| Hotline: 0983.970.780

Cứng nhắc quá dễ dẫn tới chia tay

Thứ Hai 12/05/2014 , 11:06 (GMT+7)

Mình khư khư mình phải là mình, đúng, nhưng cứng nhắc quá coi chừng hai ô tô cứ đi hai đường rồi thì ngã rẽ sẽ xuất hiện và sẽ có lúc các cháu rời hẳn nhau chứ không là bời rời nữa.

Cô Dạ Hương kính mến!

Học đến năm thứ tư thì cháu đi thực tập. Lần đầu tiên con gái đi xa, mẹ cháu khóc, như thể có linh cảm. Ở cương vị cháu, một sinh viên có tiếng thì đi vào Nam thực tập là vì công việc tốt sẽ chờ sẵn. Mẹ khóc vì nghĩ cho cháu đi là sẽ mất.

Mà đúng thế cô ạ. Cháu cũng không nghĩ cháu sẽ gặp và yêu K ở cái nơi nắng gió này và gắn bó với nó đến hết đời. Chắc cô nghĩ cháu là đứa dễ xiêu mà sao lại nói giọng cao giá. Cháu cũng không hiểu nổi mình trong việc này, thôi thì nghĩ hai chữ số phận là đúng nhất.

K không là con một, cháu cũng không là gái một, có điều cháu là gái cả mà K là trai út. Phải nói rằng gia đình K (có ba người con), bố mẹ là viên chức nhưng còn giữ nhiều nếp truyền thống cổ, vì thế mà pha trộn rất kỳ lạ.

Ví như khi làm đám cưới, tổ chức ở quê cháu trước, đón dâu bằng máy bay, dọc đường có nghỉ ở khách sạn một đêm hôm sau mới về đến nhà K, thì mẹ K không cho chúng cháu ở chung phòng, quan niệm là chưa lên đèn ở bàn thờ nhà chồng thì chưa có có tân hôn.

Ví như cuối tuần, từ thành phố mà về nhà được thì thế nào ba K cũng tổ chức họp gia đình để kiểm điểm con cái.

Việc tân hôn ở đâu, thôi thì cháu là dâu mới, cháu không dám phản đối, bố mẹ cháu đi cùng cũng không ý kiến làm chi. Nhưng việc họp như thể họp cơ quan cháu thấy làm mãi thì nó kỳ cục, hình thức.

Những việc ấy còn là việc nhỏ khi K không cho cháu đi làm ngay năm đầu tiên cháu lấy chồng. Hai vợ chồng chưa kịp trục trặc vì việc này thì cháu có bầu, ở nhà dưỡng thai và chăm con. Đến khi con trai 2 tuổi thì K không cầm chân cháu được nữa.

Cô có thấy K và gia đình anh ấy kỳ quặc chưa cô. Còn tiền nong thì ba mẹ K có công thức, tiền lương ai người ấy giữ, phân công nhau chi tiêu. K cũng áp dụng điều luật ấy với cháu.

Lúc cháu bị “dìm” ở nhà thì K lo tất, ô tô, công ty, người giúp việc…Vì thế mà khi cháu đi làm thì đương nhiên lương cháu không đóng góp, nhưng cháu cũng thấy sống như thế là không chân thành với nhau, không hết mình và sẽ không có bền vững.

Cháu quyết định không sinh thêm đứa nữa. Giờ thì hai vợ chồng hai ô tô, mạnh ai nấy đi làm và tiền ai nấy biết. Bạn bè cháu cũng nhiều đứa ở trong tình trạng ấy cô ạ. Thời gian cũng là tài sản của riêng mỗi người, anh ở kề bên mà anh nói ở miền Trung hay miền Tây cũng được.

Cháu không nghĩ K có ai khác nhưng anh ấy làm thế để không bị kiểm soát khi các nghĩa vụ về tiền anh ấy đã lo đủ hàng tháng.

