| Hotline: 0983.970.780

Cúm gia cầm 2003 và bài học cho khủng hoảng tả lợn Châu Phi 2019

Thứ Tư 27/03/2019 , 06:40 (GMT+7)

Khủng hoảng dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang xảy ra với ngành chăn nuôi lợn đầu 2019 có nhiều điểm tương đồng dịch cúm gia cầm A H5N1 lần đầu xuất hiện tại Việt Nam năm 2003, nên chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm từ quá khứ để hạn chế thiệt hại ở mức nhỏ nhất.

Cuối năm 2003, khi các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài lần đầu công bố dịch cúm gia cầm với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, hình ảnh những cán bộ thú y quần áo bảo hộ trắng toát kín mít như các phi hành gia vũ trụ tại các điểm tiêu hủy gà vịt xuất hiện dày đặc trên các bản tin của báo, đài.
 
Dịch cúm gia cầm năm 2003 và ASF năm 2019 có nhiều điểm tương đồng về khủng hoảng truyền thông
 
Nhất là khi bắt đầu xuất hiện một số trường hợp người dân bị chết do có nhiễm cúm gia cầm việc tiêu thụ thịt gà, thịt vịt gần như đóng băng. Tại nhiều vùng quê, người dân sợ sệt lo lắng đến nỗi nhiều người gọi cho không nhau gà, vịt hoặc bán rẻ, bán vo cả con gà, con ngan to mấy cân giá có vài nghìn đồng.
 
Cộng với việc thời điểm đó, việc mua bán, vận chuyển, giao thương gia cầm từ tỉnh này sang tỉnh khác được kiểm soát chặt quá đến mức nghẹt thở. Thậm chí, nhiều chuyên gia và nhà quản lý lúc đó đã bàn tới phương án tiêu hủy toàn bộ gia cầm cho hết dịch để cứu người.
 
Nhưng không lâu sau, khi dịch cúm gia cầm bắt đầu lắng xuống, các cơ quan chức năng, người dân, người tiêu dùng thấy dịch cúm gia cầm không quá nghiêm trọng như suy nghĩ ban đầu, việc cấm vận chuyển mua bán gia cầm được nới lỏng, chăn nuôi dần ổn định trở lại.

Trở lại câu chuyện dịch ASF tại Việt Nam hiện nay khi người chăn nuôi, người tiêu dùng, thậm chí cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đang rơi vào khủng hoảng không khác gì cúm gia cầm giai đoạn 2003 - 2005. Cả hệ thống chính trị đang được huy động để chống dịch, việc tiêu thụ thịt lợn cùng các dịch vụ khác liên quan đến chăn nuôi lợn như thức ăn, con giống, thú y gần như đóng băng do người dân hạn chế, thậm chí tạm dừng ăn thịt lợn cộng việc hạn chế và cấm mua bán vận chuyển lợn giữa các vùng dịch.

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho đến thời điểm hiện tại dịch ASF chỉ xảy ra trên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, chưa có bất cứ trang trại quy mô lớn nào của doanh nghiệp bị ASF. Thực tế tại Trung Quốc đến thời điểm này khi dịch ASF đã xảy ra được gần 1 năm cũng chỉ có các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bị ASF còn tuyệt nhiên không xảy ra với trang trại, gia trại lớn nuôi theo mô hình chuồng kín.

Thực tế, ASF xuất hiện cách đây đã gần 100 năm chứ không phải mới, virus lại không lây sang người, dịch cũng đang có mặt ở trên 20 quốc gia và nhiều nước Châu Âu như Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan… nhưng tại sao khi vào Việt Nam lại tạo ra khủng hoảng lớn đến vậy cần được làm rõ, bởi thịt lợn, thịt gà đã là thực phẩm thiết yếu mỗi ngày trong hàng nghìn năm qua của người Việt?.

Không đâu xa, ngay tại Trung Quốc, ASF chỉ khiến giá lợn hơi giảm trong thời gian rất ngắn, nay giá tăng mạnh trở lại lên ngưỡng trên 50.000 đồng/kg. Điểm khác biệt giữa Trung Quốc so với Việt Nam là người tiêu dùng Trung Quốc họ tuy có giảm ăn thịt lợn nhưng không quay lưng và tẩy chay đồng loạt, ào ạt như tại nước ta.
 
Phải chăng, do người tiêu dùng nước ta quá thiếu lòng tin, quá nhạy cảm hay do kịch bản tuyên truyền về ASF chưa đầy đủ, kịp thời, hợp lý về cường độ và liều lượng. Cũng không loại trừ giả thiết có thế lực nào đó đang lợi dụng ASF để cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng cho ngành chăn nuôi lợn Việt Nam để chuộc lợi sau này, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng phức tạp.
 
Tẩy chay thịt lợn đem đến hậu quả, hệ lụy vô cùng khốc liệt, nặng nề sau dịch cho nền chăn nuôi và nền kinh tế
 
Nếu phân tích dưới góc độ khoa học, chuyên môn và logic, các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y cho rằng, đây mới chính là thời điểm ăn thịt lợn an toàn nhất. Bởi Châu Âu dịch xuất hiện đã hơn 40 năm nay họ vẫn mua bán, sử dụng và xuất khẩu thịt lợn bình thường, nên quan trọng nhất vẫn là công tác khoanh vùng khống chế dịch, đặc biệt là quản lý tốt việc mua bán, vận chuyển, giết mổ.
 
Kể từ khi dịch cúm gia cầm bắt đầu xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2003 đến nay đã 16 năm, giờ người chăn nuôi, người tiêu dùng và đặc biệt là cơ quan quản lý chuyên môn không còn hoảng loạn mỗi khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm như trước nữa. Bởi thực tế hiện có hàng trăm chủng và tuýp cúm gia cầm khác nhau nên không doanh nghiệp nào nghiên cứu, sản xuất vaccine kịp với tốc độ và biến chủng hàng ngày của virus.
Tiếp đến, hiện lực lượng thú y và các chủ trang trại, doanh nghiệp đang phải căng mình cũng như tuân thủ tuyệt đối, cao nhất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thú y trong chăn nuôi nên công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyên lợn chưa bao giờ ngặt nghèo, khắt khe như hiện nay. Riêng với các doanh nghiệp lớn được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật như: C.P, Dabaco, Hòa Phát, Mavin, Masan, Viện Chăn nuôi… tất cả lợn trước khi đem đi giết mổ bắt buộc phải lấy mẫu máu phân tích xác định an toàn mới được xuất chuồng.
 
Thống kê của Cục Thú y, tổng số lợn tiêu hủy do ASF đến thời điểm hiện tại mới chỉ vào khoảng 30.000 con, tức chiếm số lượng rất nhỏ trong tổng số đàn lợn khoảng 28 triệu con lợn của Việt Nam. Trong khi đó 100% lợn bị nhiễm ASF hoặc nghi nhiễm ASF đều được tiêu hủy ngay lập tức bởi nhà nước đang có chính sách hỗ trợ bằng 80% giá thị trường với lợn thịt và hệ số 1,5 - 2,0 lần với lợn nái, đực giống nên người chăn nuôi không dại gì phải bán chạy, bán tháo lợn dịch cả, bởi có bán cũng không có ai mua.
 
Theo số liệu thống kê của Hội Chăn nuôi Việt Nam, lượng lợn được nuôi trong các trang trại, gia trại lớn, trại gia công, FDI hiện chiếm tỷ trọng trên 60% tổng đàn lợn của Việt Nam. Các trại lợn này đều có quy mô nhỏ nhất khoảng 500 con, trung bình 700 - 1.000 con, nuôi hoàn toàn trong mô hình khép kín chuồng mát, chuồng kín từ con giống tới thức ăn mà ngay cả chuột bọ cũng khó lọt vào được nên độ an toàn dịch bệnh cao tương đương các quốc gia có nền chăn nuôi phát triển hàng đầu trên thế giới hiện nay.
 

Vì vậy, không ăn thịt lợn lúc này không chỉ khiến chất lượng bữa ăn suy giảm, tăng chi phí giá thành (nhất là với các doanh nghiệp lớn dùng nhiều thực phẩm) mà còn góp phần lãng phí nguồn dinh dưỡng chất lượng cao có giá thành hợp lý nhất, qua đó vô hình chung tạo áp lực, thiệt hại lớn không đáng có lên nền chăn nuôi nước nhà và cả nền kinh tế đất nước. Hậu quả, hệ lụy sau dịch sẽ vô cùng khốc liệt, nặng nề bởi con lợn đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành chăn nuôi và nông nghiệp.

Với quy mô lên tới hàng nghìn con lợn/trại nên việc tuân thủ an toàn sinh học, vệ sinh dịch tễ thú y với các doanh nghiệp, trang trại, gia trại mang tính chất sống còn với họ. Hơn nữa, tất cả lợn nuôi tại hệ thống trang trại chuồng kín bắt buộc phải làm đầy đủ các loại vaccine, tẩy giun sán định kỳ nên tuyệt đối không bao giờ bị giun sán như mô hình chăn nuôi tận dụng cơm thừa, canh cặn, phế phụ phẩm nông nghiệp kiểu chăn nuôi nông hộ thả rông.

 

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất