| Hotline: 0983.970.780

Cuộc tái ngộ cay đắng trong nước mắt sau 24 năm gặp lại cha

Thứ Sáu 26/08/2016 , 07:30 (GMT+7)

Tháng giêng năm 2015, sau 24 năm, Sun cuối cùng cũng được gặp lại cha mình, Sun Youhong, lúc này đã 60 tuổi, và một người em gái anh chưa hề biết mặt. “Tôi rất hạnh phúc. Nhưng cũng cảm thấy rất cay đắng”, ông Sun Youhong thốt lên nghẹn ngào.

Trong hàng trăm vụ trẻ bị bắt cóc mỗi năm, cảnh sát Trung Quốc chỉ phá án được 1%. Và những đứa trẻ tìm về được với cha mẹ đẻ rất hiếm hoi, đôi khi quá trình đó mất hàng chục năm.

Khi Sun Bin bị bắt đi, cậu mới 4 tuổi. 24 năm sau, lúc gần 30, anh mới tìm lại được cha mình. Mẹ anh đã không chờ được anh. Bà đã chết vì ung thư trước khi có cơ hội gặp lại đứa con trai đáng thương.

Bé Sun Bin vào một ngày nào đó trong năm 1991 đang thơ thẩn trong chợ rau quả thì bị bắt cóc trong khi cha cậu, một người bán rau ở tỉnh Tứ Xuyên, vẫn còn đang bận bịu bán hàng. Sun Bin bị bán cho một gia đình ở Giang Tô, vùng biển phía đông Trung Quốc, cách quê nhà khoảng 1.500km, theo tường thuật của hãng tin CNN và các báo Trung Quốc.

 

Tái hợp trong nước mắt

Tháng giêng năm 2015, sau 24 năm, Sun cuối cùng cũng được gặp lại cha mình, Sun Youhong, lúc này đã 60 tuổi, và một người em gái anh chưa hề biết mặt.

“Tôi rất hạnh phúc. Nhưng cũng cảm thấy rất cay đắng”, ông Sun Youhong thốt lên nghẹn ngào.

Cuộc hội ngộ diễn ra tại một đồn cảnh sát ở thành phố Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Khi một viên cảnh sát giới thiệu Sun Bin với cha anh, chàng trai 28 tuổi đã quỳ xuống rồi bật khóc trong vòng tay ông Sun Youhong. “Con đã là một người đàn ông. Đừng khóc”, cha anh nói. Nhưng chính ông Sun Youhong cũng không kìm được nước mắt.

Khi phát hiện con mình biến mất, hai vợ chồng ông Sun Youhong đã gác tất cả mọi thứ để đi tìm con.

Ông kể hai vợ chồng dán thông báo tìm con khắp nơi trong vùng. Mẹ Sun Bin còn đi sang các thành phố khác trong tỉnh Tứ Xuyên với dân số hơn 80,5 triệu người, đứng thứ ba Trung Quốc. Các cuộc tìm kiếm kết thúc trong vô vọng. Năm 1996, mẹ Sun Bin phát bệnh ung thư. Người mẹ đau khổ ấy qua đời vào năm 2011.

“Tìm lại con trai là mong ước lớn nhất của vợ tôi lúc còn sống”, Sun Youhong nói với Tân Hoa Xã. “Những ngày cuối đời, bà ấy thường xuyên gọi tên con trai”.

Sun Bin nói với các nhà báo Trung Quốc anh biết anh được nhận làm con nuôi nhưng không biết quê nhà cha mẹ ruột ở đâu.

Anh nói hồi nhỏ anh chưa bao giờ hỏi cha mẹ nuôi vì sao anh rơi vào nhà họ. Khi lớn lên, anh muốn tìm lại cha mẹ đẻ và ước mong đó ngày càng trở nên mạnh mẽ. Anh để lại mẫu DNA tại một đồn cảnh sát ở thành phố Giang Tô vào tháng 10/2014 và gần đây nhận được một cú điện thoại nói rằng đã tìm thấy một mẫu DNA trùng hợp với mẫu của anh.

Gia đình ông Sun cũng nhận được sự hỗ trợ của một website có tên "Baby come home" chuyên giúp đỡ tái hợp những người thân vì lý do nào đó phải chia ly.

 

Cay đắng

Ông Sun Youhong nói ông thất vọng khi biết rằng đứa con trai lưu lạc của ông đã buộc phải làm thợ điện từ khi còn ở tuổi thiếu niên.

“Tôi chắc chắn đã cho con đi học ở tuổi 15”, ông nói.

Trả lời phóng viên CNN qua điện thoại, người cha đau khổ cáo buộc cha mẹ nuôi của con mình vi phạm pháp luật khi chấp nhận một đứa trẻ bị đánh cắp. “Nhưng miễn là con trai tôi trở về với tôi, tôi sẽ không kiện cáo gì họ”, ông nói thêm.

Sun Bin vẫn chưa quyết định có rời thành phố biển nơi có cha mẹ nuôi của anh, nơi anh lớn lên không. Và lần đầu tiên trong 24 năm, anh được ngủ tại ngôi nhà của cha ruột mình.

10-26-45_150115134930-chin-boy-young-story-body
Tấm ảnh hai cha con, chụp chỉ ba ngày trước khi Sun Bin bị bắt cóc

 

“Trước khi gặp lại con, tôi không biết lúc này trông nó ra sao”, ông Sun Youhong nói. Gợi ý duy nhất cho ông là một tấm ảnh cũ kỹ, chụp từ năm 1991, ba ngày trước khi con trai ông mất tích. Khi bị bắt đi, Sun Bin đang chơi với mấy đứa trẻ khác. Lúc người bố đi tìm con để về ăn trưa, người ta trông thấy một người đàn ông lạ mặt ôm lấy Sun Bin và chạy đi mất. Cảnh sát được gọi tới ngay nhà ga để chặn bắt nhưng đã quá muộn. Những kẻ bắt cóc đưa bé Sun lên tàu tới thành phố Từ Châu ở tỉnh Giang Tô, cách Thành Đô 1.500km.

Cha mẹ nuôi của Sun Bin, không có con trai, đã mua cậu bé với giá 2.000 nhân dân tệ (300 USD), tất nhiên theo “thời giá” năm 1991. Một bé trai ở Trung Quốc hiện nay được bán với giá 30.000  -50.000 USD (700 triệu đến hơn 1 tỷ đồng).

Rất ít gia đình có con bị bắt cóc gặp may như nhà ông Sun. Sau bốn năm tìm kiếm vô vọng, họ dừng lại. Nhưng họ luôn nói với đứa em gái Sun Bin, sinh sau khi cậu bị bắt cóc ba năm, rằng nó có một người anh trai.

Cho tới năm 2011, sau một chiến dịch tìm kiếm những đứa trẻ mất tích gây xúc động toàn xã hội, Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực hạn chế nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em và tái hợp trẻ bị bắt cóc với gia đình.

Biết được thông tin này, Sun Bin, người luôn nghi ngờ rằng anh là con nuôi, đăng ký mẫu DNA với hệ thống lưu trữ quốc gia. Chỉ một tháng sau khi đăng ký, cảnh sát đã tìm thấy ở thành phố Thành Đô xa xôi có một mẫu trùng khớp với mẫu của Sun Bin. Đó là mẫu DNA của cha anh, ông Sun Youhong.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất