| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm bản thân ứng phó mùa mưa lũ

Thứ Sáu 23/10/2020 , 13:31 (GMT+7)

Tôi không xin chị tư vấn chị điều gì lúc này. Chỉ muốn gửi đến chị mấy suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi, của riêng tôi về lũ lụt như một bài báo nhỏ.

Thưa chị Dạ Hương,

Là một người không ở trong rốn lũ năm nay, dù không bị ngập lụt, tôi cũng như bao người Việt Nam lúc này, tôi không thể rời mắt khỏi ti-vi trong ngày và tâm trí mình cũng không thôi suy nghĩ về lũ lụt đau thương mà dân miền Trung chúng tôi chịu đựng. Tôi không xin chị tư vấn chị điều gì lúc này. Chỉ muốn gửi đến chị mấy suy nghĩ và kinh nghiệm của tôi, của riêng tôi về lũ lụt như một bài báo nhỏ.

Chị ạ, ở quê tôi không thường xuyên nhưng cũng năm thì mười họa lũ lại đến hỏi thăm. Ngày xưa, qua lời bố tôi, ông bà tôi luôn sẵn sàng một con thuyền nhỏ để chèo đi tiếp lương cho những người kẹt trên mái nhà trong lũ.

Nó ấn tượng đến mức, mỗi khi nhớ về mẹ mình, bố tôi vẫn chỉ kể về những năm ấy. Với tôi, không biết vì sao, lũ lụt khiến tuổi thơ của tôi mong ngóng trong niềm phấn khích.

Rồi tôi đi học đại học, công việc thuyên chuyển nhiều nơi, cuối cùng đứng tuổi, về trường của huyện nhà cho tới khi về hưu thì về hẳn xã nhà, dạy học thêm và chăm sóc mộ phần cùng hương linh bố mẹ, tổ tiên.

Có lẽ tôi bắt đầu nghĩ tới nhà chống lũ sớm nhất ở xã tôi. Tôi mơ điều này từ lâu rồi nhưng khi đó chưa đủ kinh tế để lo cho bố mẹ mình. Ngôi nhà ngói cũ, mảnh vườn nhiều hoa là nơi bố mẹ tôi sống tuổi già và lần lượt ra đi, khi ấy tôi đã về trường huyện, vợ chồng tôi đã ở rất gần ông bà nhưng nói chuyện nhà chống lũ, gia tộc hàng xóm đều phì cười.

Nghe mưa lũ, người dân như con kiến với thời tiết bèn dắt trâu bò lên núi gửi, ở nhà chuẩn bị đưa đồ đạc lên chạn, thế thôi.

Vì sao không làm nhà cho người và nhà cho trâu (bò dê) riêng? Năm năm trước, tôi tự thiết kế nhà chống lũ. Hai đứa em gái của tôi ở trong Nam ra thấy thích quá, nói anh ơi, làm nhà cho dê nữa đi anh (tôi nuôi con dê nái). Thế là, tôi thành mô hình.

Tôi lấy vị thế Hiệu trưởng trường huyện, học trò tôi đương chức nhiều, tôi xui chúng nói Ngân hàng phải cho bà con vay để làm nhà chống lũ. Vay được chị ạ, thế là các xã bên cạnh học theo làm theo.

Nhưng khi có Nhà chống lũ thì lũ chỉ về ở ngoài đồng, chưa khi nào lũ vào trong sân gạch nữa chị. Có lẽ vì đường bê tông đã cao hơn, đường ngõ xóm cũng đã bê tông hết cao ráo lên, nhà nhà sân gạch, tường gạch.

Nhưng tôi vẫn cho rằng nhà chống lũ còn để ở được hàng ngày, nhất là mùa hè, nhà cao, nền gạch sáng, thoáng, đỡ nóng. Nhà cho trâu bò là cái kho cho thóc gạo hạt giống, hữu ích chứ không phí phạm gì đâu.

Mong rằng, sau trận lũ lịch sử năm nay, người dân ở vùng thiệt hại nặng gượng dậy và rồi sẽ phải nghĩ đến Nhà chống lũ. Nhất là chính quyền phải có chủ trương đến Ngân hàng cho vay rẻ và các nhà hảo tâm nên cho người dân cái cần câu ấy. Vấn đề phải giải quyết được từ gốc như thế chị ạ.

Tôi cho rằng dân mình sống năm nay tính năm ấy, khi lũ bỗng dữ lên khác thường thì lại mất sạch. Như năm nay, hàng chục năm qua mới lại có lũ lịch sử này, với họ, nếu Nhà chống lũ mà để mười năm không có lũ lớn, họ nghĩ, ấy là chôn tiền, phí tiền.

Người ta luôn nghĩ ngắn chị ạ. Dân nghĩ ngắn nhưng chính quyền phải nghĩ dài cho dân, đúng không chị?

****************

Bạn thân mến!

Lá thư đành phải cắt bớt để cho tôi viết mấy dòng cảm kích. Cảm ơn bạn đã viết thư như bài báo để chia sẻ nỗi lòng và kinh nghiệm với người dân vùng lũ. Rất cảm ơn bạn. Tôi cũng thấy rằng, ngoài việc rừng bị mất, còn vì bấy lâu nông thôn bị rỗng những con người có chất xám.

Trí thức như bạn không về, thanh niên học hành thành đạt xong, không về. Nông thôn toàn những người yếm thế, dân trí thấp. Qua hình ảnh, chúng ta thấy những ngôi nhà hai tầng ở nông thôn đều nằm trên vị trí cao, dân dưới thung ở thấp, nhà thấp, lút mái. Quá tội.

Vậy nên, tôi nghĩ như bạn, ngay sau đây, chính quyền và các nhà hảo tâm đã phải lo cho những nơi trũng và nghèo ấy những cái Nhà chống lũ. Nhà có chân hay nhà phao còn tùy, nhưng không thể sống như bấy lâu nay được nữa rồi.

Và thuyền, phải có thuyền cao su, hoặc thuyền bằng gỗ hoặc bằng vật liệu gì đó để đi lại các nhà trong nước ngâp, cứu nhau, hỗ trợ nhau.

Và áo phao, mỗi người đều phải có, áo phao không bao nhiêu tiền, ấy là do ý thức của dân và cả sự lơ là của chính quyền.

Một cách sống khác từ khu vực hay lũ lụt. Trước hết phải từ cách nghĩ. Cảm ơn bạn lần nữa.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất