| Hotline: 0983.970.780

Cuối năm giá gà vẫn 'dậm chân tại chỗ', người chăn nuôi thấp thỏm

Thứ Ba 05/01/2021 , 15:34 (GMT+7)

Đã gần đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 mà giá gà vẫn 'thấp tịt', khiến người chăn nuôi ở Bình Định lo lắng vì chưa ngắt được chuỗi thua lỗ.

Theo ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại chăn nuôi gà ta thả đồi có quy mô hơn 30.000 con ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định), giá gà ta thả đồi “chính hiệu” hiện chỉ 45.000đ-50.000đ/kg; trong khi trước đó, loại gà này có giá bán cao gấp đôi. “Hiện nay, nếu bán số lượng nhiều 1-2 ngàn con thì giá chỉ 45.000đ/kg, nếu bán lẻ cho các thương lái chạy chợ mỗi lần 50-70 con thì có giá 50.000đ/kg, nhưng sức tiêu thụ rất yếu”, ông Mai Văn Rõ cho hay.

Ông Mai Văn Rõ hiện đang nuôi hơn 30.000 con gà ta thả đồi, hiện giá bán chỉ từ 45.000đ-50.000đ/kg hơi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Mai Văn Rõ hiện đang nuôi hơn 30.000 con gà ta thả đồi, hiện giá bán chỉ từ 45.000đ-50.000đ/kg hơi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo giải thích của ông Rõ, từ khi dịch Covid-19 đã bùng phát, kể từ lúc ấy sức tiêu thụ của con gà đã bị “cầm chân”, giá tuột thảm hại. Sau đó vài ba tháng, thị trường tiêu thụ chưa kịp hồi phục thì đợt dịch Covid-19 thứ 2 lại bùng phát ngay tại 1 trong những thị trường tiêu thụ lớn của gà Bình Định là thành phố Đà Nẵng. Giao thông bị hạn chế, con gà Bình Định chẳng thể còn thong dong đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc như trước đây nên bị dồn ứ.

Tiếp đến là 1 loạt các tỉnh miền Trung bị mưa lũ hoành hành, thị trường tiêu thụ càng “tê liệt”, gà nuôi ở Bình Định không tiêu thụ được trong thời gian dài, người nuôi liên tiếp bị thua lỗ nặng nề.

Đó là nói giá gà ta thả đồi, loại gà đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thịt thơm ngon, giá gà ta nuôi nhốt chuồng hiện còn thê thảm hơn.

Gà ta nuôi nhốt chuồng hiện chỉ có giá 40.000đ/kg hơi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Gà ta nuôi nhốt chuồng hiện chỉ có giá 40.000đ/kg hơi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo cho biết của anh Nguyễn Mạnh Huy (49 tuổi), người có thâm niên hàng chục năm nuôi gà ở khu vực Hòa Ninh, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định), thời gian trước đây gà ta nhốt chuồng có giá chỉ 35.000đ/kg hơi. 1 tuần trở lại đây, nhiều chuồng nuôi dừng xuất bán để dành gà bán tết, thị trường bỗng dung bị “hụt” gà nên giá tăng lên được 40.000đ/kg. Tuy nhiên, với giá này người nuôi vẫn lỗ “chỏng gọng”.

Cũng theo anh Huy, tuy giá gà “hẻo” là vậy, nhưng trong 2 tháng gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 3 lần. Trong 2 lần đầu, mỗi lần tăng 250đ/kg, lần thứ 3 tăng 500đ/kg. Hiện nay, mỗi bao cám gà có giá 260.000đ/bao (25kg).

“Những cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi giải thích do dịch Covid-19 nên việc nhập nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài về khó khăn nên giá tăng. Họ cho biết từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sẽ còn tăng giá thêm 2 đợt nữa, mỗi đợt tăng thêm 750đ/kg. Cả thuốc kháng sinh cho gà cũng tăng 30%. Giá gà thì hạ, còn giá thức ăn chăn nuôi và thuốc kháng sinh không ngừng tăng nên ai càng nuôi nhiều gà càng lỗ to”, anh Huy cho hay.

Lứa gà tết năm nay anh Nguyễn Mạnh Huy không dám nuôi nhiều, chỉ 3.000 con mà anh lo sẽ bị lỗ to. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lứa gà tết năm nay anh Nguyễn Mạnh Huy không dám nuôi nhiều, chỉ 3.000 con mà anh lo sẽ bị lỗ to. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Huy phân tích chi li: Trong 1 chu kỳ nuôi 90 ngày, 1.000 con gà sẽ ăn 200 bao cám, mỗi bao có giá 260.000đ, vị chi người nuôi tiêu tốn hết 52 triệu đồng tiền thức ăn. Cộng thêm 11 triệu tiền mua con giống, 9 triệu thuốc kháng sinh và 2 triệu cho phí tiền điện, tiền mua trấu, như vậy, tổng chi phí cho 1.000 con gà trong 90 ngày nuôi là 74 triệu đồng.

“Tính toàn bộ chi phí đến khi xuất bán đàn gà, người nuôi “đổ” vào mỗi kg gà thương phẩm là 45.0000đ, trong khi hiện nay giá gà chỉ có 40.000đ/kg, như vậy mỗi kg gà người nuôi lỗ mất 5.000đ. Bình quân mỗi con gà có trọng lượng 2kg, vị chi mỗi con gà người nuôi bị lỗ 10.000đ. Như vậy, hiện nay trên 1.000 con gà, người nuôi bị lỗ mất 10 triệu đồng”, anh Nguyễn Mạnh Huy tính toán.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.