Điều cháu khó chịu nhất ở chồng là anh nghe mẹ hơn nghe vợ và thích đánh xe về với ba mẹ cuối tuần để ăn những món ăn có đường. Cô nghĩ, chúng cháu có bời rời không, có lâu bền được không? Cháu đâu dám kể hết với bố mẹ vì cuộc sống vợ chồng chúng cháu rất khác với họ, nhiều tiền nhiều tiện nghi nhưng nói hạnh phúc hơn họ thì không chắc.

Mong cô giữ kín email giúp.

---------------------

Cháu thân mến!

Chuyện Bắc và Nam của cháu khiến cô nhớ đến một cô bạn làm việc chung với cô ngày trước. Cô này người Bắc, chồng (không chính danh) của cô ấy cũng dân đất Bắc. Có vô số nguyên do để họ chia tay nhau, cô ấy đưa cô con gái nhỏ vào Sài Gòn.

Khi con vào cấp III, cô ấy lại đưa nó ra Bắc, hỏi sao thế, cô ấy nói gọn lỏn: Để trong kia lớn lên nó lấy ai, lấy những gã miền Nam nhạt như nước ốc ấy à? Eo ơi, sao có người vơ đũa cả nắm vậy không biết!

Có lẽ cháu rất nhan sắc và giỏi gang nên chưa thực tập xong đã có cơ quan đón mời. Nhưng K không cho đi làm, quả là một cái tát chứ chẳng nhẹ đâu. Nhưng cậu ấy có công ty, có nhà, có ô tô, có người hầu nên cháu mới chịu phép, đúng không?

May mà cháu bung ra được, có người tự hài lòng, người ấy đã sống cảnh chim lồng cá chậu luôn rồi đó. Thôi, nói như cháu, đời có số cả, số cháu là lên xe xuống ngựa, bước vào nhà chồng đã sướng và rồi, sau đó, mình cứ thế mà sướng cho dù có thế này thế kia.

Ấy là nói về mặt vật chất. Tinh thần thì ngoài cái thời tiết phương Nam dễ chịu, cháu xa người thân, việc ấy là nỗi khổ tâm mà cô gái nào lấy chồng xa cũng phải chịu. Nếu mình lấy chồng ở một phương trời xa hơn nữa, thì sao? May mà luôn có tiền, có tiện nghi, có nhà riêng và có cả người hầu để sống độc lập.

Còn chuyện ăn hay có đường làm cho món ăn ngọt một cách kỳ dị, hay là họp vào lúc có mặt đông đủ, âu đó cũng là nếp nhà của riêng K, cô nghĩ, cháu ở thành phố, cháu chịu đựng điều đó không thường xuyên, đừng nên quá chú ý đến việc đó.

Cô hình dung được sự trái khoáy trong khẩu vị của hai vợ chồng cháu. Dĩ nhiên cháu sẽ không ăn theo K vì cháu là bà chủ, cháu là đầu bếp, cháu không dại gì ăn những món mà cháu “khinh”. Chính vì vậy mà K càng nhớ mẹ, nhớ những món ăn từ mẹ mình và càng lúc càng nhiều ngày cuối tuần với mẹ hơn.

Hình như cháu đang hờn ghen với K khi thấy K gắn bó với gia đình của cậu ấy. Hình như cái khoảng cách giữa K và cháu đã hình thành và K nhích thêm về phía nhà mình. Nên cẩn trọng, nếu cháu không hòa tan vào nhà chồng, coi chừng cháu sẽ thành số lẻ và cuộc hôn nhân sẽ đi tong.

Nếu cháu không muốn điều đó xảy ra cho vợ chồng mình thì nhất thiết phải lắng nghe, hòa hợp, thông cảm và cả hy sinh nữa. Muôn đời là vậy, con gái gả đi là con của người ta, mình khư khư mình phải là mình, đúng, nhưng cứng nhắc quá coi chừng hai ô tô cứ đi hai đường rồi thì ngã rẽ sẽ xuất hiện và sẽ có lúc các cháu rời hẳn nhau chứ không là bời rời nữa.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.