| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cạnh tranh gắn mác 'chống dịch'

Thứ Bảy 11/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Hợp tác toàn cầu chỉ dễ thực hiện nếu không phải trả giá. Đại dịch Covid-19 đã thay đổi mọi thứ, đặc biệt là cuộc săn lùng khẩu trang để phòng virus Corona.

Tình trạng khan hiếm khẩu trang đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu. Ảnh: CNBC.

Tình trạng khan hiếm khẩu trang đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu. Ảnh: CNBC.

Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc từ cuối năm 2019 và sau đó lây lan ra khắp thế giới. Đại dịch virus corona đã được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất nhưng lại có thêm nhiều nước như Mỹ, Italy, Anh… rơi vào thế hiểm nghèo.

Khẩu trang đang là mặt hàng khan hiếm bởi hầu hết quốc gia đều không đủ khả năng sản xuất hàng triệu khẩu trang mỗi ngày đáp ứng nhu cầu của nhân viên y tế. Gần như tất cả đều hướng đến Trung Quốc và các nhà sản xuất khác ở châu Á. Một số bên còn làm mọi cách có thể nhằm giành lấy mặt hàng khan hiếm này.

“Các thị trường cung ứng vật tư đối phó Covid-19 đang sụp đổ, biện pháp cạnh tranh và minh bạch truyền thống không còn được sử dụng”, Christopher Yukins, giáo sư luật tại Đại học Washington, cho biết.

Ngay cả giữa các nước phương Tây vốn là đồng minh, cáo buộc về hành vi vô nguyên tắc vẫn xuất hiện. Valerie Pecresse, chủ tịch vùng Ile de France của Pháp, nói lô khẩu trang đặt cho khu vực bà quản lý đã bị “phía Mỹ trả giá cao hơn và giành lấy vào phút chót”.

“Người Mỹ lén trả thêm tiền mặt, rõ ràng, điều này hấp dẫn hơn đối với những người chỉ đang tìm cách kiếm tiền từ sự khốn khó của thế giới”, bà nói nhưng không nêu chi tiết về bên đã “nẫng tay trên”.

Giới chức tại ít nhất hai khu vực khác của Pháp cũng cáo buộc Mỹ xen ngang đơn hàng của họ với Trung Quốc, một trường hợp xảy ra ngay trên đường băng sân bay, khi phi cơ vận chuyển chuẩn bị cất cánh.

Nhiều quốc gia phải nhập khẩu khẩu trang do không đủ khả năng sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu. Ảnh: AFP.

Nhiều quốc gia phải nhập khẩu khẩu trang do không đủ khả năng sản xuất hàng triệu sản phẩm mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu. Ảnh: AFP.

Một quan chức Mỹ cấp cao khẳng định “chính phủ Mỹ không giành mua khẩu trang Trung Quốc chuyển cho Pháp”. Đó có thể là những công ty tư nhân hoặc trung gian đại diện cho một bang nào đó ở Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 2/4 “lo ngại” trước thông tin về lô hàng khẩu trang ít hơn dự kiến bởi một phần đã được bán cho “bên trả giá cao hơn”. “Chúng tôi hiểu nhu cầu ở Mỹ là rất lớn nhưng tình hình tại Canada cũng vậy. Do đó, chúng ta cần phối hợp cùng nhau”.

Sự hợp tác này dường như khó xảy ra. Jean-Sylvestre Mongrenier, viện chính sách Pháp – Bỉ Thomas More, cảnh báo “về sự bất an giữa các quốc gia lan rộng, thậm chí là hỗn loạn nếu trật tự quốc tế tan rã”.

“Tuy nhiên, trả giá cao hơn để giành mua khẩu trang nghiêng về cạnh tranh tiếp cận tài nguyên. Đây là điều đáng tiếc nhưng sẽ không châm ngòi cho một đợt bùng phát thù địch”.

Dù vậy, sự cạnh tranh này vẫn “đáng sợ”, như lời nghị sĩ Ukraine Andriy Motovylovets kể lại sau chuyến đi đến Trung Quốc để đặt mua khẩu trang tháng trước.

Khẩu trang tại một cơ sở sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc. Chỉ một số công ty của nước này được phép xuất khẩu khẩu trang. Ảnh: Reuters.

Khẩu trang tại một cơ sở sản xuất ở Thượng Hải, Trung Quốc. Chỉ một số công ty của nước này được phép xuất khẩu khẩu trang. Ảnh: Reuters.

“Phái đoàn của chúng tôi tới các nhà máy và gặp phái đoàn từ nước khác (Nga, Mỹ, Pháp) đang cố giành hàng xuất cho Ukraine”, ông viết trên Facebook cá nhân. “Chúng tôi đã thanh toán, chuyển khoản và ký hợp đồng. Nhưng họ có nhiều tiền hơn, là tiền mặt. Chúng tôi phải đấu tranh cho từng lô hàng”.

Ít công ty Trung Quốc được phép xuất khẩu nên phần lớn trong số này phải dùng trung gian để bán cho khách hàng nước ngoài, dẫn đến tình trạng số bên trung gian tăng mạnh.

Tranh giành ngay giữa châu Âu đoàn kết

Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cho biết trong tháng 3, nước này mới nhận ra rằng đối với mua bán khẩu trang, tiền mặt là vua. Họ mang vali 1,2 triệu euro tiền mặt và chuẩn bị đến Trung Quốc nhận hàng. Tuy nhiên, một trung gian từ Đức đã nhanh chân hơn, trả nhiều tiền hơn và nẫng tay trên.

Nhà chức trách Czech tháng 3 thu giữ hàng nghìn khẩu trang chuyển đến các bệnh viện Italy từ “những người buôn lậu”, sau đó cho biết đây là hàng quyên góp từ Trung Quốc.

Tờ L’Express của Pháp đưa tin Paris tịch thu lô hàng khẩu trang của nhà sản xuất Molnlycke, Thụy Điển, đang trên đường tới Tây Ban Nha và Italy.

“Chúng tôi kỳ vọng Pháp dừng trưng dụng thiết bị y tế và làm mọi việc có thể để đảm bảo chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa được đảm bảo”, Bộ Ngoại giao Thụy Điển phát thông báo ngày 3/4. “Thị trường chung cần hoạt động trơn tru, đặc biệt là trong thời gian khủng hoảng”.

Tuy nhiên, trong thời Covid-19 bùng phát, chính phủ các nước khó có thể không sử dụng chiến thuật mạnh tay, thậm chí các biện pháp ngầm. Tờ Le Figaro của Pháp tháng 3 đưa tin cơ quan điệp viên Mossad của Israel đã tranh thủ cơ hội và lén giành được hợp đồng mua dụng cụ xét nghiệm virus corona từ một quốc gia khác.

Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha kiêm tân chủ tịch Eurogroup Mario Centeno. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha kiêm tân chủ tịch Eurogroup Mario Centeno. Ảnh: Reuters.

‘Đại dịch ích kỷ’

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ không tích cực tìm kiếm hợp tác với các quốc gia khác trong đối phó Covid-19, khiến nỗ lực chống đại dịch của thế giới trở nên mỏng manh, theo Sigmar Gabriel, cựu phó thủ tướng, cựu ngoại trưởng Đức. Ngoài tranh cãi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sự im lặng vây quanh giữa đại dịch đang làm dấy lên nghi ngờ về mối quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU).

Cũng trong lúc đó, Trung Quốc tìm cách ghi dấu ấn bằng việc cử các nhân viên y tế, chuyển hàng hỗ trợ các quốc gia bị Covid-19 ảnh hưởng nặng nề. Mỹ và EU không phải bên cung cấp nhiều nguồn lực nhất cho Italy, Tây Ban Nha hay châu Phi. Đó là Trung Quốc.

Trong Đại Suy thoái hồi năm 2008, Trung Quốc không quá mạnh còn Mỹ không quá tự coi nước này là trung tâm. Châu Âu ngày càng trở nên hướng nội. Nhưng rõ ràng, châu Âu sẽ thiệt thòi trong thế giới G2, nơi Mỹ và Trung Quốc thống trị trường quốc tế. Vai trò toàn cầu của châu Âu sẽ được quyết định bởi cách khu vực ứng phó Covid-19, đại dịch đang làm suy yếu sự đoàn kết trong khối.

EU đến lúc này vẫn chật vật xoay xở. Chỉ có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hành động. Trong khủng hoảng đồng euro cách đây gần 10 năm, chính chính sách “bằng mọi giá” của ECB đã giữ đồng tiền chung ổn định, cung cấp thanh khoản cần thiết cho các nước thành viên.

Giờ đây, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đều chưa có động thái gì tương tự. Italy sẽ không bao giờ quên rằng khi người dân vùng Lombardy tử vong vì Covid-19, Đức lại áp lệnh cấp xuất khẩu nguồn cung y tế cho Italy, ông Gabriel cảnh báo.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ vận chuyển một bệnh nhân trên cáng ở Naples, Italy. Ảnh: Reuters.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ vận chuyển một bệnh nhân trên cáng ở Naples, Italy. Ảnh: Reuters.

Giới chính trị gia Đức muốn nước này là nhà vô địch xuất khẩu khi bình thường, hưởng lợi từ biên giới mở, thương mại không cản trở, nhưng lúc khủng hoảng lại hướng nội.

Đó cũng chính là lý do các bộ trưởng tài chính của eurozone (Eurogroup) không thể nhất trí hỗ trợ cho Italy và Tây Ban Nha. Trong khi hai nước này chật vật kiểm soát Covid-19, Eurogroup đều bị khuất phục bởi virus “quốc gia của tôi là trên hết”.

“Viện trợ cho quốc gia thành viên eurozone bị ảnh hưởng chỉ được thông qua nếu họ thực các chương trình cải cách lớn là một quan điểm chính trị khó hiểu”, theo ông Gabriel.

Sau cùng, Italy và Tây Ban Nha không thể tự chịu gánh nặng tài chính trong cuộc chiến chống virus và ổn định kinh tế. Họ cần các nước thành viên eurozone cùng chia sẻ các khoản nợ cần thiết.

(Kiến thức gia đình số 15)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.

Bình luận mới nhất