| Hotline: 0983.970.780

Cứu Cụ Rùa bằng bèo Nhật Bản?

Thứ Sáu 04/03/2011 , 07:00 (GMT+7)

Ở vào thời khắc nước sôi lửa bỏng này, chúng tôi nhận được ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Lê Ái Vĩnh, giảng viên Khoa Sinh học - ĐH Vinh, Nghệ An, hiện đang nghiên cứu sinh tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) về biện pháp cải tạo môi trường sống cho Cụ Rùa bằng bèo Nhật Bản, nay mạo muội xin được hiến kế sách này để các nhà chuyên môn tham khảo.

Vậy là các nhà khoa học đã thống nhất được phương án chữa trị cho Cụ Rùa hồ Gươm sau nhiều ngày tranh luận căng như dây đàn. Dĩ nhiên, phía trước công việc đưa Cụ lên bờ hiện còn đang gặp muôn vàn khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Bên cạnh đó, môi trường nước hồ Gươm đang bị ô nhiễm nặng nề và chắc chắn là có ảnh hưởng đến sức khỏe Cụ Rùa.

Công việc dẫn dụ Cụ Rùa lên chân tháp để chữa bệnh đang được tiến hành khẩn trương.

Ở vào thời khắc nước sôi lửa bỏng này, chúng tôi nhận được ý kiến của thạc sĩ Nguyễn Lê Ái Vĩnh, giảng viên Khoa Sinh học - ĐH Vinh, Nghệ An, hiện đang nghiên cứu sinh tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) về biện pháp cải tạo môi trường sống cho Cụ Rùa bằng bèo Nhật Bản, nay mạo muội xin được hiến kế sách này để các nhà chuyên môn tham khảo.

Khi “thần tượng” lâm nguy!

Câu chuyện về Cụ Rùa và trái tim Thủ đô trở thành vấn đề thời sự trên hầu hết các mặt báo, trong câu chuyện ngõ ngách, vỉa hè của người dân khi những bức ảnh gần đây cho thấy Cụ đang bị thương rất nặng. Nhiều nhà khoa học nghi thủ phạm gây ra các vết lở loét trên mình Cụ không ai khác khác chính là lũ rùa tai đỏ táo tợn từng ngang nhiên ngồi chễm chệ trên lưng Cụ dạo quanh hồ Gươm trong một bức ảnh chụp trước đó không lâu. Người lại cho rằng nước hồ Gươm quá bẩn nên cụ mới bị “ghẻ lở” như vậy? Đến tận bây giờ, nguyên nhân khiến Cụ Rùa nổi lên bất thường có phải do đám sinh vật ngoại lai đáng ghét kia hay không còn chưa ngã ngũ, song “ngôi nhà” của Cụ bị ô nhiễm là điều có thể khẳng định chắc chắn, dẫu chỉ nhìn bằng mắt.

Cụ Rùa.

Những ngày này, các nhà khoa học từ khắp nơi đang ngồi lại với nhau tại Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội để trực tiếp điều hành và chỉ đạo công tác cứu Cụ Rùa hồ Gươm. Để cho chắc ăn, mọi phương án được đồng loạt triển khai. Đầu tiên là việc thử nghiệm các loại bẫy rùa tai đỏ tại hồ Mỗ Lao, Văn Quán, quận Hà Đông. Và hiện đang được tiến hành đại trà ở hồ Gươm nhằm tiêu diệt cho bằng hết lũ rùa tai đỏ dám “hỗn láo” với Cụ Rùa. Việc thứ hai, đó là chọn phương án tiếp cận và chữa trị cho Cụ Rùa. Có hai cách đang được thử nghiệm là đặt bẫy và làm đường dụ Cụ bò lên Tháp... Song song với hai công việc trên, Công ty Cấp thoát nước Hà Nội sẽ tiến hành nạo vét hồ Gươm bắt đầu từ tối 27/2.

Phương án lọc sạch nước hồ Gươm bằng bèo Nhật Bản thực tế chứng minh đã cứu được rất nhiều thủy vực bị ô nhiễm trong cả nước. Ví dụ như hồ Thạc Gián ở thành phố Đà Nẵng. Do không được quan tâm và sự thiếu ý thức của mọi người nên hồ Thạc Gián bị ô nhiễm hơn hồ Gươm gấp cả chục lần. Sau khi áp dụng nhiều biện pháp khắc phục không kết quả người ta đã định lấp nó đi. Tuy nhiên, sau khi đưa bèo Nhật Bản xuống hồ chỉ 6 tháng sau mùi tanh của tảo đã hết hẵn, hồ trong sạch như xưa và trở thành nơi hóng gió, uống nước lý tưởng cho bà con quanh vùng.

Theo ý kiến của một số nhà chuyên môn cũng như người dân quan tâm đến sức khỏe Cụ Rùa, rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra trong “canh bạc” cứu Cụ Rùa lần này? Thứ nhất, các nhà khoa học không thể bắt hoặc dụ được Cụ Rùa lên bờ. Giả sử nếu có bắt được chưa chắc đã chữa trị thành công thậm chí còn khiến Cụ lâm nguy hơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thiết bởi nếu không đưa Cụ lên bờ thì biết Cụ mắc bệnh gì mà chữa. Nhưng quan trọng nhất hiện nay là phải làm sạch môi trường hồ Gươm. Vì nhỡ sau này Cụ Rùa đi chữa bệnh trở về mà nhà vẫn bẩn sẽ khiến cụ mắc bệnh trở lại. Hoặc ít nhất môi trường trong lành ấy cũng giúp bệnh cụ không thêm trầm trọng trong trường hợp không bắt được Cụ.

Lọc hồ Gươm bằng bèo Nhật Bản?

Suy đi tính lại, phương án tối ưu nhất khắc phục tình trạng ô nhiễm tại hồ Gươm và chữa bệnh cho Cụ Rùa là làm sạch nước hồ. Nhưng cái khó ở đây là làm sạch hồ bằng cách nào? Trước đây, thành phố Hà Nội đã từng dùng công nghệ hút tách bùn song vấp phải nhiều ý kiến phản đối của các nhà khoa học vì làm mực nước hồ giảm đi. Xin nhấn mạnh rằng, việc xử lý môi trường nước ở hồ Gươm hoàn toàn khác với việc xử lý các ao hồ nuôi trồng thủy sản. Đối với ao nuôi thủy sản, việc xử lý môi trường nhằm tạo ưu thế cho một vài loài chủ đạo phát triển. Còn việc xử lý ao hồ đô thị mục đích chính là tạo nên sự cân bằng sinh thái và cơ bản giữ nguyên được thành phần các loài sinh vật sống trong đó. Có như vậy mới bảo tồn được tính đặc hữu vốn đã gắn liền với lịch sử và tên tuổi của từng ao hồ cụ thể.

Thạc sỹ Nguyễn Lê Ái Vĩnh.

Là một người con sống xa quê hương nhưng thạc sỹ Nguyễn Lê Ái Vĩnh thường xuyên truy cập internet theo dõi sát sao diễn biến, quy trình cứu Cụ Rùa hồ Gươm thời gian gần đây. Là một giảng viên khoa Sinh học chuyên nghiên cứu về vi khuẩn lam, từng có thời gian công tác tại Trung tâm Cứu hộ rùa Cúc Phương và hiện đang nghiên cứu sinh tại Nhật Bản nên anh Vĩnh hiểu khá rõ vấn đề Cụ Rùa hồ Gươm đang gặp phải hiện nay. Theo anh, hồ Gươm đang có hiện tượng nước nở hoa do vi khuẩn lam (tảo lam) sinh sôi nảy nở với mật độ quá dày. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do nước hồ tích tụ quá giàu chất dinh dưỡng, thêm vào đó là thời tiết sang Xuân ấm dần lên càng tạo điều kiện cho vi khuẩn lam phát triển mạnh và tạo nên một lớp màu xanh, nhầy nhụa mà chúng ta thấy trên mặt hồ.

Anh Vĩnh cho biết thêm, cách làm sạch hồ Gươm bằng việc bổ sung thêm nước đang áp dụng hiện nay chỉ là giải pháp tạm thời, không giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Nếu sử dụng công nghệ lọc nước cũng không ổn vì khi đó nước hồ Gươm sẽ trở thành “siêu sạch” và dễ gây ra sự mất cân bằng sinh thái. Giải quyết vấn đề này chỉ cần đặt ra mục tiêu là hút bớt chất dinh dưỡng ra ngoài, làm cho nước hồ trở về trạng thái bình thường, các loài sinh vật có sẵn trong hồ vẫn có thể sống hài hòa. Từ mục đích trên thạc sỹ Nguyễn Lê Ái Vĩnh cho rằng, việc sử dụng bèo Nhật Bản là một phương án khả thi.

Nếu triển khai mô hình làm sạch hồ Gươm bằng bèo Nhật Bản cần lưu ý chọn loại bèo đảm bảo sạch. Không để bèo lắng xuống hồ tránh việc phải xử lý sau này. Trong quá trình thực hiện có thể bố trí, sắp xếp bèo theo từng ô có khoa học để không làm mất mỹ quan. Cuối cùng, cần xây dựng quy trình thu gom và tiêu hủy bèo sau khi xử lý. Hoàn toàn không nên dùng bèo này ủ phân xanh để bón cho rau quả.

“Bèo Nhật Bản, hay còn có tên gọi khác là bèo Tây, Lục Bình có khả năng sinh trưởng rất nhanh, sau 2 tuần là sinh khối đã tăng gấp đôi. Vì vậy nhu cầu hấp thu các chất dinh dưỡng từ nguồn nước của nó là rất lớn. Nó còn có hệ rễ rất phát triển và dễ dàng để cho các chất bẩn, chất cặn lơ lửng trong nước bám vào. Nó thực sự đóng vai trò như một bộ lọc nước. Bằng cách này chúng ta đã mang được một lượng lớn các chất trong nước hồ Gươm ra ngoài”- anh Vĩnh chia sẻ.

Khi dinh dưỡng trong nước giảm xuống thì sự sinh trưởng của vi khuẩn lam gây độc cũng giảm xuống và nước hồ sẽ dần trở lại bình thường. Nhưng quan trọng nhất, bèo Nhật Bản không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ Gươm vì nó là loài “lành tính”, chúng không thể tiêu thụ cạn kiệt chất dinh dưỡng trong hồ, không có khả năng làm giảm pH của nước hồ Gươm xuống dưới ngưỡng 7.0 (thông thường, tùy theo mùa trong năm, pH của nước hồ Gươm dao động khoảng từ 7.0 – 9.0). Ngoài ra, độ che phủ của bèo trên mặt hồ được con người kiểm soát nên không ảnh hưởng đến sự quang hợp của các loài thực vật nổi khác. Mặt khác, bèo cũng không gây ảnh hưởng đến rùa hồ Gươm, so sánh với các biện pháp xử lý khác thì bèo Nhật Bản là giải pháp an toàn nhất, Cụ Rùa thậm chí còn muốn có ít bèo để trú ngụ những lúc Cụ muốn yên tính, tránh tiếng ồn ào từ phố phường xung quanh dội xuống.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.