| Hotline: 0983.970.780

Cuộc 'xâm lăng' từ nước Nga

Thứ Bảy 10/08/2019 , 13:15 (GMT+7)

Mặc dù báo chí, các chính trị gia Na Uy vẫn thường tranh luận, bày tỏ sự e ngại một cách công khai về cái gọi là “một cuộc xâm lăng của người Nga” cho dù điều này chưa diễn ra, có một thứ từ Nga đã “xâm lăng” Na Uy. Đó là những chú cá hồi lưng gù.

Theo tờ Sputnik của Nga, các nhà nghiên cứu Na Uy nói các sông suối nước này hiện đang phải đối diện với “một cuộc xâm lăng” của những con cá hồi lưng gù, cũng thường được gọi không chính thức là “cá hồi Nga”.

21-44-48_1
Một chú cá hồi lưng gù.

Theo họ, sự thâm nhập của các sinh vật ngoại lai này ngày càng dữ dội, trong khi Na Uy chưa thấy những hậu quả tồi tệ nhất của việc này.
 

Loài ngoại lai xâm lăng

“Năm nay chúng tôi e ngại rằng sẽ có thêm cá hồi Nga và chúng nhiều hơn cá bản địa trong nhiều dòng sông, đặc biệt ở phía bắc Na Uy”, nhà sinh học nước ngọt Rune Muladal, Tổng giám đốc Công ty Naturtjenster i Nord nói với nhật báo Dagbladet.

Theo các nhà nghiên cứu và dân địa phương, điều đáng ngại là cuộc xâm lăng này có thể biến chuyển thành tình trạng “chiếm đóng lâu dài”.

“Chúng xâm chiếm các dòng sông ở đây. Sáng nay tôi ra ngoài và bắt được 20 con cá hồi Nga”, Øystein Hansen ở vùng Kirkenes nói với Dagbladet. Hạt Finnmark, cực bắc Na Uy trở hành “tiền tuyến” trong cuộc đối đầu cá bản địa và đàn cá đến từ Nga.

Tên loài cá hồi Nga này chính thức là cá hồi lưng gù bắt đầu khiến các nhà nghiên cứu Na Uy e ngại từ thời điểm 2017. Năm đó, cá hồi Nga ở Na Uy tăng lên với mức độ kỷ lục. Các chuyên gia lo ngại sẽ có một đợt xâm lăng nữa diễn ra vào năm 2021, vì chu kỳ hoạt động 2 năm một lần của cá hồi.

21-44-48_2
Nhà khoa học của NINA với một con cá hồi lưng gù cái, bắt trên sông ở Na Uy.

“Năm 2017 chúng tôi không chắc đây có phải là hiện tượng mới không. Nhưng nay chúng tôi có hai mùa liên tiếp và có thể nói rằng chúng tôi có lẽ sẽ chứng kiến cái gì đó tương tự trong tương lai gần”, Henrik Berntsen, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thiên nhiên Nay Uy (NINA) nói với Dagbladet.

Ông Bernsen tuy vậy không dám chắc liệu cuộc tấn công của cá hồi lưng gù hồi năm 2017 có tác động nào đối với các loài cá bản địa, ví như cá hồi Atlantic hay cá hương (trout: cá hương, cá hồi chấm, cá hồi nước ngọt) hay không. Về lý thuyết, cá hồi Nga có thể lấn lướt cá bản địa. Do đó chúng bị xếp vào danh sách loài ngoại lai xâm lăng.

Eva Thorstad, nhà nghiên cứu của, giáo sư đại học Tromsø, mô tả loài cá hồi Nga là một nguy cơ đối với đa dạng sinh học của Na Uy. Bà thúc giục ngư dân địa phương “xóa sổ” chúng. Ở Karpelva, hạt Finnmark, nhiều tình nguyện viên đã đặt bẫy nhằm tiêu diệt loài cá ngoại lai.

Theo ông Berntsen, “đoàn cá xâm lăng từ Nga” có thể vẫn ngăn chặn được, bởi những kẻ xâm chiếm vẫn chưa sinh sản. Mùa sinh sản thường bắt đầu từ đầu đến giữa tháng 8. Tuy nhiên, cá hồi lưng gù vẫn ám ảnh Na Uy, đặc biệt ở phía bắc đất nước.

“Trong trường hợp xấu nhất, làm chệch triệu chứng là thứ duy nhất chúng tôi có thể làm được, từ góc độ của Na Uy. Mặc dù chúng tôi có thể ngăn cản đàn cá đẻ trứng trong các dòng sông ở Na Uy, chúng vẫn sẽ đến từ các dòng sông lớn của tây bắc nước Nga, ở đó cá hồi lưng gù tăng trưởng với số lượng khổng lồ”, ông Berntsen nói.
 

“Chiếm đóng lâu dài”

Cá hồi lưng gù (hay còn gọi là cá hồi hồng) có nguồn gốc từ biển Thái Bình Dương, nhưng từ những năm 1950 được Liên Xô thả vào biển Trắng và bán đảo Kola, gần với Na Uy. Lưng cá đực sẽ trở nên gồ lên khi trưởng thành và đây là đặc điểm đặc trưng, vì thế người ta gọi chúng là cá hồi lưng gù. Trọng lượng trung bình của chúng là khoảng 2,2kg và chúng là một loài cá thương phẩm có giá trị cao.

21-44-48_3
Cá hồi lưng gù, hay cá hồi hồng, có nguồn gốc biển Thái Bình Dương.

Theo trang nordicscience.com, chu kỳ sinh sản 2 năm của cá hồi lưng gù diễn ra rất nghiêm ngặt: con con sinh ra vào mùa thu năm nay sẽ quay lại vào mùa thu hai năm sau đó để đẻ trứng. Vì thế nảy sinh hại loại cá hồi lưng gù: cá đẻ năm chẵn và cá đẻ năm lẻ. Trứng cá hồi hồng nở vào mùa xuân. Khi các dòng nước đầu nguồn cạn dần, chúng đã nở thành cá con và tiến ra biển sau vài ngày hoặc vài tuần, với chiều dài cơ thể 35-50mm. Sau khi ở ngoài biển hơn một năm, cá hồi trưởng thành và quay về các dòng sông.

Cuối những năm 1950, trứng cá hồi lưng gù đã được thụ tinh từ các trang trại giống ở phía bắc đảo Sakhalin, vung cực Viễn Đông của Nga, được vận chuyển tới khu vực biển Trắng ở tây bắc nước Nga, gần với biên giới Na Uy. Cá con sau đó được thả xuống biển Trắng (nối với biển Barents). Những con cá hồi quay về đẻ trứng bắt đầu từ năm 1960, khi đó số lượng cá hồi lưng gù ở Na Uy cũng được ghi nhận với số lượng tương đối cao.

Tuy nhiên, mặc dù thả tới 248 triệu quả trứng đã thụ tinh từ vùng Sakhalin trong giai đoạn từ 1958-1984, mục tiêu thiết lập một quần thể cá hồi lưng gù bền vững ở các dòng sông đổ ra biển Trắng của Nga có vẻ không thành công.

Trong suốt những năm đó, hầu hết những con cá hồi trưởng thành quay lại sông đẻ trứng trong nội thủy Nga và Na Uy đều là sản phẩm của chương trình thụ tinh cá hồi của Nga, rất ít trường hợp là sản phẩm của sinh sản tự nhiên, tức là cá nở từ trứng thụ tinh tự nhiên. Tuy vậy, Nga tiếp tục nỗ lực trong các năm1985, 1989, 1998, dừa vào nguồn cá ở các vùng khác thuộc biển Thái Bình Dương. Và kết quả là sự sinh sản tự nhiên của cá hồi lưng gù đã nảy nở ở biển Trắng.

21-44-48_4
Biên giới Na Uy - Nga.

Điều mà người Na Uy đang e ngại là sự xuất hiện nhiều đột biến của cá hồi lưng gù trong các dòng sông dọc theo bờ biển của nước này từ năm 2017 đến nay, với hơn 11.000 con cá hoặc bị bắt, hoặc được ghi nhận tại 272 con sông. Người ta cũng đã chứng kiến việc sinh sản của cá trên các dòng sông, có nghĩa là chúng không chỉ “xâm lăng” mà còn có ý “cư trú lâu dài”. Người ta nghi ngờ rằng có thể do các dòng sông ở Na Uy đã ấm hơn trước và đây là điều kiện để cá hồi lưng gù Thái Bình Dương sinh sản. Điều đáng ngại với dân bản địa là hoạt động sinh sản của cá hồi lưng gù có thể gây hại đến các loại cá bản địa, khiến chúng không còn nơi sinh sản, hoặc thậm chí không còn khả năng sinh sản nữa.

(Kiến thức gia đình số 32)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.