| Hotline: 0983.970.780

Cuộc gặp muộn màng

Thứ Hai 03/02/2020 , 10:35 (GMT+7)

Được Chủ tịch huyện giới thiệu nhiệt tình, ông Bảo tìm ngay đến xã Ngọc Sơn, cũng không xa trung tâm huyện là mấy.

Minh họa: Minh Anh.

Ngọc Sơn là một xã nằm trải dài dưới chân núi Tam Đảo. Có thể gọi Ngọc Sơn là một “xã rừng” hay “làng rừng”, vì hầu như không có đất ruộng, đất lúa. Có chăng chỉ là những ruộng lúa “xen kẹt” giữa núi và đồi. Lợi thế của Ngọc Sơn chính là rừng. Đất rừng. Đã qua rồi cái thời đất hoang, đồi trọc. Nay Ngọc Sơn được phủ một màu xanh thật mát mắt.

Ông Bảo thầm nghĩ cái cô (hay bà) Thùy Trang thật khéo chọn nơi sinh cơ lập nghiệp. Theo Chủ tịch huyện giới thiệu, thì Thùy Trang có tới hơn một trăm héc ta đất rừng. Hiện nay đã phủ xanh toàn bộ và phân nửa đang trong thời gian thu hoạch. Gỗ khai thác, được bán cho nhà máy giấy, các nhà máy chế biến gỗ trong và ngoài tỉnh. Đến thời kỳ khai thác, khách tự đến, tự điều xe chở nguyên liệu đi. Và có nghĩa là, “bà chủ” chỉ ngồi một chỗ để thu tiền.

Lan man vừa đi vừa nghĩ vừa hình dung, ông Bảo đã thấy cái cơ ngơi của “bà chủ” Thùy Trang ngay trước mặt. Một ngôi nhà chỉ hai tầng thôi, xây theo kiểu biệt thự, trong một khuôn viên rộng rãi, đầy cây xanh bao bọc. Dường như đã được Chủ tịch huyện báo trước, khi xe ông Bảo vào đến sân, đã thấy một phụ nữ, cỡ khoảng trên dưới bốn mươi, có một vẻ đẹp vừa phúc hậu vừa kiêu sa, từ trong nhà bước ra, với nụ cười thật dễ mến…

- Bác là bác Bảo?

- Vâng! Tôi được Chủ tịch huyện…

- Dạ! Cháu biết rồi! Bác nhiều tuổi thế, mà còn lặn lội lên vùng núi này. Mời bác vào trong nhà. À! Hay bác tham quan một chút. Cũng ngay gần đây thôi. Bọn cháu vừa trồng loại bạch đàn. Dạ! Một loại bạch đàn mới, có thể làm nguyên liệu gỗ để xuất khẩu…

Ông Bảo quên cả mệt nhọc, ngắm khu rừng trồng bát ngát với màu xanh ngút ngàn. Ông còn được Thùy Trang đưa đi xem cái mô hình vườn – ao – chuồng được bố trí rất hợp lý và hiện đại. Ngoài ra còn có một mô hình nữa, là nuôi ong. Cho ong hút mật hoa rừng tự nhiên. Thật “nhất cử lưỡng tiện”.

Theo Thùy Trang, trừ các khoản chi phí, nguyên gỗ khai thác đã cho lãi ròng mỗi năm hơn hai tỷ đồng. Ấy là chưa kể ao, chưa kể chuồng, chưa kể ong. Cũng theo cô giám đốc xinh đẹp, thì “lâm trại” của cô, thu hút khoảng mười lao động thường xuyên và đến mùa khai thác, phải cần thêm từ bốn mươi đến năm mươi lao động thời vụ…

- Thôi! Bác đi đường xa, chắc đã mệt. Ta vào nhà uống nước. Đấy! Công việc của cháu cũng chỉ có thế.

Câu chuyện ở trong nhà, lại vẫn xoay quanh chuyện trồng rừng. Chuyện sinh cơ lập nghiệp…

Thùy Trang kể rằng, mảnh đất này vốn do thầy u cô gây dựng nên. Thùy Trang cũng không nghĩ rằng, cuộc đời mình lại gắn bó, thậm chí sống chết với rừng. Thi các trường “tủ” đều không đủ điểm, cuối cùng Trang theo học đại học nông nghiệp. Khi sắp ra trường, thầy bảo với Trang rằng: “Nhà ta nhiều đời làm nghề nông. Con lại học về nông nghiệp. Thôi! Tốt nghiệp rồi, con về trông coi khu rừng này cho thầy u. Thầy cũng vẫn trồng rừng thôi. Nhưng không phải ở đây. Mảnh đất này, bây giờ là của con. Thầy tin rằng, con sẽ hơn thầy. Hơn hẳn thầy…”.

Trang tủm tỉm cười: “Hồi cháu ra trường, còn trẻ lắm. Cháu cũng muốn bay nhảy, đi xa khỏi mảnh đất này. Nhưng cháu thương thày u. Vả lại trong thâm tâm, cháu không muốn mảnh đất này, cánh rừng này sang tay người khác. Ấy thế mà, kể từ ngày đó, đã hơn mười năm rồi. Bây giờ cháu lại thấy quyết định của mình là đúng đắn. Bác có biết không, khu rừng này, có thể nói là xuất phát từ một túi hạt giống cây rừng của u cháu đấy. Một túi du lịch, từ hồi đi sơ tán. Cái hồi bom Mỹ đánh phá miền Bắc. Cũng là cháu được u cháu kể lại”.

Ông Bảo bất giác giật mình. Ông bần thần một lúc lâu. Dường như Thùy Trang vừa động đến một kỷ niệm hết sức nhạy cảm, khiến ông Bảo mất bình tĩnh. Ông hỏi Thùy Trang: “Túi hạt giống. U cháu đi sơ tán à?” “Dạ! Cũng đại loại như thế”. Ông Bảo cố kìm giọng nói cho tự nhiên: “Có phải u cháu tên là… Hiên?” Thùy Trang giật mình: “Dạ đúng! Bác cũng biết u cháu?”. “Còn điều này nữa, u cháu là con cụ Lý?”. Trang sửng sốt: “Vậy là bác quen u cháu?”.

Ông Bảo đã bình tĩnh trở lại. Ông cười: “Cũng do người địa phương kể lại thôi. Bác là nhà báo mà. Bác còn biết, gia đình cháu trước ở cái xóm Đồi Sắn”. Thùy Trang phì cười: “Đúng ạ! Nhưng đó là thời gì nhỉ? À! U cháu bảo cái thời “bao cấp”. Cả xóm sống nhờ vào đồi sắn. Bây giờ không gọi là xóm Đồi Sắn nữa. Mà đồi sắn cũng không còn”.

Ông Bảo thở dài: “Trang nói đúng. Cái đồi sắn đó thuộc về quá khứ. Lâu lắm rồi. À! Thế u cháu hiện giờ ở đâu?”. “Dạ! Thầy cháu cùng anh giai cháu vào miền Nam. Vào tận Lâm Đồng cơ. Còn u cháu thì ở thành phố. Chả là cháu có mua cho thầy u cháu khu đất cạnh đường, gần chỗ em gái cháu ở. Nay, khu đất ấy, u cháu ở một phần. Phần còn lại cho thuê. Chỉ cho thuê nhà, u cháu cũng đủ tiền xông xênh. Ở cạnh em gái, nên cháu cũng không lo. Thỉnh thoảng cháu lại về thăm u…”.

***

Cô gái nhanh nhảu:

Xóm Hai là đây rồi. Ông hỏi thăm nhà ai? À! Bà Hiên. Chắc ông tìm chỗ thuê nhà? Cái nhà bà Hiên to lắm. Phải nói là khu đất mới đúng. Có mười mét mặt đường. Ông cứ đi dọc phố Văn Lang, cách đây nửa cây. Tức là ông đi đúng năm trăm mét nữa. Lúc đó, ông hãy hỏi thăm.

Có phải bà Hiên, con cụ Lý?

Cái đó thì cháu không biết.

Thôi! Cám ơn cháu gái.

Ông Bảo vừa đi vừa ngó nhìn tên phố. Đây rồi! Cái biển phố Văn Lang còn mới lắm. Mà hình như biển tên các phố đều còn mới. Ông nhẩm tính đoạn đường. Ngôi nhà này chăng? Đúng là cái hàng rào rất dài. Sau giây phút tần ngần, ông bấm chuông…

Một bà cỡ hơn sáu chục tuổi, tóc muối tiêu, rất dày, ra mở cửa:

Bác là…

Tôi hỏi nhà bà Hiên.

Vâng! Tôi. Mời bác vào. Chắc bác là… Bác chờ tôi một chút. À! Bác uống trà nóng hay trà đá?

Xin bà cốc trà nóng.

Chỉ một lát, người đàn bà đã mang ra một cốc trà nóng, đặt trước mặt ông Bảo.

Bác chờ tôi một chút. Bác cứ uống nước đi. À! Bác có thể tranh thủ xem nhà.

Nói rồi, bà chủ đi vào bên trong. Chắc bà đang có chút việc gì.

Ông Bảo nhắp một ngụm nước. Trà nóng. Ngon. Nhưng ông không quan tâm đến nước trà. Ông cố hình dung xem bà Hiên có nét nào của người quen cũ. Người năm xưa. Ôi chà! Đã hơn bốn chục năm rồi còn gì. Lúc đó trời lại tối. Lại vội vàng qua cầu phao. Lại thời chiến…

Thực ra trong chuyến đi này, ông Bảo không có ý định tìm ai. Nhưng khi gặp Thùy Trang, thì tình cờ Thùy Trang lại chạm vào cái kỷ niệm nhạy cảm nhất của ông. Và những kỷ niệm cũ, chìm lấp, bỗng hiện lên rõ ràng. Rõ đến mức không thể ngờ…

Một ngày mùa đông cuối năm 1972, chiến tranh phá hoại của Mỹ leo thang đến Thủ đô Hà Nội.

Hồi đó cầu Long Biên đã bị Ních-xơn ném bom phá hỏng. Người Hà Nội qua sông Hồng bằng một chiếc cầu phao, bắc chỗ cầu Chương Dương bây giờ. Thường là chỉ đến nhá nhem tối, cầu mới bắt đầu hoạt động nhộn nhịp. Và nhộn nhịp tới tận khuya.

Đoàn người dắt díu nhau. Thanh niên có. Phụ nữ có. Đông nhất là phụ nữ và trẻ con. Bao giờ cũng có những dân quân tự vệ đứng dọc cầu phao, vừa hướng dẫn, giúp đỡ, vừa bảo vệ đoàn người sơ tán.

Hôm đó, theo chương trình ra ngoại thành công tác, Bảo – một chàng trai trẻ măng, mới ngoài hai mươi tuổi – mang một cái ba lô gọn gàng, vòng quai vào yên xe đạp, đạp đi. Đến đoạn cầu phao, thì phải xuống dắt xe. Trời đã tối hẳn. Đoàn người chen chúc, xô đẩy nhau. Ai cũng muốn nhanh chóng đi khỏi cầu phao.

Lúc đó không biết thế nào. Nhỡ bất đồ có còi báo động, máy bay địch. Báo động mà đang trên cầu phao, thì thật nguy hiểm. Ấy chính là tâm trạng của người đi trên cầu phao. Đang dắt xe, Bảo chợt trông thấy một cô gái. Vai bên trái đeo chiếc túi có quai dài. Tay phải xách một cái túi, kiểu túi du lịch. Cái túi rất nặng, làm cô gái lệch hẳn người. Trông cái dáng xách túi của cô gái thật tội nghiệp.

Bảo thấy ái ngại. Anh bèn đeo ba lô lên vai, đi đến sát cô gái và bảo: “Cô gì ơi! Cô để cái túi lên xe của tôi. Này!”. Cô gái dừng lại, nhìn Bảo, có vẻ e ngại. Bảo giục: “Để túi lên, đi cho nhanh”. Cô gái chịu trận, và chắc cũng mệt nữa, đặt cái túi du lịch lên xe. Bảo lại dặn: “Cô phải bám tay vào cái túi cho chắc. Tôi chỉ chú ý được phía trước thôi”. Cô gái “Vâng ạ!” rất ngoan. Thế là người dắt xe, người giữ túi, vừa đi vừa phải chống đỡ với đoàn người đông đúc, lộn xộn, cứ xô đẩy để tìm cách vượt lên phía trước cho nhanh.

Lúc sang khỏi cầu phao, Bảo quay lại, bỗng giật nảy mình. Cái túi vẫn còn nằm trên xe, mà cô gái thì không thấy đâu. Bảo ngơ ngác ngó tìm. Bỗng anh cảm thấy thót tim khi nghe có tiếng mếu máo: “Bác ơi! Bác tự vệ ơi! Cháu để cái túi trên xe của anh ấy…Bây giờ anh ấy đi đâu rồi? Anh ấy…Giời ơi! Cháu chết mất. Bác tìm cho cháu”.

Người tự vệ đầu đội mũ cối, nói dõng dạc: “Cháu cứ yên tâm. Những bọn lưu manh, không thoát được đâu. Bác sẽ tìm thấy ngay thôi mà”. Nghe những lời nói ấy, Bảo rụng rời chân tay. Lúc này mà Bảo xuất hiện, thì gã dân quân tự vệ và đám người đi sơ tán kia, sẽ cho anh “ra bã” ngay tức khắc. Thời chiến, người ta ghét cay ghét đắng những kẻ lợi dụng để lừa đảo, ăn cắp. Bảo tình ngay lý gian, có cãi đằng giời. Nghĩ vậy, anh vội vàng dắt xe đạp giấu vào chỗ có cái cây to che khuất. Sau đó anh mới đi ra phía cô gái đang mếu máo kia.

Cũng may trời tối, cô ta không nhận ra Bảo. Anh bèn chờ lúc gã dân quân tự vệ đang giúp mấy bà có con nhỏ, bèn nắm chặt tay cô gái. Khi cô ta giật mình quay lại, Bảo đặt ngay ngón tay lên miệng, ra hiệu im lặng. Anh dắt cô gái vào chỗ bóng tối, nói khẽ đủ nghe: “Cái túi của cô kia kìa! Ai thèm lấy của cô. Cô kêu lên thế, để người ta đánh chết tôi à?”.

Cô gái hiểu ra, lí nhí: “Lúc em bị vấp, em ngẩng lên thì không thấy anh…em…em…”. Bảo giằn giọng: “Thôi! Không nói gì nữa. Cô ra cầm cái túi. Rồi biến đi. Thật đúng là làm phúc phải tội”. Cô gái cứ lí nhí xin lỗi rồi xách cái túi lên. Lúc này, Bảo bỗng thấy mủi lòng. Anh không nỡ để cô ta xách cái túi nặng. Và anh lại cho cô ta để lên cái xe đạp của anh…

Qua câu chuyện rời rạc, Bảo được biết cô gái ra ga sơ tán để đi tàu lên Vĩnh Yên. Cô gái nói rằng, cái túi nặng trĩu kia, chính là túi hạt giống cây rừng. Cô mang lên Vĩnh Yên để ươm hạt trồng rừng. Cô gái bảo: “Nhà em ở gần ga Vĩnh Yên. Xuống ga, đi cỡ cây số, thì có lối rẽ bên tay phải. Đi qua đồi sắn, là đến nhà em. Tên em là Hiên. Cứ hỏi Hiên, con bà Lý…”.

Chuyện chỉ có thế. Khi đến lối rẽ vào ga sơ tán, thì hai người chia tay. Bảo hứa với Hiên, nhất định anh sẽ có dịp lên Vĩnh Yên. Và thể nào anh cũng đến thăm: “Tôi nhớ rồi. Hiên, con bà Lý. À! Tên tôi là Bảo…”.

Vậy mà ngay cả khi giải phóng, đất nước thống nhất. Ngay cả khi Bảo đã “lên đời” từ xe đạp lên xe máy. Ngay cả khi nhiều lần đi qua Vĩnh Yên. Vậy mà anh không hề đến thăm Hiên. Anh quên mất, hay đó chỉ là lời hứa hão?...

Bà Hiên đã ra. Bà có vẻ hơi ngượng khi để ông khách đợi lâu. Bà xởi lởi:

Bác đã tranh thủ xem nhà rồi chứ? Cái chỗ này cũng có nhiều người đến hỏi thuê rồi đó ạ. Có người giả năm chục triệu một tháng. Có ông người Nhật, muốn thuê để làm văn phòng tư vấn. Em bảo: “Sao ông không thuê ở phố nhỏ? Rẻ hơn nhiều”. Ông ấy bảo: “Tôi cần một chỗ “hoành tráng”. Tôi đâu có thiếu tiền!” Thế đấy. Em chưa trả lời ai, vì em còn hỏi ý kiến con gái. Thực ra, đáng nhẽ phải hỏi ý kiến nhà em. Nhưng hai bố con đi làm ăn xa. Bởi vậy, để con gái quyết định…

Ông Bảo ngập ngừng:

Thế này bà Hiên ạ!...

Bà Hiên ngồi xuống ghế:

Bác cứ nói. Thú thực là không hiểu sao, em nhìn bác, lại thấy quen quen. Chả lẽ đã gặp ở đâu? Mà sao bác…em thấy có cảm tình ngay từ đầu. Bác cứ nói. Thậm chí em không lấy đắt như người ta đâu. Với em bây giờ, tiền không quan trọng.

Tôi hiểu!

Ông Bảo đắn đo. Hình như ông có điều gì khó nói. Bà Hiên động viên:

Thì bác cứ cho biết.

Tôi xin lỗi bà! Tôi đến, không phải để thuê nhà.

Bà Hiên ngỡ ngàng:

Ấy chết! Vậy mà em cứ tưởng…Bác có việc gì thế ạ?

Chả là… Có một chuyện rất xa. À! Rất lâu rồi. Hồi đó còn chiến tranh chống Mỹ. Bọn Mỹ leo thang ném bom Hà Nội. Cầu Long Biên bị sập. Người Hà Nội phải qua cầu phao…À! Mà có lẽ tôi nhầm địa chỉ chăng? Tôi xin lỗi!

Thấy ông khách muốn đứng dậy, bà Hiên vội vàng:

Bác cứ ngồi. Ấy! Bác cứ nói tiếp đi…

Vâng! Thế thì để tôi kể tiếp. Lúc dắt xe đạp qua cầu phao, tôi gặp một bà. À! Một cô gái, xách cái túi rất nặng. Tôi mới bảo cô gái, hãy để cái túi lên xe của tôi. Rồi sau đó…

Mặt bà Hiên biến sắc:

Vậy bác là…bác Bảo?

Ông Bảo giật mình, ngỡ ngàng:

Trời ơi! Hóa ra tôi không nhầm. Bà chính là Hiên lúc đó. Hiên, con bà Lý. Thế cụ Lý?

Bà Hiên rơm rớm nước mắt:

- Mẹ em…Vâng! Bà em mất đã lâu rồi. Hồi còn sống, bà vẫn nhắc đến bác. Chả là…em có kể lại chuyện cho bà. Bà bảo: “Thế nào nó cũng đến tìm con. Con hãy đợi”.

Bà Hiên vội lấy cái khăn, chấm những giọt nước mắt. Nhưng không hiểu sao, nước mắt lại càng chảy ra giàn giụa. Dường như những giọt nước mắt đã nín nhịn từ rất lâu rồi. Bà nói trong tiếng nấc nghẹn, như đang trở về với ký ức.

Bao nhiêu năm. Nhất là sau cái đêm ấy, em cứ chờ. Cứ đợi. Hết năm “bảy hai”. Rồi “bảy ba”. Rồi “bảy sáu”, “bảy bảy”…Anh ở đâu? Sao không một lần đến thăm em? Giá biết địa chỉ của anh, em đã đi tìm. Em ngu ngốc quá. Chỉ biết tên, mà không biết địa chỉ của anh. Giời ạ!

Ông Bảo bỗng thấy cay cay sống mũi. Giọng ông không được mạch lạc:

Bà Hiên! Hiên à! Lỗi tại tôi. Tôi là thằng đàn ông chẳng ra gì. Tôi có lỗi!

Bà Hiên như sực tỉnh.

Bác Bảo! Bác có lỗi gì đâu? Chỉ có em là đứa con gái ngu dại. Em cứ nghĩ, cái hôm đó, là duyên giời đã cho em được gặp bác. Nhưng giời cho, mà không biết cách giữ, thì rồi giời lại lấy đi.

Bà Hiên đã không kìm nén nổi những giọt nước mắt ướt đẫm khuôn mặt. Còn ông Bảo thì lúng túng, chẳng biết làm gì.

Bà Hiên bỗng nói khẽ:

Lát nữa, đứa con gái em sẽ sang đây. Thôi! Chiều nay, bác ở lại, ăn với mẹ con em bữa cơm…

Đầu xuân Canh Tý

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm