Công an TPHCM đã khởi tố vụ án ‘‘làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người’’ theo điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với những diễn biến từ khu cách ly Vietnam Airlines đang khiến cả nước phải hốt hoảng trước đợt lây nhiễm Covid-19 thứ ba.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, cơ quan An ninh điều tra sẽ điều tra toàn diện, khách quan và thận trọng để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan và cá thể hóa trách nhiệm của các cá nhân. Bởi vì, đây là vụ án đặc thù. Trong đó, một số người có liên quan tới vụ án hiện nay đang mắc Covid-19, đang cách ly nên cơ quan an ninh điều tra khi điều tra vừa phải tuân thủ quy định tố tụng hình sự vừa tuân thủ quy định về phòng chống dịch Covid-19. Cơ quan an ninh điều tra sẽ cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân để chế tài hình sự hoặc chế tài hành chính. Đồng thời, thông qua đó, cơ quan An ninh điều tra cũng phát hiện các lỗ hổng (nếu có) trong phòng chống dịch và kiến nghị cơ quan chức năng chấn chỉnh
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TPHCM- Nguyễn Thành Phong lại “đề nghị khởi tố bị can là bệnh nhân 1342 chứ không chỉ khởi tố vụ án để răn đe”. Bệnh nhân 1342, nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines được xác định là ca nhiễm F0 trong những ngày vừa qua. Từ hành vi thiếu trách nhiệm và kém ý thức của bệnh nhân 1342, con số F1, F2 đã lên con số vài trăm người, và nhiều trường học phải đóng cửa, các hoạt động không cần thiết bị bãi bỏ.
Theo thống kê của Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM, đã có hơn 8.200 học sinh khối mầm non và phổ thông phải nghỉ học, trong đó có 8 trường cho toàn bộ học sinh nghỉ và 195 trường cho nghỉ một số lớp. Ngoài ra, có 663 giáo viên phải tạm nghỉ. Còn ở khối đại học và cao đẳng có gần 161.000 sinh viên và 5.700 giảng viên phải nghỉ. Hiện có 12 trường đại học đã đóng cửa, nhiều trường có sinh viên hoặc giảng viên diện F1 do liên quan đến các ca bệnh Covid-19. Theo ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM thì ngành vẫn đang phối hợp với ngành y tế khoanh vùng các trường hợp F3, F4 và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Từ khu cách ly của Vietnam Airlines, sự bất cẩn đã tạo ra nguy cơ bùng phát Covid-19 lần thứ ba tại Việt Nam. Không ít bức xúc đã của dư luận đã dành cho nam tiếp viên đã được định danh bệnh nhân 1342. Giáo sư Ngô Bảo Châu trên trang cá nhân của mình, đã bình luận: “Đang là những người con anh hùng của đất nước, xung phong bay về vùng dịch để giải cứu đồng bào mình, các tiếp viên VN Airline thoắt một cái trở thành tội đồ, là đối tượng cho cả xã hội nguyền rủa. Không ai muốn bào chữa cho sự bất cẩn của một số cá nhân. Rất có thể có thiếu sót trong quy trình cách ly tiếp viên đi về từ vùng dịch của Vietnam Airline. Có thể sự vô trách nhiệm ở một hoặc nhiều cấp nào đó cần được làm rõ. Nhưng những lời nặng nề về các bạn tiếp viên Vietnam Airlines đã làm cho cổ họng tôi cảm thấy đắng ngắt với sự vô ơn của đám đông”.
Ý kiến của giáo sư Ngô Bảo Châu và vài cá nhân từ Vietnam Airlines không hẳn nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Công tội cần rõ ràng, công thì đáng khen mà tội thì đáng trách. Ngày 2-12 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành công điện số 1699/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19, trong đó giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines vi phạm quy định về phòng chống dịch gây lây nhiễm trong cộng đồng. Tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải- Lê Anh Tuấn đã yêu cầu hãng hàng không Vietnam Airlines tập trung kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Vietnam Airlines phân tích, đánh giá, làm rõ những vi phạm và đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể để kiểm soát chặt chẽ việc phòng chống dịch Covid-19 trong các hoạt động của công ty thời gian tới.
Việc khởi tố vụ án lây lan dịch bệnh Covid-19 thực sự nhận được sự quan tâm của công đồng. Sai lầm của bệnh nhân 1342 cần nhìn nhận như thế nào cho thấu tình đạt lý, nhất là trong bối cảnh giới trẻ vẫn có những biểu hiện chủ quan?
Chuyên viên tâm lý Phạm Thanh Tuấn đưa ra lời khuyên: “Hãy suy nghĩ đến kết quả khi chúng ta quyết định làm một việc gì đó, bởi sự lơ là, không cảnh giác sẽ dẫn đến các hệ luỵ vô cùng đáng tiếc. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh, chúng ta cần phải có ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Đừng vì một phút chủ quan mà phải đánh đổi nhiều thứ. Thay vì chủ quan, bạn hãy tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, nghiêm túc thực hiện cách ly…”.
Còn chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi ở công tác tại Công ty phát triển giá trị sống TP.HCM, chia sẻ: “Người trẻ hiện nay cần có ý thức chủ động bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Các bạn cần có tinh thần trách nhiệm cao trước những hành động đã, đang và sẽ làm trong tương lai. Mọi suy nghĩ hay hành động của bạn, tuy nhỏ nhưng vẫn có thể tạo ra hiệu ứng cánh bướm, gây nên trận cuồng phong lớn không thể ngờ tới được”.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra, tại sao trước đây bệnh nhân 17 gây ra đợt bùng phát Covid-19 thứ hai lại không phải chịu trách nhiệm gì? Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty luật TAT Law firm) phân tích: Ngày 30/3/ 2020, Tòa án Nhân dân tối cao ban hành Công văn 45 hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COvid-19, trong đó, mục 1.1 nêu người được thông báo cách ly thực hiện hành vi “không tuân thủ quy định về cách ly” gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và bị xử lý về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người khác”.
Công văn 45 ban hành sau khi bệnh nhân 17 có hành vi khai báo không trung thực dẫn đến lây lan dịch bệnh. Về mặt học thuật thì công văn này vẫn còn những điều phải bàn thêm, nhưng công văn 45 đã thể hiện sự quyết tâm và nhằm đáp ứng nhu cầu ngăn ngừa dịch bệnh, đấu tranh với những hành vi vi phạm trong công tác phòng ngừa bệnh Covid – 19”. Vì công văn 45 “sinh sau đẻ muộn” so với hành vi của của bệnh nhân 17 nên cơ quan chức năng không thể xử lý hành vi của bệnh nhân 17.
Trường hợp bệnh nhân 1342 thì khác hoàn toàn. Qua truy vết nguồn lây của bệnh nhân 1342, ngành y tế TPHCM xác định trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airlines vào ngày 17/11, bệnh nhân 1342 có tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khách từ Rumani về, đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính. Sau đó vào ngày 25/11, tiếp viên của chuyến bay Rumani này có xét nghiệm dương tính với Covia-19 (và trở thành bệnh nhân 1325) cùng với 8 tiếp viên khác đi cùng chuyến bay.
Như vậy, khả năng bệnh nhân 1342 bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định cách ly tập trung của Vietnam Airlines. Hơn nữa, thời điểm cách ly tại nhà, bệnh nhân 1342 cũng không tuân thủ việc cách ly tại nhà khi đang trong thời gian cách ly 14 ngày, vẫn để bạn vào sống chung (là bệnh nhân 1347) và đi học, tiếp xúc bên ngoài.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cũng khẳng định bệnh nhân 1342 vi phạm quy định cách ly tập trung, vi phạm quy định cách ly tại nhà đã cam kết, dẫn đến hậu quả làm lây lan dịch bệnh. Vì vậy việc khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm là phù hợp./.