| Hotline: 0983.970.780

Đã đến lúc, đặt giống lên hàng đầu

Thứ Sáu 27/03/2015 , 09:30 (GMT+7)

Nếu chúng ta không đặt vấn đề giống lên hàng đầu thì việc phát triển nông nghiệp theo chiều sâu trong tương lai sẽ rất khó khăn và khó thực hiện./ Không có giống tầm quốc gia

GS.TS Bùi Chí Bửu (ảnh) - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam - cho NNVN biết.

10-57-16_gs-ts-bui-chi-buu

Là người có nhiều năm nghiên cứu về giống cây trồng, ông có nhận định gì tình hình sản xuất và sử dụng giống cây trồng hiện nay?

Sự phát phát triển của các loại giống trong những năm gần đây rất có triển vọng. Nhưng để phát triển bền vững trong tương lai lâu dài thì không thể để như vậy được.

Chúng ta còn phải nhập khẩu giống quá nhiều, tình trạng người dân còn sử dụng giống trôi nổi thay vì giống xác nhận còn khá phổ biến.

Nói tới cây lúa là cây chủ đạo của các tỉnh ĐBSCL thì tỷ lệ người nông dân sử dụng giống xác nhận còn rất thấp, chiếm khoảng từ 30-35%. Còn lại sử dụng giống trôi nổi trên thị trường, khó kiểm soát được chất lượng, là nguyên nhân chính làm giảm thương hiệu hạt gạo Việt Nam.

Có những vùng do chưa hiểu biết nhiều về giống, người dân lấy riêng một khoảnh đất rồi gieo giống lúa và lấy hạt giống từ đó dùng cho những vụ sau. Họ quên mất rằng, để có được những giống lúa thật sự có năng suất cao cần phải chọn lọc rất kỹ, một bụi lúa có khi chỉ lấy được một cây tách riêng ra làm giống.

Cách sử dụng giống trôi nổi, giống tự sản xuất theo kinh nghiệm này làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng. Sử dụng giống tự sản xuất như vậy, qua hình thức lai chéo làm cho giống xuống cấp rất nhanh, chỉ sau vài năm là phải thay giống mới.

Hay đối với cây công nghiệp như hồ tiêu rất ít gia đình đi mua hom giống tại các cơ sở sản xuất mà tự lấy luôn những hom từ cây nhà làm hom giống luôn. Những hom giống này dễ bị sâu bệnh, chất lượng cũng như năng suất giảm thấy rõ sau một hai vụ.

Hiện nay có quá nhiều giống trên thị trường dẫn đến “loạn giống” khiến người nông dân khó có thể phân biệt đâu là giống tốt, đâu là giống kém chất lượng. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Có quá nhiều loại giống trên thị trường là do vấn đề quản lý giống chưa thật chặt chẽ. Việc không quản lý giống khiến giống thoái hóa, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất cũng như khả năng chống chọi sâu bệnh.

Ví dụ như giống lúa thuần OM 4900 nổi tiếng là cho năng suất cao và cơm rất ngon, nhưng do quá trình tự để giống, năng suất giảm sau một vài vụ, cơm bị khô, khiến một loại giống lúa quý bị dân quay lưng.

Một thực tế, hiện nay có rất ít các mặt hàng nằm trong danh mục khảo kiểm nghiệm quốc gia, chỉ có 8 loại như: cây lương thực: lúa, ngô; cây rau: cà chua; cây công nghiệp ngắn ngày: lạc, đậu tương; cây công nghiệp dài ngày: chè, cà phê; cây ăn quả: cam, dứa...

Trong khi đó rất nhiều giống có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu đứng hàng đầu như điều, hồ tiêu… và rất nhiều cây ăn trái có giá trị lại không nằm trong danh mục. Mà không nằm trong danh mục thì rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến “loạn giống”, gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp.

Do vậy chúng ta cần phải có những công ty, những cơ sở chuyên sản xuất giống được cấp phép và chịu trách nhiệm trước nhà nước. Những nơi sản xuất tự phát, không được cấp phép phải bị xử lý.

Qua đó quản lý giống chặt chẽ hơn, nếu không sự nhập nhằng về giống còn dài dài.

Chúng ta vẫn còn rất ít giống có bản quyền. Việc không có bản quyền các loại giống ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển nông nghiệp?

Chúng ta còn nhớ bài học của TP.HCM về sản xuất hoa Mokara. Hoa Mokara là giống của Thái Lan nhưng khi trồng ở TP.HCM lại rất đẹp so với khi trồng ở Thái Lan, nhưng khi chúng ta xuất khẩu thì bị dính bản quyền gây nên không ít khó khăn.

"Ngoài việc quản lý chặt chẽ về sản xuất giống, Chính phủ khi cung cấp tiền nghiên cứu khoa học không nên nặng về nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu thực dụng nữa. Thay vào đó nên có những nghiên cứu cơ bản để cho ra những giống có bản quyền và chất lượng; tiến tới công nghiệp hóa trong sản xuất giống" (GS.TS Bùi Chí Bửu).

Hay như lan hồ điệp khi chúng ta xuất khẩu phải trả tiền bản quyền cho Đài Loan và Hàn Quốc… Cho thấy giống có xác nhận bản quyền vô cùng quan trọng.

Riêng thị trường rau thì sản lượng rau đạt trên bình quân đầu người 120-124 kg/người/năm. Trong khi đó bình quân của thế giới là 90 kg/người/năm. Tính ra như vậy mình đã dư 30-34 kg/người nếu lấy số đó nhân với 90 triệu dân mỗi năm mình dư trên 2 triệu tấn, dư sức để xuất khẩu.

Có thể cho thấy thị trường xuất khẩu rau của chúng ta rất tiềm năng. Nhưng vì mình lệ thuộc giống nhiều, khi mình xuất đi lại phải trả tiền bản quyền về giống nên dẫn đến khó xử.

Hằng năm mình vẫn xuất khẩu rau ở số lượng rất khiêm tốn nếu không muốn nói là không đáng kể.

Vậy để thoát khỏi vòng vây bản quyền giống, theo ông chúng ta nên làm gì lúc này?

Vấn đề về giống là rất cần thiết nếu muốn tiến tới phát triển bền vững. Nếu không đặt vấn đề giống lên mặt trận hàng đầu thì việc hướng tới phát triển bền vững về nông nghiệp trong tương lai sẽ gặp không ít khó khăn.

Là nước có truyền thống, kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp lâu năm nhưng hiện nay chỉ có 8 mặt hàng nằm trong danh mục khảo nghiệm quốc gia là quá ít.

Chúng ta thiếu những khu nghiên cứu, sản xuất giống có quy mô lớn để tạo ra những giống mới có chất lượng. Đã đến lúc cần đặt vấn đề giống lên hàng đầu nếu không muốn bị phụ thuộc vào giống của các nước.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Kem Thủy Tạ ra mắt 2 vị kem mới tại Lễ hội 2024

Ngày 20/4, Công ty CP Thực phẩm Thủy Tạ tổ chức 'Lễ hội Kem Thủy Tạ 2024' tại Nhà hàng Thủy Tạ Legend, số 1 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội.