| Hotline: 0983.970.780

Cưới quê

Thứ Hai 23/12/2013 , 10:17 (GMT+7)

Tôi về quê dự đám cưới con chị họ. Từ xa, đã nghe tiếng karaoke mở hết công suất với giọng "ca vàng" của đám thanh niên làng.

Tôi về quê dự đám cưới con chị họ. Từ xa, đã nghe tiếng karaoke mở hết công suất với giọng "ca vàng" của đám thanh niên làng.

Vào đến cổng, bức ảnh cô dâu chú rể phóng to đặt trang trọng ngay cổng vào. Mấy chục mâm cỗ bày la liệt, từng đàn ruồi tự do thưởng thức. Chỉ nhìn vậy, tôi đã rùng mình. Vào nhà, một nhóm cả già lẫn trẻ đang đánh tá lả. Gần chục trẻ em và thanh niên chầu rìa.

Mẹ chị là bác dâu tôi. Bác kéo tôi vào buồng nói chuyện, gương mặt không giấu được sự lo lắng. Bác bảo:

- Ăn uống 2 ngày nay rồi cháu ạ! Mai mới làm cỗ cưới chính thức.

Thấy tôi mắt chữ o, mồm chữ a vì ngạc nhiên, bác giải thích:

- Này nhá, ngày đầu tiên dựng rạp chuẩn bị cho ăn hỏi cũng phải có mươi mâm cho người lo phông màn, dựng rạp, bàn ghế. Ngày ăn hỏi cũng phải vài chục mâm cỗ đàng hoàng cho họ nhà trai đến ăn chứ. Trước hôm cưới cũng sơ sơ chục mâm cho bạn bè, họ hàng. Hôm nay ngày cưới, cũng đến dăm chục mâm.

- Thế thì tốn kém lắm bác nhỉ?

Bác ngậm ngùi:

- Đất lề quê thói. Mình phải theo, biết làm sao! Vả lại, cả đời người cưới có một lần, không bằng chị bằng em, cháu nó sẽ tủi! Anh chị ấy phải vay lãi để lo cho con đấy, tội nghiệp lắm! Mà ở quê, không vừa lòng là họ tẩy chay không nhìn mặt ngay.

Thế là, suốt ba ngày trời, nhà anh chị tôi lúc nào cũng vài chục mâm cỗ. Mà ở làng, hễ hơi ho he việc gì là người làng (dù không họ hàng, không được nhờ vả) vẫn vô tư đến giúp rất đông và cũng vô tư đánh chén. Có người ở mấy ngày liền, cứ lăng xăng ra vẻ rất nhiệt tình.

Thế là ngộn người lên. Có người còn đùm gói hoặc cho cả mấy đứa cháu đến ăn boóng. Thế nên cỗ thì bao nhiêu cũng hết sạch banh. Gia chủ lòng như xát muối nhưng mặt vẫn phải tươi như hoa.

- Thế tiền mừng có khá không ạ?

- Thông thường là 100.000đ. Hãn hữu mới có người mừng 200.000đ. Mà cỗ quê bây giờ cũng không kém cỗ phố, ít cũng phải 9 đĩa, hai bát. Quê mình cháu biết rồi, có khá giả gì đâu! Mọi việc vui buồn, mừng tân gia, lo con cái học hành... tất tật hạt thóc "gánh" cả.

Khi ăn cỗ, tôi thấy mâm nào cũng để sẵn 6 chiếc túi nilon. Suốt bữa, chỉ thấy mọi người ăn canh với xào. Cuối bữa, tất cả thức ăn được chia đều cho mọi người mang về. Một chị đưa tôi một túi, tôi không lấy, các chị lại chia nhau. Nhìn cảnh ấy, sống mũi tôi cay cay!

Anh chị tôi không chỉ lo cỗ cưới mà còn lo nhiều thủ tục như những đám khác. Riêng tiền ảnh phóng to treo ngày cưới cùng album ảnh để làm kỷ niệm cũng ngốn hàng chục triệu. Rồi cô dâu phải lên đầu huyện cho thợ xịn trang điểm và thuê váy cưới. Tiền sắm "ổ" cho đôi trẻ cũng hàng chục triệu. Xe ô tô chở cô dâu chú rể dù hai nhà cùng xã...Toàn món phải chi tiền lớn.

Công việc của con xong xuôi, anh chị mới có thì giờ lo đến món nợ. Tổng chi 130 triệu. Tiền mừng gần 60 triệu. Thế là nợ gần 70 triệu. Anh quyết định bán con trâu, tài sản lớn nhất trong nhà. Nghe thế, chị giãy nẩy. Anh sẵng giọng:

- Trâu bò giờ có cần như trước đâu mà lo. Mai kia thuê máy. Cứ biết trả nợ bớt được đồng nào hay đồng ấy không thì lãi mẹ đẻ lãi con, chả mấy mà thành trăm triệu.

Gương mặt hốc hác, chị thở dài, quả quyết nói với chồng:

- Còn hai đứa nữa, tôi nhất quyết tổ chức cưới đơn giản. Ai cười cũng thây kệ! Còn hơn gánh nợ thế này.

Vài hôm sau, tôi sốc khi nghe tin anh chị đều về nội thành tìm việc để có tiền trả nợ. Chị làm osin cho một đôi vợ chồng trẻ ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng). Anh được người làng giới thiệu ra Ka Long (Móng Cái) bốc vác hàng lậu. Ở nhà, hai cô con gái đang tuổi ăn, tuổi học cần sự quan tâm của bố mẹ thì phải tự lo liệu cuộc sống của mình. Còn cô cháu tôi về làm dâu, cũng được ăn riêng với khoản phải cùng trả nợ với bố mẹ chồng là 30 triệu.

Dự đám hỷ về mà lòng tôi trĩu nặng, cứ day dứt với những câu hỏi: Rồi đây hạnh phúc của đôi trẻ có vẹn toàn? Anh chị sẽ "kéo cày" bao lâu để đủ trả nợ, để gia đình sum họp như xưa? Bao giờ quê mình mới hết những hủ tục?

Cưới quê xa hoa, kéo dài nhiều ngày với những thủ tục rườm rà đang là gánh nặng cho các gia đình, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc đôi trẻ. Chưa kể, nạn cờ bạc, nhậu nhẹt say sưa mà sát phạt, ẩu đả dẫn đến thương tích hay án mạng. Thế là ngày vui thành ngày buồn.

Mới thấy, xây dựng nếp sống văn hóa, thực hành tiết kiệm rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các đoàn thể ở từng địa phương, trong đó sự làm gương của cán bộ, đảng viên là vô cùng quan trọng!

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.