| Hotline: 0983.970.780

Cuồng phong Wutip tàn phá bắc miền Trung

Thứ Ba 01/10/2013 , 08:36 (GMT+7)

Đồng Hới (Quảng Bình) 13h30', dấu hiệu bão đã rõ rệt. Mưa nặng hạt xối xả, trắng trời, mù mịt nước. Gió rít thổi ù ù như tiếng hàng trăm chiếc cối xay gió khổng lồ. Từng đợt gió xoáy, mật độ ngày càng dày đặc hơn. Thành phố chìm trong mưa và bão tố.

Hà Tĩnh: Một huyện có trên 1.000 nhà dân bị tốc mái

Cơn bão số 10 mặc dù không đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh nhưng một số huyện trong tỉnh đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi gió to mưa lớn đổ xuống liên tục nhiều giờ làm cho hệ thống giao thông, thông tin lin lạc bị tê liệt. Ban đầu xuất hiện gió cấp 6 – 7 sau tăng lên cấp 8 – 9, đến 13h30 gió mạnh cấp 10 – 11 kèm theo mưa to và rất to kéo dài, đến 19h gió giật cấp 12, trên cấp 12.

Theo thông tin ban đầu từ Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, một số hồ đập bị sạt lở, nhiều tuyến đường giao thông bị tắc, hệ thống lưới điện bị hư hỏng gây mất điện toàn phần, nhiều diện tích hoa màu bị ngập úng. Tại thôn Sơn Hải, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà sóng dâng cao làm một nhà dân bị sập, cuốn trôi hết đồ đạc.

Tại thôn Song Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, đoạn kè chắn sóng biển mặc dù đã được nhân dân sử dụng hàng trăm bao tải đá chắn sóng nhưng do triều cường dâng cao tràn qua gây thiệt hại một số công trình của nhà dân. Riêng Kỳ Anh là huyện bị thiệt hại nặng nhất, có 1.153 nhà dân, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái…, nhiều cột điện, cây cối bị đổ. Huyện tổ chức 4 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống chống bão lụt tại các xã, đồng thời thăm hỏi, động viên nhân dân và phát 200 thùng mì tôm cùng 5 triệu đồng cho người dân di dời tập trung tại 9 xã trên địa bàn.

Quảng Bình: Bão giật

Đồng Hới (Quảng Bình) 13h30', dấu hiệu bão đã rõ rệt. Mưa nặng hạt xối xả, trắng trời, mù mịt nước. Gió rít thổi ù ù như tiếng hàng trăm chiếc cối xay gió khổng lồ. Từng đợt gió xoáy, mật độ ngày càng dày đặc hơn. Thành phố chìm trong mưa và bão tố.


Cây đổ, đường ngập nước trên địa bàn TP Đồng Hới

Hàng cây cổ thụ dọc tuyến đường Lê Lợi, Lý Thường Kiệt bị gió lớn đánh giật sấp ngã, cành gãy răng rắc trong tiếng gió rít. Mái tôn lợp nhà bị gió bốc từng tấm đập vào nhau sàn sạt, sàn sạt. Tôi đứng dưới hiên nhà số 481 đường Lý Thường Kiệt nghe tiếng vọng từ nhà đối diện, mái tôn đập choang choác vào vì kèo sắt y như ai đó đang dùng búa tạ nện thật lực.

3 người chết tại Quảng Bình 

Đến 21 giờ chiều qua, tại Quảng Bình có 3 người chết, 8 người bị thương do bão; gần 5.000 nhà bị tốc mái, gần 10.000 ha cao su bị gãy đổ…, sự cố mất điện vẫn chưa khắc phục được.

Trong số 3 người chết, 2 trường hợp là bảo vệ Trạm phát sóng trung của Đài Tiếng nói VN tại Đồng Hới, do cột tháp ăng ten cao hơn 150m bị đổ đè vào nhà bảo vệ. Đến 2130 phút tối qua, xác 1 bảo vệ vẫn chưa lấy ra được do bị cột đè.

Một tấm tôn lạnh từ mái nhà bên cạnh bị gió lốc xé toác lên, vứt lên không trung một quãng rồi rơi xuống, trượt dài trên lề đường đá tạo nên tiếng rít sắc lạnh. Roác roác, một ngọn cây xà cừ lớn, xum xuê bị bão bẻ gãy, ném xuống đường. Mưa mỗi lúc một lớn, gió thổi mạnh. Đứng ngoài đường, những âm thanh hỗn độn, nghe đến sởn gai ốc.

Tôi định rời mái hiên băng qua đường để về khu vực Trường Đại học Quảng Bình nhưng không thể vì gió và mưa như muốn bế thốc người ném trở lại. Vu...ù...ù... một chiếc bát hương thờ ngoài trời phía trên tầng cao của ngôi nhà sát cạnh bị lốc giật, ném vèo xuống trước mặt tôi, đập xuống mặt đường vỡ choác hàng chục mảnh. Bác Tâm chủ nhà hốt hoảng mở cửa quát: "Chú vào nhà ngay. Đứng ngoài làm gì. Lỡ mảnh tôn nào ném trúng người là chết đấy".

Đến cuối ngày, bão vẫn còn mạnh, gió giật cấp 11. Ông Phan Văn Gòn - Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch điện thoại cho biết, bị thiệt hại nặng nề. Toàn bộ các trường học trên địa bàn bị tốc mái, hơn 30% số hộ bị ảnh hưởng nặng đến nhà cửa. "Hiện số thiệt hại chưa thể thống kê được", ông Gòn cho hay. Cũng tại Bố Trạch, đê kè biển ở xã Nhân Trạch bị sóng biển đánh sập hàng chục mét.


Tuyến đê biển Nhân Trạch bị sóng đánh vỡ

Tại Lệ Thủy, hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, một nhà dân ở xã Sơn Thủy bị sập hoàn toàn. Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Xã biển Ngư Thủy Bắc bị tốc mái hơn 200 nhà. Toàn bộ các tuyến đường giao thông bị tắc do cây đổ chắn hết mọi lối".

TP Đồng Hới ngổn ngang và tơi tả. Hàng ngàn nhà bị tốc mái lợp. Hầu hết các nhà, trụ sở cơ quan có hệ thống kính đều bị bão giật vỡ, hư hỏng nặng. Các tuyến đường bị ngập do mưa lớn, cây cối đổ gãy hầu hết trên mọi tuyến. Đến 18 giờ, bão vẫn còn mạnh trên Quảng Bình. Đã có 2 người bị thương trong bão (Quảng Ninh và Lệ Thủy).

Cũng trong ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã vào Quảng Bình chỉ đạo phòng chống bão.

Quảng Trị: Gãy đổ nhiều diện tích cao su tiểu điền

Không phải là tâm bão đi qua nhưng bão số 10 gây ảnh hưởng nặng ở huyện Vĩnh Linh, phía bắc tỉnh Quảng Trị từ trưa cho đến chiều 30/9. Báo cáo nhanh của huyện Vĩnh Linh cho biết hơn 1.000 nhà dân và phòng học bị tốc mái, nặng nhất là các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp.

Ngoài ra, một diện tích lớn trong 7 ngàn ha cây cao su tiểu điền của người dân Vĩnh Linh bị gãy đổ mà chưa thể thống kê được thiệt hại. Tại xã Vĩnh Thái ở vùng cửa biển có đến 600 nhà bị tốc mái, 7 nhà bị sập. Ông Vũ Văn Phong, Chủ tịch UBND xã cho biết bão vào hồi 13h ngày 30/9 gây thiệt hại rất nặng cho toàn bộ 7 thôn của xã.


Vườn cao su ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị bị bão làm gãy ngang thân

Ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, bước đầu có hai người dân bị thương nặng do cây gãy đổ đè lên trong khi tham gia phòng chống bão, một người ở xã Vĩnh Thạch, người còn lại ở xã Vĩnh Nam.

Tại các vùng ven biển như Cửa Tùng, Vĩnh Thạch của huyện Vĩnh Linh sóng biển ầm ập đổ vào bờ cao hơn 3 mét. Tại bãi biển của thị trấn Cửa Tùng, gió thổi rất mạnh. Tại huyện đảo Cồn Cỏ cho biết bão vào làm tốc mái 2 ngôi nhà, trụ sở UBND huyện đảo cũng bị gió to đập vỡ kính, hư hỏng.

Tại huyện Gio Linh, Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Lân cho biết thống kê sơ bộ ban đầu có hơn 500 nhà dân bị tốc mái. Trong số 280 nhà dân ở xã Gio Mai được di dời đi sơ tán thì sau đó bão vào đã giật làm tốc mái đến 216 nhà. Diện tích cao su ở miền tây của huyện cũng gãy đổ nhiều chưa thống kê được.


Nhà dân bị bão đánh sập

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại Quảng Trị vào trưa 30/9 để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10. Ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị trong bão tố cho biết hơn 5.000 chiến sĩ là công an, bộ đội biên phòng trực chiến các vùng nhạy cảm, xung yếu giúp dân sẵn sàng ứng phó với bão đổ bộ vào. Tỉnh tập trung 70 xe cơ động, 50 ca nô phục vụ chống bão và dọn dẹp môi trường sau bão.

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị - Phó ban thường trực Ban chỉ huy PCLB- TKCN tỉnh cho biết do hoàn thành công tác di chuyển đồ đạc, sơ tán hơn 13 ngàn hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng ngập lụt đặc biệt nguy hiểm, vùng lũ quét, vùng sạt lở bờ sông đến nơi an toàn nên cho đến cuối giờ chiều 30/9 tuy chưa thống kê được nhưng chắc sẽ giảm thiểu được rất lớn về số người bị thương, bị hại do bão gây ra.

Ông Bài cho biết cuối ngày 30/9, bão số 10 không còn khả năng gây ảnh hưởng nặng tại Quảng Trị nữa nhưng lo ngại nhất là mưa lớn sau bão. Do vậy, các cơ quan ban ngành, huyện thị nhắc nhở người dân hết sức đề phòng lũ quét và lũ lớn, nhất định không được chủ quan.

Thừa Thiên- Huế "phòng thủ" kịp thời

Sáng 30/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác Chính phủ cùng lãnh đạo tỉnh TT-Huế đã đi kiểm tra khu vực bờ kè chắn sóng thuộc thôn Cồn Đâu (xã Hải Dương, thị xã Hương Trà). Tại đây, Phó Thủ tướng đã đánh giá cao nỗ lực của quân và dân cùng chính quyền xã Hải Dương trong việc triển khai di dời dân khỏi vùng nguy hiểm vào tránh trú bão an toàn.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nếu triều cường tiếp tục dâng cao hơn 4m và công tác di dời chống đê kè gặp khó khăn, cần huy động sự hỗ trợ của các lực lượng vũ trang của Quân khu 4 để giúp sức. Phó Thủ tướng yêu cầu đến 9 giờ sáng 30/9 tại tỉnh TT-Huế phải thực hiện di dời xong, các hộ dân ở vùng xung yếu ven biển, ven phá. 


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác phòng chống bão số 10 tại xã Hải Dương (thị xã Hương Trà, TT-Huế)

Trưa 30/9, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương cho biết, gió mạnh trên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, sóng biển cao hơn 2m. Triều cường làm nước biển dâng cao và gió mạnh đã làm tốc mái và sập đổ nhiều hàng quán ở Xóm Chợ, xóm Cồn Đâu. Nhưng toàn xã Hải Dương đã kịp di dời 150 hộ dân với gần 500 khẩu đến nơi an toàn.

Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có khoảng 80 hộ sống ven bờ biển là vùng xung yếu, dễ ảnh hưởng sạt lở ở hai thôn Hòa Duân và An Dương được di dời đến nơi an toàn.


Công tác di dời dân ở vùng xung yếu của huyện Phú Vang được khẩn trương

Triều cường dâng cao cùng gió quăng quật cũng đã làm sạt lở nhiều điểm và nhiều nhà dân mặc dù đã chằng chống nhưng vẫn bị tốc mái. Gió lớn cũng làm 4 nhà dân cùng hàng chục cột điện ở xã Phú Diên bị tốc mái và gãy đổ. Có hai người bị thương, hàng chục hồ tôm, cá bị thiệt hại do vỡ đê bao.

Tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, ông Trần Văn Giảng - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Thống kê ban đầu của UBND thị trấn đến 16 giờ chiều cùng ngày, ít nhất 76 ngôi nhà bị tốc mái, 2 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; một trường học và một khách sạn cũng bị tốc mái". Theo thông tin chúng tôi nắm được ban đầu, có hàng chục hồ nuôi tôm, cá ở Lăng Cô bị vỡ đê, thiệt hại rất lớn.


Chằng chống, gia cố khu nuôi trồng thủy sản

Tại huyện Phong Điền, tính đến chiều tối ngày 30/9, đã có 1.989/2.343 hộ dân ở các vùng xung yếu, ven biển, đầm phá được lực lượng chức năng di dời đến nơi an toàn. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, đến 9 giờ sáng, toàn tỉnh này đã di dời 3.378 hộ với 10.858 khẩu. 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.