| Hotline: 0983.970.780

Cuộc triển lãm đặc biệt: Lịch sử cần được tôn trọng

Thứ Sáu 12/09/2014 , 08:56 (GMT+7)

Những ngày tiếp theo của cuộc triển lãm, câu chuyện vẫn chỉ xoay quanh nỗi đau buồn của những cuộc đấu tố. Những hiện vật trưng bày tại triển lãm lần này cũng gây ra ít nhiều tranh luận./ Nước mắt một thời

“Cải cách ruộng đất” nhằm mục tiêu “Người cày có ruộng”, và bước đầu tiên để hoàn thành mục tiêu trên là “đấu tố địa chủ”.

Ngay từ khi bắt đầu, chủ trương “phóng tay phát động quần chúng” đã bị nhiều “đội cải cách” lộng quyền: Truy bức để “đôn” tỷ lệ địa chủ lên đủ mức quy định “ngầm”. Những điều này không có trong chủ trương chỉ đạo “cải cách ruộng đất”. Nhưng ở các cấp dưới, tình hình dường như không thể kiểm soát.

Hẳn ai sống từ năm 1956 trở về trước còn nhớ câu “nhất đội nhì trời”. “Đội cải cách” là những người chịu trách nhiệm tìm và đấu tố địa chủ. Nếu đã bị “đội” quy kết là địa chủ thì đứng trước nguy cơ bị đấu tố, tịch thu của cải, đất đai, cao hơn nữa là tử hình. Và công việc của “đội” chính là làm đầy “chỉ tiêu” địa chủ của mỗi thôn, xã. Nhiều oan sai cũng từ chính sách “khoán” địa chủ này mà ra.

Ông Đào Văn Nhượng (74 tuổi, Giảng Võ, Hà Nội), một nhân chứng sống của những cuộc đấu tố địa chủ ngậm ngùi nhớ lại: “Hầu hết những người có mặt tại triển lãm này là những nạn nhân của chế độ “khoán” địa chủ. Gia đình tôi cũng là nạn nhân của đợt cải cách 1954.

Lúc ấy tôi đã 14 tuổi, cái tuổi chứng kiến và thấu hiểu được nỗi oan sai mà gia đình phải chịu. Bố mẹ tôi vốn là nông dân, bố tôi là con trưởng nên nhận được nhiều ruộng hơn những người trong họ để lo việc cúng giỗ. Nhưng đến thời kì cải cách, “vô tình” số ruộng trên lại biến bố mẹ tôi thành địa chủ. Bởi cứ tính từ trên xuống theo gia sản và ruộng đất sẽ bị quy vào thành phần địa chủ”.

Hậu quả của đấu tố địa chủ đã tác động đến từng thành viên trong gia đình ông. Bố mẹ vào tù, anh em phiêu bạt. Và hơn 20 năm từ ngày định mệnh đó, ông mới được gặp lại bố mình, giờ là “bạch đinh” chính cống, không nhà cửa, con cái. Nhưng điều khiến ông trăn trở nhất vẫn là chưa gặp lại được những người anh em của mình.

sm-1765163108606
Quần áo của địa chủ

“Có lẽ kí ức khủng khiếp của cuộc đấu tố đã khiến cho những anh em của tôi không dám trở về quê quán một lần nào nữa. Ngay chính tôi đây cũng phải đổi tên họ, lí lịch mới mong được học hành. Và cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa lấy lại được cái tên của mình”, ông Nhượng cho biết.

Ông Nhượng cũng cho biết thêm, mục đích ông đến với triển lãm này là tìm kiếm “niềm an ủi” với những mất mát mà gia đình ông đã gánh chịu.

“Tại triển lãm này chúng tôi cũng muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, những bước đi sai lầm trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thì cũng đã có những chỉ đạo từ trung ương trong việc chấn chỉnh khắc phục sai lầm, oan sai”, TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Dù đã gây được sự chú ý từ dư luận nhưng cuộc triển lãm đầu tiên này đang nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, cuộc triển lãm mới phản ánh một mặt của “Cải cách ruộng đất” chứ chưa tái hiện được những sai lầm, những bi kịch của “cuộc cách mạng long trời lở đất cách đây hơn 60 năm” (phát biểu của TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Những hiện vật tại cuộc triển lãm đang ít nhiều gây tranh cãi trong giới chuyên môn và cả những người đến thưởng lãm. Phần trưng bày gây nhiều cảm xúc nhất cho người xem có lẽ là góc đối lập về cuộc sống của giai cấp địa chủ với tầng lớp bần cố nông. Một bên là cuộc sống xa hoa, phong lưu, một bên là rách rưới bần cùng. Tuy nhiên, những hiện vật này lại là “hạt sạn” với giới chuyên môn và chính thân nhân của những người bị đấu tố.

Chi tiết gây tranh cãi nhiều nhất chính là hiện vật nói về đời sống của tầng lớp địa chủ ngày xưa. Ông Nguyễn Quốc Bình (72 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) thắc mắc: “Bố tôi cũng bị quy kết là thành phần địa chủ. Dù sau này đã được sửa lại thành phần nhưng người đã mất đi rồi thì không còn gì để nói.

sm-1876163108805
Quang cảnh xét xử địa chủ

Tôi đến với triển lãm để xem lại quãng đời mình đã từng trải qua, nhưng hình như tôi chưa hài lòng. Các hiện vật về cuộc sống của tầng lớp địa chủ với bần cố nông là có sự “sắp đặt”. Tư liệu về các cuộc đấu tố, và xa hơn là sự sửa sai rất nhỏ giọt.

Tôi muốn một triển lãm có cái nhìn đa chiều thực sự. Những hình ảnh tôi cho là xúc động và có ý nghĩa như hình bà Nguyễn Thị Năm, địa chủ đầu tiên bị bắn trong đợt cải cách ruộng đất hoặc ảnh Bác Hồ khóc khi nhận ra sai lầm trong cải cách ruộng đất là hình ảnh xúc động và ấn tượng nhưng không thấy có.

Sau khi xem xong thì tôi đặt ra câu hỏi: “Liệu triển lãm này đã công bằng với những oan sai mà những gia đình như chúng tôi phải chịu chưa?”

Ngoài những thắc mắc về hiện vật, thì những bức ảnh xuất hiện trong triển lãm cũng gây nên những tranh luận. Những vật dụng như thìa nhựa, nồi gang, ca men xanh, áo may ô, áo lính K82... bị nhiều người cho là chưa thể xuất hiện vào giai đoạn 1954 - 1956. (Hết)

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tiếp nguồn cát thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

CẦN THƠ Những sà lan chở cát từ mỏ Bình Phước Xuân (An Giang) đã về đến Cần Thơ phục vụ thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.