| Hotline: 0983.970.780

Cuộc “đại di dân” ở Quảng Ngãi

Thứ Bảy 09/11/2013 , 20:44 (GMT+7)

Trong ngày 9/11, hầu hết các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đều cấp tập triển khai công tác di dời dân đến nơi trú bão an toàn. Có 80.000 hộ dân với trên 400.000 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm của tỉnh này nằm trong diện di dời.

Trong ngày 9/11, hầu hết các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi đều cấp tập triển khai công tác di dời dân đến nơi trú bão an toàn. Có 80.000 hộ dân với trên 400.000 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm của tỉnh này nằm trong diện di dời. Xưa nay, người dân xứ này mới chứng kiến 1 cuộc di dời tránh bão lớn như thế này.

Bình Sơn là huyện đi tiên phong trong công tác di dời dân phòng tránh siêu bão Haiyan tại Quảng Ngãi. Không như nhiều địa phương khác trong khu vực miền Trung gặp khó khăn trong công tác di dời, ngay từ sáng sớm ngày 9/11, hàng ngàn người dân ở các xã khu Đông thuộc huyện Bình Sơn đã lục tục di dời đến các địa điểm mà chính quyền địa phương đã thông báo.

Sau khi chở những vật dụng cần thiết trong gia đình gửi ở địa điểm an toàn, anh Võ Văn Cảnh (36 tuổi) ở xã Bình Hải (Bình Sơn) liền tranh thủ chở vợ và 3 đứa con của mình lên trung tâm xã Bình Trị để tránh trú bão. Về nhà, anh Cảnh bắt tay ngay vào việc chằng chống ngôi nhà cấp 4 của gia đình mình.

Anh Cảnh nói, từ nhỏ đến lớn giờ anh chưa bao giờ nghe có cơn bão nào lớn như thế này. Với kinh nghiệm của người đi biển, anh Cảnh thừa biết với sức gió của bão như dự báo thì sức càn quét của nó sẽ vô cùng khủng khiếp. Chính vì vậy mà khi chính quyền địa phương vận động sơ tán, anh liền hối thúc vợ con thu dọn nhà cửa, đồ đạc đi tránh trú ngay.



Dân các xã khu Đông huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) di dời đến điểm tập trung

Bà Vũ Thị Đê (70 tuổi), thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), tâm sự: “Hôm qua, chính quyền địa phương đến nhà vận động tui phải đi sơ tán để tránh bão, tui đồng ý ngay. Dân vùng biển thì gặp mưa bão dài dài, chừng tuổi này tui cũng đã có vài lần đi sơ tán tránh bão nhưng tui chưa bao giờ thấy việc sơ tán dân tránh bão đông đúc như lần này. Nghe nói bão lần này to lắm, mong nó đừng gây thiệt hại nhiều cho bà con mình. Nhà của bàn con ven biển toàn là nhà mái tôn, nhà cấp bốn”.

Theo ông Bùi Trạng, Chủ tịch UBND xã Bình Hải (Bình Sơn), xã Bình Hải có trên 2.939 hộ/11.572 khẩu nằm trong diện phải di dời khẩn cấp. Tính đến 15 giờ ngày 9/11, thì xã đã di dời được trên 5.000 người đến nơi an toàn.

Ông Đoàn Hà Yên- Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn đã triển khai ngay các biện pháp di dời dân đến nơi an toàn. Theo kế hoạch thì huyện Bình Sơn sẽ tiến hành di dời trên 15.000 hộ /47.000 người, chủ yếu tập trung các xã ven biển đến nơi tránh trú bão an toàn. Nhiều nhà dân ở các xã nằm ven biển rất tềnh toàng nên huyện đã chỉ đạo tập trung di dời gần như toàn bộ.

Trong đó xã Bình Thành di dời  4.000 hộ/12.000 người; xã Bình Hải di dời 2.939 hộ/11.572 người; xã Bình Thuận di dời 1.245 hộ/4.500 người; xã Bình Đông di dời 350 hộ/1.430 người; xã Bình Trị di dời 1.100/3.500 người.

Khó khăn nhất của huyện Bình Sơn là các điểm để người dân trú bão an toàn hiện nay tại địa bàn Dung Quất không nhiều, trong khi đó số lượng dân di dời là quá lớn. Trước tình thế trên, chính quyền huyện này đã huy động tất cả các khách sạn trên địa bàn Dung Quất tham gia giúp dân tránh trú bão, và tất cả các khách sạn đã tích cực tham gia.

“Tính đến 18 giờ ngày 9/11, đã có trên 9.000 hộ dân đã được di dời. Dự kiến, đến 19 giờ, thì sẽ di dời được trên 10.000 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi trú bão an toàn”, ông Đoàn Hà Yên, nói.

Không chỉ huyện Bình Sơn, các địa phương khác trong tỉnh Quảng Ngãi cũng đang gấp rút triển khai việc di dời dân trong chiều ngày 9/11. Tại huyện Tư Nghĩa, công tác di dời dân được triển khai gấp rút, Theo ông Huỳnh Chánh, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, hiện tất cả các xã trong huyện đã lên phương án di dời.

Trong đó, xã Nghĩa An là địa phương nằm trong diện nguy hiểm cần phải di dời khẩn cấp số lớn hộ dân ở đây. Toàn xã có 3.876 hộ với 19.500 người. Địa phương cũng đã bố trí các điểm di dời dân. Tính đến 17 giờ chiều 9/11, huyện Tư Nghĩa đã có trên 900 hộ đã được tổ chức di dời đến nơi an toàn.

“Quảng Ngãi có 80.000 hộ/400.000 nhân khẩu nằm trong diện di dời. Theo chỉ đạo của tỉnh hiện tại tất cả các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương di dời dân đến nơi an toàn, trong đó ưu tiên những hộ dân ở ven biển, nhà cấp 4, nhà tranh tre tạm bợ, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, vùng hạ lưu các hồ chứa nước.

Theo kế hoạch thì đến 17 giờ ngày 9/11, các địa phương  hoàn thành việc sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Cùng với đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân trong thời gian diễn ra bão lũ”, ông Cao Khoa- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.