| Hotline: 0983.970.780

Cuộc tháo chạy sau hạn, mặn tràn vào các tỉnh miền Tây

Thứ Tư 11/05/2016 , 08:01 (GMT+7)

Sau vụ lúa đông xuân vừa qua, mỗi hộ đều ôm khoản nợ chục triệu đồng, hộ nào nhiều đất thì đến cả 100 triệu  và họ phải rời quê hương để kiếm cái ăn, kiếm tiền trả nợ. Chúng tôi ghé thăm nơi “sầm uất” nhất ấp Sóc Lèo gần ngay trụ sở UBND xã Lịch Hội Thượng...

Hạn mặn. Mùa màng thất thu. Rất nhiều người dân ở ĐBSCL phải tất tả ngược xuôi kiếm kế sinh nhai khiến những ngôi làng trở nên hoang vắng, ảm đạm.

Tại ấp Sóc Lèo (xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra cuộc tháo chạy “giặc hạn” khủng khiếp.

Nợ nần đành bỏ quê quán

Trên tuyến đường bê tông nông thôn nhỏ xíu được người dân địa phương quen gọi là đường Giữa, xẻ dọc một phần ấp Sóc Lèo có khoảng 100 nóc nhà thì có đến chục ngôi nhà đóng cửa không người ở. Đa phần những hộ còn lại cũng chỉ còn người già và trẻ em.

Hỏi ra mới biết, sau vụ lúa đông xuân vừa qua, mỗi hộ đều ôm khoản nợ chục triệu đồng, hộ nào nhiều đất thì đến cả 100 triệu  và họ phải rời quê hương để kiếm cái ăn, kiếm tiền trả nợ.

Chúng tôi ghé thăm nơi “sầm uất” nhất ấp Sóc Lèo gần ngay trụ sở UBND xã Lịch Hội Thượng. Khu vực này cũng nằm cạnh chùa Sóc Pia nên bà con ở thành khu dân cư khá đông đúc. Tuy nhiên, trái ngược với không khí ồn ào của khu dân cư tập trung, chúng tôi ghi nhận một không khí ảm đạm, buồn tẻ.

Đi qua hơn chục ngôi nhà liền kề vẫn chưa tìm được bóng người lớn, xa xa mới có vài đứa trẻ chơi đùa dưới tán cây xanh, chúng tôi mở lời hỏi thăm chúng để tìm nhà ông Dương Trồ, hộ dân làm nhiều ruộng nhất nhì vùng này.

Ông Dương Trồ (78 tuổi) buồn rầu nói: “Gia đình giờ chỉ còn vợ chồng già và hai đứa cháu nhỏ. Con trai và vợ nó đã lên thành phố làm sau Tết Nguyên đán rồi. Chúng đi làm kiếm tiền trả khoản nợ gần 100 triệu đồng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu”.

Thở một hơi dài, ông Trồ tiếp tục kể về câu chuyện của gia đình mình. Vụ mùa năm 2014 - 2015, gia đình ông làm lúa được gần 20 bao/công (1 công bằng 1.296 m2), năng suất ước tính đạt 10 tấn lúa tươi/ha.

Vậy là hai vụ lúa năm 2015 - 2016, ông thuê thêm đất của bà con, cộng với hơn 20 công đất gia đình nữa là 80 công để con trai canh tác. Sau vụ hè thu năng suất không cao, gia đình kỳ vọng nhiều vào vụ đông xuân vừa qua. Không ngờ nước mặn về sớm, đồng lúa bạt ngàn của gia đình ông trổ toàn lúa lép, đến mức mất trắng hoàn toàn. Khoản nợ trên cũng từ đó mà ra.

Cũng may chủ nợ là chỗ thân tình nên không siết nợ, cũng không bắt phải đóng lời. Vậy là con trai và con dâu ông đành dứt lòng để lại 2 đứa con cho ông bà nội, mò mẫm lên Sài Gòn làm công nhân.

Từ khi vợ chồng người con trai bỏ nhà tha hương, ông cũng chẳng biết họ làm gì trên đó, chỉ biết rằng căn nhà đang ấm cúng bỗng lạnh lẽo hẳn đi. Công việc của vợ chồng ông thì bận rộn hơn nhiều, vợ ông phải gánh vác luôn vai trò của người mẹ, hằng ngày lo cơm nước, tắm giặt… cho các cháu. “Năm nay gia đình tôi không làm ruộng nữa, đất của gia đình cũng để cho người ta làm luôn. Còn hai vợ chồng chúng nó thì đi làm dành dụm từ từ trả nợ, chứ làm ruộng kiểu này sao sống nổi?”, ông Dương Trồ nói.

Ở gần cạnh bên, gia đình ông Thạch Sai cũng chẳng khá hơn. Con gái ông là chị Sơn Thị Sa Hiên từ trước Tết Nguyên đán đã rời bỏ miền quê mà mình chưa bao giờ phải xa ngày nào, gửi lại người con nhỏ đang học lớp 7 cho vợ chồng ông để cùng chồng lên Bình Dương kiếm kế sinh nhai.

2-su-vu-mu-tht-bt-nhieu-ho-du-c-gi-dinh-di-lm-n-x-chi-con-li-cn-nh-kin-cu151557319
Nhiều ngôi nhà bỏ hoang

Ông Thạch Sai cho biết, vụ lúa vừa rồi, gia đình chị Sa Hiên cũng may là chỉ làm hơn mười công đất, mất trắng mười công, cũng đồng nghĩa với khoản nợ hơn chục triệu đồng tiền phân, thuốc nằm đó. Nếu ở nhà cứ ăn mà không làm gì số nợ sẽ càng lớn. Vậy nên, dù đã già yếu, ông bà Thạch Sai cũng đành cưu mang người cháu nhỏ để vợ chồng con gái đi kiếm miếng cơm manh áo.

Ông Sai khẳng định, ở cái miền quê nghèo này, khi mùa lúa không cho thu hoạch thì người dân cũng chẳng có cơ sở nào làm thêm để trụ lại. “Nếu không mất mùa lúa, chắc chắn con gái tôi không phải đi làm xa, cháu tôi không phải nghỉ học”, ông Sai nói.

Ông Tạ Văn Long, Phó Chủ tịch xã Lịch Hội Thượng, lý giải nguyên nhân trực tiếp khiến bà con rời quê hương là do vụ mùa vừa qua hạn mặn hoành hành. Mùa mưa thì dứt quá sớm, nước trên thượng nguồn không về tới địa phương như thường niên nên mặn xâm nhập sâu làm diện tích lúa tổn thất rất nặng. Hiện xã đang thống kê lại thực trạng trên để chuẩn bị cho bầu cử Hội đồng nhân dân. Tuy chưa đầy đủ, nhưng hiện trên địa bàn xã đã có khoảng 165 hộ, với khoảng 450 người đi làm ăn xa.

Cũng tương tự gia cảnh ông Dương Trồ, nếu vợ chồng chị Sa Hiên mà làm ăn được thì không về nữa. Khi đó, ngoài phần đất hơn chục công đang làm, ông Thạch Sai còn phải gánh luôn số ruộng con gái để lại. Với sức già ở cái tuổi gần 70, ông Sai đâu thể làm nổi mấy chục công đất cùng lúc, ông đang dò hỏi xem có ai muốn thuê đất không nhưng địa phương ai cũng làm thinh.

Bán đất không ai mua

Ghé thăm gia đình ông Thạch Sên trong buổi trưa nắng nóng, ông đang ngồi trước nhà để ngóng gió trời tránh cái không khí oi bức đến khó chịu. Vợ ông Sên thì đang đưa võng, một tay bà ôm đứa cháu nhỏ 4 tuổi trong lòng cất tiếng ru, tay còn lại bà chồm sang cạnh bên kéo cái võng còn lại cho đứa cháu lớn.

Ông Sên cho biết, đó là hai cháu ngoại của ông, vợ chồng người con gái Thạch Thị Sa Run đã lên Bình Dương, đứa thì làm công ty vải, đứa làm phụ hồ đã mấy tháng nay. Vì già rồi, đi làm cũng không ai nhận nên vợ ông ngày ngày ở nhà chăm sóc hai cháu và lo cơm nước.

Chỉ vào 2 con bò ốm nhom ốm nhách cột cạnh nhà, ông Sên cười nói tiếp: “Tôi chăn nó cho đỡ buồn và kiếm thêm thu nhập, nhưng vụ hạn năm nay cây lúa không sống nổi, cỏ cũng héo úa dần nên chúng ốm trơ xương”.

Sau vụ mùa vừa qua, ngoài số nợ hơn 100 triệu đồng đang thiếu ngân hàng từ trước, gia đình ông Sên còn đang nợ khoảng 50 triệu đồng tiền chi phí mùa vụ, tiền gia đình mượn để trị bệnh cho người cháu và tiêu xài. Bà Sa Bên, vợ ông Sên, cho biết thêm, hằng tháng hai vợ chồng con gái bà gửi về khoảng 4 triệu đồng, chỉ đủ chăm lo cho gia đình và 2 cháu đang tuổi ăn tuổi học. Còn tiền lời của số tiền vay, cứ 3 tháng phải đóng hơn 2 triệu bạc, đôi khi vợ chồng bà phải xoay đủ kiểu mới trả được.

3-b-thch-thi-s-ben-ty-bong-ty-be-chu-noi-ve-hon-cnh-gi-dinh-minh151557639
Bà Thạch Thị Sa Bên tay bồng, tay bế cháu để con cái đi làm ăn xa

Ông Thạch Sên sợ cứ để tình trạng này thì món nợ ngày càng phình ra nên đã nghĩ đến chuyện bán bớt phần đất hơn 40 công của gia đình để trả nợ. Trớ trêu thay, đã hạ giá thấp nhất mà mấy tháng qua không ai đoái hoài. “Năm 2014, tôi mua thêm 2 công đất, giá lên tới 1,2 cây vàng một công. Bây giờ tôi muốn bán 6 công đất để trả nợ, gọi giá 8 chỉ một công, không ai mua”, ông Sên lắc đầu nói.

Tình trạng dân bỏ xứ ra đi được ông Dư Văn Luận, Trưởng ấp Sóc Lèo, thú thật với chúng tôi là rất nan giải. Theo ông Luận, trước vụ lúa đông xuân vừa qua, địa phương chỉ có khoảng 50 hộ đi làm ăn xa do không có đất sản xuất. Đến nay con số của riêng ấp đã tăng lên khoảng 150/258 hộ rời quê rồi.

Riêng ấp Sóc Lèo, có 345 ha đất trồng lúa thì có đến hơn 200 ha bị thiệt hại trên 70%. Trong đó, hơn 100 ha bị thiệt hại hoàn toàn không cho thu hoạch. Mở rộng ra cả xã Lịch Hội Thượng, có 2.700 ha đất sản xuất lúa thì khoảng 66% diện tích bị thiệt hại. Hơn 50% trong diện tích lúa bị thiệt hại trên mất trắng, không cho thu hoạch.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bị đá đè tử vong khi đào dúi rừng

Ông Tẩn Phù Dìn ở xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã bị đá đè tử vong trong khi đào bới đất để bắt dúi rừng tại khu vực rừng vầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm