| Hotline: 0983.970.780

Cuộc đời chìm nổi của 'bà hoàng giết mổ'

Thứ Sáu 13/12/2019 , 09:10 (GMT+7)

Bước qua cổng là bà lại ngất, bởi mất đứa con vì tai nạn, rồi trót đầu tư vào lĩnh vực này để rồi bán 4 cái nhà đi ở đậu mà vẫn nợ hơn 40 tỉ.

Nỗi đau con trẻ

Nỗi đau nữa của bà là đã kéo đứa con từng học giỏi nhất nhì tỉnh Hà Tây cũ về làm cho mình để rồi mất nó mãi mãi. Gần 5 năm trời dày vò bản thân, bà lại tự gượng dậy để đi tiếp đến cùng niềm đam mê thực phẩm sạch của mình. Bà là Nguyễn Thị Minh Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Minh Hiền.

dsc-6797162802762
Bà Nguyễn Thị Minh Hiền: “Giết mổ công nghiệp đang chết”.

Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT cùng Hà Nội khi ấy 5 cửa ô là 5 nhà máy giết mổ hiện đại. Mấy chục năm gắn bó với cửa hàng thực phẩm của thị xã, nghỉ hưu bà cũng muốn tham gia vào lĩnh vực giết mổ sạch nên dù thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ gì vẫn thế chấp nhà vay mượn để thực hiện.

Năm 2005 một nhà máy giết mổ công nghiệp đầu tiên ở phía Bắc được dựng lên tại cụm công nghiệp Bích Hoà, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây với công suất 2.500 con lợn và 7.000 con gà/ngày đêm, tổng đầu tư hơn 70 tỉ trong đó vốn riêng của bà có 25 tỉ. Định hướng đi bằng “hai chân” nội tiêu và xuất khẩu bà mơ chỉ 5 năm là có thể thu hồi vốn.

6 tháng sau đến kỳ trả nợ ngân hàng 13 tỉ để được vay tiếp bà phải huy động vay ngoài theo lãi ngày. Dự kiến khoảng 1 tuần ngân hàng sẽ cho vay trở lại nhưng không ngờ mất hơn 1 tháng, trả tới 4 tỉ lãi ngoài đã đành mà hạn mức cho vay mới lại rút xuống chỉ còn 10 tỉ.

Nhà máy hoàn thành xong là đắp chiếu một mạch 10 năm liền bởi thị trường nội địa do không nhận định được tập tục của người tiêu dùng vẫn ăn theo kiểu ngàn xưa để lại tươi sống còn thị trường xuất khẩu thì không có nguồn nguyên liệu ổn định để cung cấp. Lãi suất vay có thời kỳ 20 - 21%/năm như chiếc thòng lọng vô hình cứ thít chặt, thít chặt dần.

“Ai nghĩ rằng một bà chủ nhà máy lớn như tôi mà đến giờ vẫn chưa có ô tô để đi? Phải bán 4 cái nhà rồi về ở với bố mẹ? 4 đời Phó chủ tịch thành phố không di chuyển được các lò giết mổ nhỏ lẻ về đây theo chủ trương đã đành, lúc đó thành phố cũng chưa có Quyết định 77 để hỗ trợ cho việc giết mổ công nghiệp gì cả nên lại càng thêm khó”, bà trải lòng.

dsc-6804162803410
Bà Hiền bên hệ thống giết mổ kiểu treo.
Năm 2009 thành phố có Quyết định 77 khuyến khích mổ trên dây chuyền tưởng đã thuận lợi cho bà nhưng không. Chủ lò, người tiêu dùng đã không chấp nhận thì chớ, Nhà nước còn không có chế tài kiên quyết cho việc này, cho hạ cấp xuống được phép mổ thủ công trên sàn, không hợp vệ sinh.
“Mổ sạch, đảm bảo an toàn là dựa trên giấy tem thú y nhưng toàn bộ giờ tiêu thụ nội tỉnh không cần nữa, chỉ đi ngoại tỉnh mới cần. Bởi thế tràn lan ai mổ cũng được, chỗ nào mổ cũng xong. Việc đóng dấu thú y có nhưng hầu như không được thực hiện không phải bởi thú y không làm mà bởi người bán không đồng ý để mực tím của dấu khiến cho khách hàng không thích. Những người đầu tư, làm thật “chết” là bởi thế. 
Hầu hết các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện nay đều đình trệ hay ngừng hoạt động. Nói đi, phải nói lại, cũng có nhiều người, nhiều cơ quan giúp đỡ tôi mà nhất là một lãnh đạo tỉnh Hà Tây cũ còn nhận kết nghĩa chị em nhưng cũng đành chịu bởi cơ chế nó bó buộc như thế, không làm sao thay đổi được”, bà cay đắng.

Đến năm 2010 khi thành phố có chủ trương chấm dứt hoạt động các lò giết mổ thủ công của HTX Đồng Thịnh (quận Hoàng Mai) thu gom hết về hết Minh Hiền để tiện quản lý dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ý tưởng lúc đầu là 27 hộ giết mổ của HTX Đồng Thịnh cộng với hàng chục hộ giết mổ của huyện Thanh Oai vào gọn một mối nhưng bóp chỗ này thì phình chỗ kia, chỉ lác đác 5 - 7 hộ về.

Lý do là khi thành lập thành phố cho một trạm liên ngành chốt ngay tại cổng của Minh Hiền gồm thú y, quản lý thị trường và công an.

Nó không khác nào một chiếc “vòng kim cô” cả trong khi nơi khác vào giết mổ các chủ lò không phải nộp phí đã đành mà những con lợn ốm, lợn bệnh cũng dễ bề trà trộn.

Đó là lý mà các chủ lò không chịu vào Minh Hiền, hôm nay dồn ở chỗ này thì lại lập lò ở chỗ khác, mổ lang thang ở bên ngoài.

Tới bây giờ mới có 13 hộ chịu vào khiến bà phải thở dài: “Nếu tất cả làm theo luật như thế thì quá tốt nhưng chỉ một mình tôi nên thành ra bất lợi”.
 

Lọ mọ thân già

Năm nay bà đã gần 70 tuổi, chân thấp chân cao vì bệnh xương khớp nặng nhưng suốt đêm ngày lọ mọ trong nhà máy. Bà nhờ tôi đỡ mình lên những tấm bục trong xưởng để chỉ cho xem nào là máy xẻ thịt, hệ thống móc treo, kho bảo quản lạnh giờ đây đang im lìm, bụi phủ.

Mỗi ngày nhà máy chỉ giết mổ 30 - 40 con mà cũng chỉ trên sàn chứ không phải là mổ treo. Trong khi đó khu giết mổ trên sàn bên ngoài khuôn viên lại rất sôi động mỗi ngày công suất lên tới 1.700 - 1.800 con, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Bà nhỏ nhẻ, mổ công nghiệp kiểu treo không đắt hơn mổ thủ công trên sàn nhưng bởi thói quen của người Việt thích ăn thịt nóng, bởi thói quen của người chế biến muốn mua mông để làm giò: “Trên dây truyền phải thực hiện kiểu mổ nhân đạo, con lợn bị châm tê bằng điện để ngất đi nên khi mổ ra cặp mông hay bị cứng, không còn độ dẻo, dính khó làm được giò.

Như Tây họ làm xúc xích thì không bị ảnh hưởng nhưng làm giò như ta mà không còn độ dẻo thì khó. Cái này tôi rất thông cảm với những người bán lẻ, mổ con lợn phanh ra đầu tiên phải là bán đôi mông cho hàng giò chả cái đã.

Ngoài ra, theo quy trình giết mổ công nghiệp, xả con lợn ra phải qua kho mát để diệt khuẩn nhưng người tiêu dùng đi mua thịt cứ phải sờ tay vào thấy còn nóng, còn dính nhưng thịt mát thì đàn hồi kém.

Ngay như công ty tôi đang giao cho gần 100 trường học từ mẫu giáo, mầm non đến cấp một ăn bán trú, những bà nấu bếp sờ vào thịt thấy mát không nhận, phải thịt nóng cơ nhưng lại yêu cầu chở bằng xe lạnh mới kỳ lạ chứ”…
 

Quả núi cõng trên lưng

Vay ngân hàng tới gần 50 tỉ, bà phải bán tới cái nhà thứ 4 để trả nợ. Một số báo đài thấy tình cảnh bi đát quá liền kêu hộ cho bà nhưng càng kêu nhiều càng chết kỹ, ngân hàng khoanh lại, đến ngày đảo vốn thì không cho vay nữa. Đứng giữa ngã ba đường bà đành phải tiếp tục vay lãi ngoài.

dsc-6808162804236
Những băng chuyền đã lâu ngày không hoạt động

Bà thú thật 3 năm nay không thể trả lãi ngân hàng được nữa mà chỉ trả một phần gốc. Vừa rồi Techcombank đòi nợ 10 tỉ, cho thi hành án đòi phát mại nhà máy khiến liên ngành 5 sở của thành phố phải họp gấp để bàn.

Con chim đầu đàn có nguy cơ ra tòa nhưng họp đến cuộc thứ 4 thì đoàn phân tích không thể phát mại được vì thứ nhất cơ sở vẫn hoạt động với các chủ lò đang thuê địa điểm để mổ một ngày cung cấp một lượng thịt lớn cho thành phố (dù là chỉ giết kiểu thủ công, trên sàn) bà chủ vẫn không bỏ trốn.

Thứ hai là năm 2010 sau khi đưa các lò này về, thành phố lại đầu tư 34 tỉ cho khu hệ thống xử lý chất thải từ khí, lỏng đến rắn. Thứ ba là bà chỉ thế chấp nhà chứ không phải thế chấp đất, thế chấp máy móc nên không thể “nhổ” nhà, bê máy đi được. Đoàn kết luận cho phép bà trả dần đến năm 2021.

Đó chỉ là 1 trong 4 ngân hàng mà Minh Hiền đang nợ nên bà khất trả dần, mỗi tháng 100 - 200 triệu cho đến khi nào hết mới thôi. Ai cũng bảo bà có cả cái nhà máy to thế mà sao không trả được nợ nhưng thực tế lợi nhuận của sản xuất liên quan đến nông nghiệp thường rất thấp lại kiểu sáng nắng, chiều mưa.

Đầu năm dịch tai xanh sau đó thì dịch tả lợn Châu Phi kéo dài hơn 10 tháng chưa có dấu hiệu chấm dứt rồi giá thịt lên theo chiều thẳng đứng đến mức mỗi ngày mở mắt ra là một khác.

Cho các chủ lò thuê mặt bằng hàng tháng được hơn 100 triệu bà cũng phải hỗ trợ lại một phần vì họ cũng quá khổ sở. Năm nào cũng có những sóng gió kiểu như vậy nên bà cứ chìm đắm mãi.

dsc-6829162805688
Khu giết mổ trên sàn bên ngoài nhà máy dù bẩn thỉu vẫn đông khách

Nhiều đoàn đến kiểm tra, mệt mỏi quá bà bảo không tìm nổi người trọc đầu mà túm hay sao mà cứ túm mãi kẻ chỉ còn có vài sợi tóc? Bữa rồi, nghe phong thanh chủ trương lợn khi vào mổ phải xét nghiệm máu xem có virus dịch tả Châu Phi hay không, đang ốm nằm viện nhưng bà vẫn lên thẳng Phòng chuyên môn bảo: “Các anh chẳng hiểu cái gì cả. Hà Nội các anh quản lý được bao nhiêu con lợn? Lợn đi vào bao nhiêu luồng có nắm được không hay chỉ là mỗi nắm mỗi Minh Hiền với một hai khu giết mổ tập trung được khoảng 30%? Mỗi con lợn làm xét nghiệm cỡ 10 - 15 ngày sau mới có kết quả trong khi đến ngày các trại vẫn phải bán, đến ngày các lò vẫn phải mổ?”. Thấy bà làm căng quá, có cán bộ liền an ủi: “Thôi lệnh đã ban ra rồi khó mà thu hồi ngay được chị về cứ lẳng lặng mà làm”…

Bà có đứa cháu nội hiện sinh sống ở nước ngoài. Đứa cháu mà bà thường xuyên bế ẵm, cưng chiều khi còn nhỏ, đặt nó vào chiếc ghế kề bên trong phòng làm việc của mình để vừa làm vừa trông. Giờ mỗi lần về nước, hễ bảo vào nhà máy giết mổ thăm bà là nó chun mũi lại, kêu toáng lên rằng: “Cháu không đời nào vào cái nhà máy lợn đó đâu, hôi hám lắm!”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất