong TĂCN gây ảnh hưởng rất lớn tới XK các sản phẩm chăn nuôi của nước ta do tồn dư kháng sinh. Được sự ủy quyền phát ngôn của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, Tiến sĩ Ninh Thị Len – Phó trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) đã có cuộc trao đổi với NNVN về vấn đề này.


Trứng gia cầm - hi vọng XK hiếm hoi của ngành chăn nuôi VN đang vấp khó khăn vì tồn dư kháng sinh

Thưa bà, việc sử dụng kháng sinh trong TĂCN hiện nay do đơn vị nào quản lí?

Kháng sinh trực tiếp điều trị bệnh hiện do Cục Thú y quản lí, còn kháng sinh kích thích sinh trưởng sử dụng trong TĂCN do Cục Chăn nuôi quản lí.

Việc sử dụng kháng sinh trong TĂCN chúng ta cho phép từ bao giờ? Hiện có nhiều loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN không?

Kháng sinh – hóa dược trong TĂCN hiện nay gồm: Các loại kháng sinh – hóa dược bị cấm sử dụng theo Quyết định số 54/2002/QĐ-BNN của Bộ NN-PTNT quy định một số loại kháng sinh – hóa dược cấm SX, lưu hành và sử dụng trong TĂCN tại Việt Nam.

Theo đó, có khoảng 18 loại kháng sinh và hóa dược phẩm bị cấm sử dụng. Quyết định này có hiệu lực từ năm 2004.

Về các loại kháng sinh – hóa dược được phép sử dụng trong TĂCN, hiện nay thực hiện theo Thông tư 81/2009/TT-BNN của Bộ NN-PTNT về việc ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực TĂCN, có hiệu lực từ năm 2010.

Theo thông tư này, hiện có khoảng 20 loại kháng sinh – hóa dược được phép sử dụng trong TĂCN. Thông tư này cũng đã quy định rất chi tiết hướng dẫn về hàm lượng, liều lượng sử dụng tối đa cho phép của các loại kháng sinh – hóa dược trên từng đối tượng vật nuôi, kèm theo hướng dẫn về yêu cầu thời gian ngừng sử dụng TĂCN có kháng sinh trước khi giết thịt vật nuôi.

Tùy vào các loại kháng sinh, các đối tượng vật nuôi cụ thể như gà, vịt, bê – bò, lợn... mà có thời gian yêu cầu ngừng sử dụng TĂCN có kháng sinh đó trước khi giết thịt khác nhau..., hoặc có loại kháng sinh được phép sử dụng cho tới lúc giết thịt.

Bà nói có loại kháng sinh yêu cầu phải ngừng sử dụng cho vật nuôi trước khi giết thịt một thời gian nhất định. Nhưng người chăn nuôi nói họ đang sử dụng loại TĂCN này có kháng sinh, đâu dễ ngừng giữa chừng để chuyển sang loại TĂCN khác không có kháng sinh?

Thông tư 66/2011/TT-BNNPTNT quy định về quản lí TĂCN, trong đó đã quy định rõ về yêu cầu ghi nhãn trên bao bì sản phẩm TĂCN có kháng sinh. Theo đó TĂCN nào có kháng sinh, bao bì phải ghi rõ là trong TĂCN đó có kháng sinh gì, yêu cầu ngừng sử dụng trước khi giết thịt bao nhiêu ngày (đối với kháng sinh có yêu cầu).

Mặt khác, trên thị trường hiện nay có hàng trăm sản phẩm TĂCN của hàng trăm Cty khác nhau, có loại TĂCN có kháng sinh, có loại không có kháng sinh, chứ đâu phải loại nào cũng có kháng sinh đâu?

Cùng một sản phẩm TĂCN, loại không có kháng sinh giá lại rẻ hơn cả sản phẩm có kháng sinh nữa. Thế nên chuyển đổi các loại TĂCN giữa chừng cũng được, mà không muốn phải làm thế thì người chăn nuôi hoàn toàn có quyền lựa chọn loại TĂCN không có kháng sinh ngay từ đầu. Đó cũng là quyền lợi của họ cơ mà!

Nhưng đâu phải người chăn nuôi nào cũng biết và hiểu những vấn đề như bà vừa nói. Thực tế họ vẫn đang sử dụng các loại TĂCN có kháng sinh mà không hề ngừng sử dụng trước khi xuất chuồng, khiến sản phẩm chăn nuôi nào cũng có tồn dư kháng sinh?

Nói như thế thì rất khó trả lời cho cơ quan quản lí nhà nước. Nhà nước quy định như vậy, còn người chăn nuôi áp dụng thế nào thì còn là một bước dài phía sau, liên quan tới cả việc phổ biến kiến thức, thông tin, hướng dẫn... cho họ.

Chúng tôi đã yêu cầu nhà SX TĂCN phải công bố thông tin cảnh báo về việc ngừng sử dụng TĂCN có kháng sinh bao nhiêu ngày trước khi xuất chuồng, họ (người chăn nuôi) không thực hiện điều đó, để tồn dư kháng sinh trên sản phẩm thì là lỗi của họ chứ?

Có ý kiến nói sử dụng kháng sinh trong TĂCN là lợi bất cập hại, vì sẽ dẫn tới hiện tượng vi khuẩn kháng kháng sinh, thậm chí tiêu diệt các vi sinh vật có lợi trong đường ruột vật nuôi?

Nói thế là không có cơ sở! Cần phân biệt, các loại kháng sinh bị cấm sử dụng là bởi tồn dư của nó trong thực phẩm có thể gây hại rất lớn cho người sử dụng. Đồng thời có thể gây nhờn thuốc, kháng kháng sinh khi sử dụng trên vật nuôi.

Trong khi đó, các loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN hiện nay đều là các loại kháng sinh liều thấp (thấp nhiều chục lần so với kháng sinh điều trị).

Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng, các loại kháng sinh liều thấp này chủ yếu có tác dụng kìm hãm các vi sinh vật gây hại, đồng thời không ảnh hưởng hoặc thậm chí thúc đẩy tốt hơn sự phát triển của các loại vi sinh vật có lợi trong đường ruột vật nuôi.

Khi xây dựng quy chuẩn cho phép sử dụng các loại kháng sinh trong TĂCN, hàm lượng, giới hạn sử dụng ra sao của từng loại kháng sinh đối với từng loại vật nuôi cụ thể, chúng tôi đã căn cứ vào rất nhiều tư liệu khoa học trong và ngoài nước, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, người chăn nuôi...

Đó là chưa nói hiện nay, nhiều quan điểm còn chứng minh rằng: Nếu cấm hoàn toàn kháng sinh liều thấp lưu hành trong TĂCN thì tình trạng sử dụng kháng sinh trị bệnh sẽ tăng lên rất nhiều, đồng thời tỉ lệ bị bệnh trong vật nuôi, chi phí kháng sinh trong phòng trị bệnh cũng rất cao.

Nói như bà, tại sao nhiều nước như Hàn Quốc, EU... lại cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong TĂCN?

Đúng là thực tế có nhiều nước cấm hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích sinh trưởng trong TĂCN. Đầu tiên là Thụy Điển, sau đó tới khối EU, gần đây có Hàn Quốc. Riêng Mỹ đã có kế hoạch dự định tới năm 2016 sẽ cấm hoàn toàn.

Bởi nói gì thì nói, việc cấm hoàn toàn kháng sinh trong TĂCN là điều an toàn và có lợi cho lâu dài. Nhưng trước mắt hiện nay, tôi e rằng Việt Nam sẽ khó mà thực hiện được điều này. Đặc biệt là trong điều kiện chăn nuôi của ta đang nhỏ lẻ, an toàn sinh học còn rất kém.

Chỉ có những nước đã phát triển chăn nuôi tới đỉnh cao, kiểm soát môi trường dịch bệnh gần như tuyệt đối như EU, Mỹ... mới có thể cấm được.

Quan điểm của bà, có ủng hộ việc tiến tới cấm hoàn toàn không?

Tôi rất ủng hộ, tuy nhiên, cần có lộ trình dài hơi, chứ cấm ngay chắc chắn sẽ rất khó khăn. Ngay như Trung Quốc, Thái Lan và hầu hết các nước trên thế giới (ngoại trừ EU, và Hàn Quốc), thậm chí cả Mỹ hiện cũng đang cho phép sử dụng cơ mà!

Nhưng chúng ta không thể chờ lộ trình đó, khi mà ngay bây giờ, việc XK sản phẩm chăn nuôi của VN sang các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc... đang bị mắc kẹt bởi họ yêu cầu không được có tồn dư kháng sinh?

Bản thân kháng sinh liều thấp trong TĂCN không có tội. Vấn đề ở đây là việc sử dụng và quản lí việc sử dụng TĂCN như thế nào ở ngay các trại chăn nuôi.

Trước hết người chăn nuôi cần tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng TĂCN có kháng sinh, nhất là các vùng SX sản phẩm chăn nuôi phục vụ XK. Bên cạnh đó, cần tuân thủ nghiêm cả việc sử dụng kháng sinh trong điều trị nữa thì mới mong loại bỏ được tồn dư kháng sinh.

Xin cảm ơn bà!

Thú y cấm, chăn nuôi cho phép

Có một điều khó hiểu: Theo Thông tư số 15/2009/TT-BNN và Thông tư số 29/2009/TT-BNNPTNT (sửa đổi bổ sung Thông tư 15/2009/TT-BNN) của Bộ NN-PTNT, kháng sinh Bacitracin Zn đã bị cấm sử dụng, còn kháng sinh Tylosin Phosphate bị hạn chế sử dụng trong lĩnh vực thú y ở nước ta.

Trong khi đó, tại Thông tư 81/2009/TT-BNN của Bộ NN-PTNT ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực TĂCN, hai loại kháng sinh nêu trên lại thuộc danh mục các loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN, thậm chí không yêu cầu thời gian ngừng sử dụng trước khi giết mổ đối với nhiều loại vật nuôi.

Giải thích về sự mâu thuẫn này, ông Chu Đình Khu – Trưởng phòng TĂCN (Cục Chăn nuôi) cho rằng, sở dĩ hai loại kháng sinh này vẫn được phép sử dụng trong TĂCN là bởi hàm lượng sử dụng trong TĂCN rất bé. Cụ thể: Hàm lượng tối đa cho phép đối với kháng sinh Bacitracin Zn trong TĂCN dành cho lợn dưới 3 tháng tuổi hiện nay theo quy định chỉ là 80g/tấn thức ăn và 20g/tấn thức ăn đối với lợn dưới 6 tháng tuổi; hàm lượng tối đa cho phép đối với kháng sinh Tylosin phosphate trong TĂCN quy định chung dành cho tất cả độ tuổi của lợn chỉ khoảng 40g/tấn thức ăn.

Theo ông Khu, không riêng hai loại kháng sinh trên, đa số các loại kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN hiện nay thường có hàm lượng thấp hơn hàm lượng sử dụng trong thú y tới 15 đến 20 lần.

"Tôi không rõ lí do vì sao hai loại kháng sinh trên lại bị cấm và hạn chế sử dụng trong thú y. Nhưng đơn cử đối với hàm lượng bé như hai loại kháng sinh vừa nêu, khi sử dụng trong TĂCN sẽ hoàn toàn được vật nuôi đào thải hàng ngày nên sẽ đảm bảo yêu cầu an toàn về nguy cơ tồn dư kháng sinh" - ông Khu khẳng định.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất