Bản chuyển nhượng đất trái pháp luật do vợ chồng Thảo- Sơn lập để lừa bà Tới, ông Toàn. |
PV Báo NNVN đã về địa phương tìm hiểu, và thấy như sau: Năm 2006, ông Nguyễn Trường Sơn, SN 1968, hộ khẩu thường trú (HKTT) tại thôn Triều Đông, xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, cùng vợ là bà Vũ Thị Thảo, SN 1967, ở cùng địa chỉ với ông Sơn, thuê 1.637 m2 đất tại các thửa 272;273;308, tờ bản đồ số 8 bản đồ địa chính xã Cổ Đông năm 2003, có vị trí tại thôn Phúc Lộc, xã Cổ Đông, TX Sơn Tây, là đất công ích, do UBND xã Cổ Đông quản lí, để sản xuất.
Đến năm 2010, tuy thời hạn thuê đã hết, nhưng ông Sơn, bà Thảo không trả đất cho UBND xã, mà năm 2011 lại mang bán cho bà Vũ Thị Tới và ông Bùi Anh Toàn (SN 1965, HKTT tại số 58 đường Trần Nhân Tông, TP Hà Nội). Trong “văn bản thỏa thuận về việc mua bán tài sản” được lập ngày 8/3/2011 giữa vợ chồng ông Sơn và bà Tới, ông Toàn, ghi rõ “kể từ ngày 8/3/2011 bà Tới, ông Toàn được quyền sử dụng lâu dài và có đầy đủ các quyền theo quy định đối với 3 thửa đất nói trên”.
Giá trị chuyển nhượng QSDĐ 3 thửa đất nói trên được ghi trong văn bản là 500 triệu đồng, nhưng giá thực là 1,4 tỷ đồng. Văn bản này được mang ra UBND xã xin xác nhận. Điều hết sức lạ lùng là, tuy biết rõ 3 thửa đất nói trên, có 1.637 m2, là đất công ích do UBND xã quản lí, vợ chồng ông Sơn không được phép chuyển nhượng, nhưng ông Lương Đình Dũng, phó chủ tịch UBND xã Cổ Đông, không những không ngăn cản mà lại vẫn kí tên xác nhận việc chuyển nhượng đó?
Tuy đã nhận đủ số tiền 1,4 tỷ đồng do bà Tới, ông Toàn trả, nhưng vợ chồng Thảo- Sơn cứ lần lữa, bịa ra rất nhiều lí do không có thật để không giao đất cho bà Tới, ông Toàn, vì sự thực thì có đất đâu mà giao? Buộc lòng bà Tới, ông Toàn phải có đơn ra UBND xã.
Tại buổi hòa giải tổ chức tại UBND xã Cổ Đông, do ông Khuất Văn Xuyên, phó chủ tịch UBND xã Cổ Đông chủ trì, cùng vợ chồng Sơn- Thảo, bà Tới, ông Toàn, UBND xã đã kết luận “hợp đồng giao dịch chuyển nhượng QSDĐ là trái pháp luật. Vì vậy, hợp đồng đó vô hiệu. Yêu cầu các bên tự thương lượng với nhau, trả lại cho nhau những gì đã nhận của nhau”.
Cách giải quyết của UBND xã Cổ Đông thật lạ lùng. Tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là thẩm quyền của tòa án chứ đâu phải của UBND xã? Tòa chỉ tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu khi các công dân có những giao dịch hoàn toàn hợp pháp với nhau mà vì một lí do nào đó, hợp đồng bị tranh chấp.
Còn ở đây, vụ việc rõ ràng đã có dấu hiệu hình sự. Vợ chồng Thảo- Sơn đã có hai hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Thứ nhất là vi phạm điều 173 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai), và thứ hai là vi phạm điều 139 BLHS nói trên (tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Vì vậy, khi nhận được đơn, lẽ ra UBND xã Cổ Đông phải hướng dẫn bà Tới, ông Toàn gửi đơn tố cáo vợ chồng Thảo- Sơn đến cơ quan cảnh sát điều tra công an TX Sơn Tây để xử lí theo quy định của pháp luật, hoặc có công văn chuyển vụ việc đến công an TX Sơn Tây, với tư cách bị hại (vì UBND xã bị vợ chồng Thảo- Sơn chiếm đoạt đất đai mang bán) để bảo vệ tài sản của mình. Nhưng đằng này UBND xã lại nhúng tay vào giải quyết, coi đó là một giao dịch dân sự hợp pháp rồi tiến hành “hòa giải”.
Chính cách “hòa giải” lạ lùng đó của UBND xã Cổ Đông, mà cho đến nay vợ chồng Sơn - Thảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, còn bà Tới, ông Toàn vẫn “tiền mất, tật mang”.