| Hotline: 0983.970.780

Tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa bị bỏ quên?

Đã được ghi nhận

Thứ Ba 27/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Căn cứ theo quy định, thì cụ Vũ Hữu Thuyết và ông Vũ Văn Ry hoàn toàn đủ điều kiện để được xét công nhận là "Lão thành Cách mạng"./ Tham gia cách mạng tiền khởi nghĩa bị bỏ quên?

Cụ Vũ Hữu Thuyết đã mất năm 1978, còn ông Vũ Hữu Ry mất năm 1994. Anh Vũ Hữu Thường cho biết, năm 2001, anh có đơn và hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét duyệt công nhận “Lão thành Cách mạng” cho thân sinh của mình là ông Vũ Hữu Ry.

16-12-38_sch-lich-su-dng-bo-x-gi-phu
Sách “Lịch sử đảng bộ xã Gia Phú (thời kỳ 1947-2010) xuất bản tháng 10/2011

Đơn và hồ sơ đó anh Thường đã chuyển cho ông Nguyễn Văn Thái, cán bộ phòng nội vụ huyện Gia Viễn, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hồi âm. Và từ đó đến nay, anh Thường cũng không biết cơ quan nào giải quyết việc đó để đến gõ cửa.

Năm 1976, khi cả cụ Thuyết và ông Ry còn tại thế, một số cán bộ tham gia cách mạng trước năm 1945 đã có bản xác nhận việc bố con cụ Thuyết đã tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ này.

Cụ Nguyễn Quang Thiều, nguyên cán bộ hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, nguyên Phó bí thư Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBHCKC huyện Gia Viễn, năm 1976 là cán bộ Bộ Lương thực- Thực phẩm, xác nhận: “Tôi, Nguyễn Quang Thiều, tức Bằng Phi, là cán bộ đang công tác tại Bộ Lương thực-Thực phẩm, chứng nhận gia đình anh Vũ Hữu Ninh (ông Ninh là em ruột ông Ry, năm 1976 đang công tác tại Công ty Vận tải ven biển Việt Nam) đã có những đóng góp vào cách mạng như sau: Gia đình là cơ sở của đồng chí Đỗ Cường Hy (tức Ái) những ngày tiền khởi nghĩa.

Lúc đó đ/c Hy là Bí thư Huyện ủy huyện Gia Viễn nhưng đã mất năm 1947. Anh ruột anh Ninh là Vũ Hữu Ry tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ tiền khởi nghĩa và khi dành được chính quyền vẫn tiếp tục công tác trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc huyện Gia Viễn. Bố anh Ninh là Vũ Hữu Thuyết cũng tham gia một số công tác địa phương và đã làm ủy viên UBHCKC huyện Gia Viễn một số năm. Thời kỳ tiền khởi nghĩa tôi là một cán bộ hoạt động ở vùng này. Sau khi dành được chính quyền, tôi là Phó bí thư Huyện ủy và từ cuối năm 1946 tôi là Bí thư kiêm Chủ tịch UBHCKC huyện Gia Viễn…”.

Cụ Lương Nhân xác nhận: “Tôi, Lương Nhân, hiện nay là thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam, chứng nhận gia đình ông Vũ Quang Ninh (Vũ Hữu Ninh) con ông Vũ Hữu Thuyết, thôn Ngô Đồng, xã Gia Phú, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, là cơ sở cho cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Vì lúc đó tôi hoạt động cách mạng trong thời kỳ bí mật, có biết và đi lại, lấy gia đình này (ông Thuyết) làm nơi liên lạc…”.

Năm 2001, các cụ Lão thành Cách mạng Lê Ánh (tức Lê Đồi), Trần Học Hải (tức Chung), Bùi Văn Lương tiếp tục có bản xác nhận (theo mẫu số I) xác nhận cả cụ Vũ Hữu Thuyết và ông Vũ Hữu Ry đã tham gia hoạt động cách mạng, gánh vác công tác ở địa phương từ thời tiền khởi nghĩa dành chính quyền tháng 8/1945.

Sách “Lịch sử Đảng bộ xã Gia Phú” (giai đoạn 1947-2010), do BCH Đảng bộ xã Gia Phú biên soạn, xuất bản tháng 10/2011(GPXB số 22/GP-STTTTdo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình cấp ngày 5/10/2010) trang 16-17 ghi

“…Sau một thời gian tuyên truyền, giác ngộ, ngày 1/6/1943, đồng chí Bính (Dân) và đồng chí Minh (Dâng) tổ chức kết nạp các anh Hoàng Đình Bình, Đinh Hữu Thương, Vũ Hữu Ry vào tổ chức cứu quốc và thành lập tổ Việt Minh xã Đoan Bình (thôn Đoan Bình thuộc xã Gia Phú hiện nay). Tổ Việt Minh họp, đề ra các nhiệm vụ sau:

- Phát động phong trào cách mạng trong xã, đấu tranh chống thuế, chống thu thóc nộp cho quân đội Nhật, chống nhổ lúa trồng đay, chống bắt phu bắt lính, chống đàn áp bóc lột. Trước mắt tập trung cao độ chống đói.

- Tích cực tuyên truyền kết nạp hội viên, mở rộng thành lập các tổ chức cứu quốc, khi có điều kiện, thời cơ, sẽ khởi nghĩa dành chính quyền.

- Khẩn trương thành lập các tổ tự vệ cứu quốc, luyện tập quân sự gây thanh thế cho Mặt trận Việt Minh.

Đến tháng 2/1944, đồng chí Ất và đồng chí Bính chỉ đạo thành lập trung đội tự vệ xã Đoan Bình gồm 16 người, xã Ngô Đồng gồm 14 người... Đến giữa năm 1945, đội tự vệ phát triển, vũ khí có 4 khẩu súng trường, hơn 100 viên đạn, mỗi người có dao găm hoặc kiếm, mã tấu…”.

Cũng sách lịch sử trên, trang 39-40 ghi “Ngày 22/6/1949, các xã Phượng Hoàng, Liên Huy, Duy Tân lãnh đạo tổ chức bầu cử HĐND xã mới mang tên Gia Thịnh, gồm 8 thôn là Tế Mĩ, Bồ Đình, Rư Đồng, Liên Huy, Trình Phú, Huy Nguyên, Đoan Bình, Ngô Đồng. Tháng 7/1949 HĐND xã Gia Thịnh bầu UBHCKC xã gồm 9 ủy viên, đồng chí Vũ Hữu Thuyết làm chủ tịch UBHCKC xã…”.

Trang 215 ghi danh sách các vị giữ chức chủ tịch UBHCKC, UBND các thời kỳ của xã, ghi cụ Vũ Hữu Thuyết giữ chức của tịch UBHCKC xã Gia Thịnh từ năm 1950-1952.

Theo quy định thì trong trường hợp người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa không còn giữ được những giấy tờ chứng nhận đã hoạt động cách mạng thời kỳ đó, muốn được xét công nhận "Lão thành Cách mạng", cần được 2 người đã được công nhận "Lão thành Cách mạng" cùng hoạt động trong thời kỳ đó, xác nhận.

Và theo quy định tại điểm d, khoản 1, điều 6 của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, thì “Lịch sử Đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản” là một trong những căn cứ để công nhận người tham gia hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, từ đó xét công nhận "Lão thành Cách mạng".

Căn cứ những quy định trên, thì cụ Vũ Hữu Thuyết và ông Vũ Văn Ry hoàn toàn đủ điều kiện để được xét công nhận là "Lão thành Cách mạng" và được hưởng những ưu đãi quy định trong Pháp lệnh trên.

Kiến nghị các cấp có thẩm quyền của tỉnh Ninh Bình khẩn trương xem xét hai trường hợp này theo đúng quy định của Nhà nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất