Cuộc sống trong mây trên 'cổng trời' Phia Oắc
Thứ Hai 10/01/2022 , 11:55 (GMT+7)Cao hơn mực nước biển 1.931 m, đỉnh Phia Oắc ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) thường xuyên bị mây mù che phủ trong mùa đông.
Có độ cao 1.931 m so với mực nước biển, Phia Oắc được ví như nóc nhà phía Nam của tỉnh Cao Bằng, cao hơn thị trấn du lịch Sa Pa 450m, cao hơn Ba Vì, Tam Đảo gần 1.000m. Xét về độ cao, Phia Oắc chỉ đứng sau đỉnh Phia Dạ (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) với chiều cao 2.000m.
Tuy nhiên, trên đỉnh Phia Oắc có một Trạm phát sóng FM của Đài tiếng nói Việt Nam với cột phát sóng cao gần 70 m, đưa tổng chiều cao của đỉnh cột lên đến 2000,7 m.
Là địa điểm cao nhất trong hàng chục km lân cận nên thời tiết trên Phia Oắc rất khắc nghiệt. Nếu như mùa hè thường xuyên phải hứng chịu sấm sét trong mưa giông thì mùa đông lại chìm trong mây mù, băng giá. Trong những ngày cuối năm, mây mù và gió rét khiến tầm nhìn trên đỉnh Phia Oắc rất hạn chế, có lúc xuống dưới 10 m.
Theo các cán độ của Trạm tiếp sóng FM, trong mùa đông, nhiệt độ ở Phia Oắc thường xuyên nằm ở ngưỡng dưới 10 độ C, mỗi năm thường có 1 đợt nhiệt độ hạ sâu, xuống từ -10 đến -5 độ C, làm nước đóng băng. Chiếc nhiệt kế trong ảnh đang chỉ 4 độ C, nhiệt độ được cho là "ấm" so với mùa đông Phia Oắc. Trong phòng, có quạt sưởi, nhiệt độ sẽ cao hơn từ 1-2 độ và chắn được gió nên ấm hơn rất nhiều.
Trước đây, khi trạm phát sóng mới được xây dựng vào năm 2007, đường lên đỉnh Phia Oắc rất khó khăn, đa số chỉ san tạm, đổ đá cấp phối. Hiện nay, toàn bộ đường lên đã được bê tông hóa nhưng địa hình vẫn rất hiểm trở.
Con đường lên Phia Oắc quanh co, cua gấp, dốc 18% là bình thường, nếu đi vào mùa đông thì còn có thêm mây mù, thậm chí băng giá, rất nguy hiểm. Từng có nhiều xe ô tô bị trượt dốc, lật vì cố "bò" lên đỉnh khi đường đóng băng, trơn trượt.
Hơn 10 năm qua, có vài người đàn ông thay nhau túc trực trên đỉnh Phia Oắc, ca làm việc của họ kéo dài từ 4h44 đến 24h mỗi ngày. Trong ảnh là anh Sầm Ngọc Sơn, cán bộ sinh năm 1972 của Trạm phát sóng FM, người đã lên làm việc trên Phia Oắc từ năm 2010.
Theo lời kể của anh Sơn, mùa đông ở Phia Oắc nhẹ thì mù, nặng thì băng, số ngày nắng ráo, trời quang mây tạnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tháng 12/2020, nhiệt độ tụt xuống -10 độ C. Trạm phải sống trong tình trạng đông cứng trong gần 1 tuần. Quần áo, khăn mặt, nước... những gì ở bên ngoài đều đóng băng, trong nhà phải bật quạt sưởi hết công suất để giữ ấm.
Mấy tháng mùa đông, quần áo của các cán bộ trạm giặt xong đều treo tạm cho ráo nước rồi đưa vào phòng máy, tận dụng hơi nóng để phơi khô. Theo anh Sơn, nếu không tận dụng hơi nóng của phòng máy thì quần áo sẽ không bao giờ khô được.
Ngoài ra, do đặc điểm kỹ thuật, để công suất sóng không giảm, các cán bộ của trạm phải luôn túc trực để duy trì nhiệt độ của phòng máy ở dưới mức 21 độ C. Mặc dù mùa đông ở đây rất lạnh nhưng máy phát nhiệt lớn nên có lúc phải 3 điều hòa chạy cùng lúc mới đảm bảo được yêu cầu nhiệt độ này.
Những bức tường đầy dấu vết của nồm ẩm dù mới sửa chữa, cải tạo năm 2020 nhưng đến nay đã loang lổ rêu mốc do độ ẩm rất cao của đỉnh Phia Oắc. Do đường đi khó khăn nên đồ ăn thường được các cán bộ trạm mua với lượng đủ dùng trong 7-10 ngày. Ngoài ra, để sẵn sàng đối phó với tình huống điện bị gián đoạn, trạm cũng được trang bị các máy nổ nhỏ để giúp các thiết bị dự phòng hoạt động.
Thời tiết ở Phia Oắc rất ẩm ướt nhưng để có nguồn nước dùng cho sinh hoạt lại không hề dễ dàng, do đây là đỉnh núi, không có nguồn nước nào chảy xuống cả. Theo các cán bộ trạm phát sóng, khi mới hoạt động, họ phải căng một tấm bạt vào 4 chân cột phát sóng hứng sương qua đêm lấy nước dùng. Rồi mỗi khi nhiệt độ xuống thấp, cả trạm như một ngăn đá tủ lạnh khổng lồ thì phải nhờ người chở nước ở dưới lên, cất vào phòng dùng dần.
Sau một thời gian gắn bó, các cán bộ trạm phát hiện ra một khe nước dưới vực, cách đường đi khoảng 100 m, đường xuống khe này nhiều đoạn dốc đứng, trơn trượt do rêu và thảm thực vật hoai mục. Dưới khe nước này, họ căng một tấm bạt lớn để hứng nước, thể tích vào khoảng 3 m3 và dùng bơm tõm để lấy nước lên trạm. Theo anh Sầm Ngọc Sơn, khi chưa trang bị được bơm tõm, họ phải lấy nước vào các can 20 L rồi khiêng lên, rất mệt và nguy hiểm.
Hiện nay, trạm phát sóng có 4 cán bộ, họ chia nhau mỗi kíp 2 người, trực trên trạm trong vòng 10 ngày. Mỗi ngày công việc bắt đầu từ 4h44 sáng đến 24h đêm, đảm bảo cho sóng của Đài tiếng nói Việt Nam luôn được thông suốt, đến với bà con trong khu vực.
Với địa hình khó khăn, mỗi ngày giao ca cũng là lúc các cán bộ tranh thủ đi chợ để dự trữ cho 7- 10 ngày. Mong muốn lớn nhất của họ hiện nay là có thêm các bể nước inox để dễ dự trữ, sử dụng nước ngay cả trong những ngày mùa đông băng giá.
tin liên quan
Làng Nủ trước ngày khánh thành
40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ
Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Giám đốc Học viện Báo chí và tuyên truyền: 'Chúng tôi đặt kỳ vọng ở các bạn'
Học viện đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm vươn tới đỉnh cao trong học tập và nghiên cứu của toàn thể các bạn học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030
Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.
Phê duyệt quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050
Quy hoạch này của Hà Nội là căn cứ quan trọng để triển khai các kế hoạch phát triển đô thị, nông thôn và các ngành nghề khác tại thủ đô.
Sóc Trăng: Dông lốc khiến 64 căn nhà bị thiệt hại
Dông lốc khiến 64 căn nhà của người dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) bị thiệt hại, ước tính giá trị tài sản bị ảnh hưởng hơn 2,6 tỷ đồng.