| Hotline: 0983.970.780

Cuộc đời vùng vẫy của thợ lặn một tay- một mắt

Thứ Năm 05/04/2018 , 15:05 (GMT+7)

Năm 24 tuổi Chung gặp tai nạn trên biển, vĩnh viễn mất một tay và một mắt. Ai cũng tưởng cuộc đời của chàng thợ lặn trẻ thế là hết, nhưng không, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, Chung đã vượt qua số phận...

Sinh ra trên đất đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), từ lúc ở truồng biết mắc cỡ, anh Bùi Văn Chung (32 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải đã theo các anh các chú trong gia đình học lặn. Năm 15 tuổi, vì gia cảnh khó khăn, Chung bước vào cuộc sống “ăn đằng sóng, nói đằng gió”, đi bạn cho tàu cá ở địa phương, chính thức làm thợ lặn kiếm tiền đỡ đần gia đình.

12-42-00_1
“Con rái cá tật nguyền” Bùi Văn Chung

Cứ ngỡ cuộc đời suôn sẻ, nào ngờ năm 24 tuổi Chung gặp tai nạn trên biển, vĩnh viễn mất một tay và một mắt. Ai cũng tưởng cuộc đời của chàng thợ lặn trẻ thế là hết, nhưng không, bằng nỗ lực không biết mệt mỏi, Chung đã vượt qua số phận và hiện vẫn bám biển với biệt danh “con rái cá tật nguyền”!
 

Số phận đen đủi

Trong những chuyến công tác ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), có nhiều dịp tôi được ngồi ngồi với anh em thuyền viên tàu cá QNg – 96093 TS của thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh, người ở thôn Tây, xã An Hải. Tàu của Thạnh chuyên hành nghề lặn đánh bắt hải sâm, cá đỏ ở ngư trường Hoàng Sa. Trong những cuộc trà dư tửu hậu với những chàng trai “ăn đằng sóng, nói đằng gió”, tôi ấn tượng nhất là thợ lặn Bùi Văn Chung (32 tuổi) cũng ở thôn Tây xã An Hải, người được mệnh danh là “con rái cá tật nguyền” bởi anh chỉ có 1 tay và 1 mắt.

Qua tâm sự của Chung, tôi được biết cuộc đời anh lắm sóng gió. Sinh ra trên đất đảo, là đứa con của biển nên ngay từ nhỏ Chung đã theo các anh các chú học lặn.

Nhìn qua ngó lại, thấy cha anh cả đời ngụp lặn ngoài khơi xa nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, lòng Chung đã quyết theo đuổi chuyện học để may ra đổi đời. Ngay từ học cấp 2 Chung đã ôm mộng làm kỹ sư cầu đường, vì thế Chung dồn lòng dồn sức cho việc học, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Học hết lớp 9, chưa kịp mừng thi đỗ tốt nghiệp THCS thì việc học của Chung bị “gãy gánh giữa đường”.

Năm ấy biển đói, gia đình Chung vốn đã nghèo nên càng thêm khó khăn. Mẹ Chung phải vay tiền chạy ăn hàng ngày. Nhìn cảnh chủ nợ đến nhà đòi reo réo mỗi ngày, Chung không đành lòng, anh chấp nhận dở dang việc học, xuống tàu đi bạn làm thợ lặn kiếm tiền về đỡ đần gia đình. 15 tuổi, Chung đã gắn đời với ngư trường Hoàng Sa. Khi ấy, chàng trai trẻ chuyển ước vọng làm kỹ sư cầu đường sang giấc mơ được sở hữu 1 chiếc tàu cá, vùng vẫy trên biển Đông, làm chủ cuộc đời mình. Chung dành dụm tiền đi bạn từng chuyến biển để thực hiện ước mơ. Nào ngờ…

12-42-00_2
Thợ lặn Bùi Văn Chung cùng bạn thuyền vươn khơi

“Năm 2010, khi ấy tui đang đi bạn trên tàu của anh Nguyễn Minh Triết. Trong lúc tui đang đứng gần bên bình gas dùng để nấu cơm thì bất ngờ bình gas phát nổ, tui bị thương tay phải và mắt phải. Anh em thuyền viên trên tàu kịp thời sơ cứu và đưa vào bờ cứu chữa”, Chung nhớ lại.

Dù tàu đã chạy hết tốc độ nhưng mất đến 2 ngày rưỡi tàu mới cập vào bờ, khi ấy vết thương trên tay phải và mắt phải của Chung đã nhiễm trùng nặng. Vào bệnh viện, Chung chết lặng khi nghe bác sĩ bảo muốn cứu người phải cắt bỏ 1 phần cánh tay phải và mắt phải. “Khi ấy tui suy sụp hoàn toàn, thợ lặn mà chỉ còn 1 tay 1 mắt thì đố có tàu nào cho mình đi bạn. Mọi ước mơ của cuộc đời kể như tan tành…”, Chung kể với giọng buồn buồn.
 

Vượt qua số phận

Xuất viện, mỗi khi nhớ biển Chung ra bến nhìn những chiếc tàu hồ hởi vươn khơi hoặc những con tàu náo nức vào bờ cá mực đầy khoang, nhìn anh em bạn thuyền hăng say lao động… mà thèm! Thèm lắm, nhưng Chung không dám mở lời xin các chủ tàu cho đi bạn, bởi Chung hiểu mình mang cơ thể tật nguyền, mà biển khơi thì đầy sóng gió, có mình trên tàu chỉ thêm “gánh nặng” cho các thuyền viên khác.

“Mấy năm nay tàu của tui đi bạn làm ăn khấm khá, chuyến biển nào cũng trúng. Sau mỗi chuyến biển 20 ngày, khi cập bờ mỗi thuyền viên được chia từ 10 – 12 triệu đồng, đủ cho gia đình xoay sở cuộc sống hàng ngày”, Chung khoe.

Nhớ biển, Chung lại lao mình xuống sóng mà ngụp lặn. Bản năng trổi dậy, Chung “dắt” mình vào nghề thợ lặn lần thứ 2 với muôn cách tập luyện. Chung tập lặn với 1 tay và 1 mắt ở nhiều độ sâu, tập đeo vợt, tập bắt cá bằng 1 tay… Chung tập miệt mài từ sáng đến tối, ngày này sang ngày khác. Một năm sau, cơ thể của Chung đã lại vẫy vùng uyển chuyển trong những con sóng, lặn lâu và kỹ thuật thuần thục chẳng kém ai. Cơ hội lại đến 1 lần nữa với Chung khi thuyền trưởng Nguyễn Chí Thạnh ngõ lời mời Chung đi bạn cho tàu của mình, đó là vào năm 2011.

“Thèm biển quá nên tui nhận lời nhưng lòng đầy mặc cảm. Chuyến biển đầu tiên quay lại với biển với 1 tay 1 mắt, nhưng mỗi khi tui ngoi lên mặt biển là cánh tay cụt mang 1 vợt đầy cá lên tàu, anh em bạn thuyền ai cũng khen ngợi động viên”, Chung kể.

Anh Nguyễn Chí Thạnh (SN 1984), thuyền trưởng tàu cá QNg 96093 TS, chia sẻ: “Thợ lặn bây giờ nhờ sự trợ giúp của bình hơi và chì lặn nên xuống nước được sâu hơn, lâu hơn nên mỗi hơi lặn bắt được sản vật nhiều hơn”.

12-42-00_3
Thợ lặn Bùi Văn Chung bắt đầu tác nghiệp

Theo anh Thạnh, trước khi tác nghiệp thợ lặn quấn quanh người 1 “dây thắt lưng” đựng đầy chì nặng khoảng 8kg, rồi ngậm ống hơi đứng trên boong tàu nhảy ùm xuống biển. Sức nặng của dây chì kéo thợ lặn chìm sâu xuống đáy biển nhanh hơn. Lặn đến tầng san hô, thợ lặn cứ dựa rạng san hô mà đi tìm sản vật như: hoa biển, ốc, hải sâm, cá đỏ…những loài hải sản có giá trị đều được thợ lặn lượm bỏ vào vợt. Do đó, khi lặn ngư dân phải mang theo rất nhiều đồ nghề như vợt, đọc mũi nhọn, lưới… Đọc dùng để đâm cá; lưới để vây cá; vợt để đựng hải sâm, cá, ốc.

“Riêng hải sâm phải bắt bằng tay. Hải sâm là loài hải sản thuộc loại “cụ” dưới đáy biển. Hình thể nó trông như con sâu tròn trúc, to đùng, nên không thể bơi lội như cá, chỉ có thể “nằm ình” dưới đáy biển, ăn cát mà sống. Nếu chúng di chuyển thì cũng rất chậm, như loài sâu trên bờ, do đó rất dễ bắt. Tuy nhiên, đó là nói với thợ lặn 2 tay, chứ với Chung là cả vấn đề, vậy mà Chung làm chẳng thua ai”, Thạnh bộc bạch.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.