| Hotline: 0983.970.780

Cưỡng chế thi hành xử phạt hành chính

Thứ Năm 26/06/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nếu không tự nguyện nộp phạt hành chính thì cơ quan có thẩm quyền có quyền kê biên và bán đấu giá tài sản (xe đang bị tạm giữ) là đúng pháp luật.

Bạn đọc gửi từ địa chỉ minhq1@gmail.com xin hỏi:

Tôi vi phạm các quy định về an toàn giao thông bị xử phạt hành chính nhưng tôi chưa nộp phạt. Cơ quan xử phạt vẫn giữ xe, đưa ra kê biên và bán đấu giá để trả vào tiền phạt. Xin hỏi việc làm trên có đúng pháp luật không? Việc kê biên bán đấu giá được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Nghị định số 166/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quy định đối tượng áp dụng theo Nghị định này gồm: Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài, bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn chấp hành hoặc quá thời hạn hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã quá thời hạn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra mà không tự nguyện chấp hành.

Đối với tài sản bị kê biên để bán đấu giá, giá khởi điểm được xác định theo quy định chung. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày tài sản bị kê biên, người đã ra quyết định cưỡng chế ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản bị kê biên để bán đấu giá; trường hợp không ký được hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì thành lập hội đồng bán đấu giá tài sản.

Việc bán đấu giá tài sản bị kê biên được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Sau khi đã ký hợp đồng bán đấu giá tài sản, người chủ trì thực hiện kê biên tiến hành chuyển giao tài sản đã kê biên để bán đấu giá.

Việc chuyển giao phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ: Thời gian bàn giao; người bàn giao, người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tài sản. Hồ sơ bàn giao tài sản kê biên cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: Quyết định cưỡng chế kê biên; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tài sản và biên bản bàn giao tài sản đó…

Trường hợp số tiền bán đấu giá tài sản nhiều hơn số tiền ghi trong quyết định xử phạt và chi phí cho việc cưỡng chế thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày bán đấu giá, cơ quan thi hành biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản bán đấu giá làm thủ tục trả lại phần chênh lệch cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế.

Từ quy định nêu trên, áp dụng vào trường hợp của bạn, do bạn không tự nguyện nộp phạt hành chính thì cơ quan có thẩm quyền có quyền kê biên và bán đấu giá tài sản (xe đang bị tạm giữ) là đúng pháp luật, bạn cần nghiên cứu kỹ những nội dung mà luật gia nêu để thực hiện.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.