| Hotline: 0983.970.780

Hốt hoảng tương lai làm dâu nhà 'mẹ góa, con trai một'

Thứ Năm 26/11/2020 , 20:48 (GMT+7)

Cháu và T yêu nhau từ khi cũng nhau làm cao học. Cùng lứa cùng tuổi. Nay thì cả hai vào 28 cả rồi, định cưới.

Cô kính mến!

Nhưng có một biến cố hồi năm kia khiến tương lai không như cháu hình dung cô ạ.

Số là ba mẹ của T ở Đồng Nai, không xa thành phố lắm. Đang yên lành, bỗng ba T bị ung thư phổi, sáu tháng thì qua đời. Ở nơi ấy ông và bà có căn hộ nhỏ, có bà con nội ngoại của T cũng khá đông.

Vì công việc ở thành phố, T ít về với mẹ, bà lui cui hương khói, đau buồn rồi cũng có vẻ yếu đi nhiều. Ở đây T sống nhà thuê, share với bạn, ba người một căn hộ cũng khá dễ chịu.

Cháu thì ba mẹ khá giả, đã mua cho cháu và em trai cháu một căn hộ khi cả hai lên Sài Gòn học. Thi thoảng T đến đây ăn với hai chị em, có khi ngủ lại, em cháu đã xem T như anh rể.

Thực sự trong câu chuyện tương lai, T không nói gì, có lẽ T nghĩ chắc đến với cháu và em trai, sống cùng nhau cho tiện. Nhưng mẹ T cả nghĩ, bàn với T là mãn tang ba T xong, sẽ bán nhà ở Đồng Nai, lên tìm mua chung cư trên đây và cháu sống với T, dĩ nhiên là có cả mẹ T nữa.

Bây giờ thì việc ấy đã khởi động, nhà đang bán, nhà ở Sài Gòn đang tìm. Cháu hơi hốt hoảng. Cháu phải làm dâu rồi, sống cả đời như vậy hay sao? Nhiều người mẹ góa vẫn sống một mình được mà, đúng không cô?

Ba mẹ cháu có tiềm lực, có ý, sẽ mua cho em trai cháu căn hộ khác khi nó lấy vợ, căn hiện tại sẽ là của cháu. Cháu muốn được nghe cô, làm sao có vẹn cả đôi bên.

---------------------

Cháu thân mến!

Rõ một thực tế rằng bên cháu khá giả, rất khá giả, còn bên T chật vật, hẩm hiu. Vì vậy nên cháu yêu con trai một và không nghĩ khả năng làm dâu, không bao giờ, đúng không?

Có một quy luật tâm lý ở con trai Việt Nam thế này: khi họ độc thân, họ lơ mơ chữ hiếu, họ khá xa cách gia đình, họ qua loa bổn phận…nhưng khi đưa về một cô gái là vợ, họ sẽ khác, như từ cực này sang cực khác.

Bỗng dưng họ hiểu ra một vị thế, một mái nhà, một tình cảm mà họ sẽ phải cầm trịch suốt đời: tổ tiên, bàn thờ, dòng giống, gia đình, vợ con.

Vậy đó, tâm lý này vừa tích cực cũng có màu sắc tiêu cực, nó phản ảnh văn hóa ngàn đời người Việt, đạo nghĩa, gia phong.

Bỗng dưng người phụ nữ thấy trời ơi, gánh vác và gánh vác mãi mãi à trời? Biến cố không ngờ ở nhà T đã khiến tâm lý của cậu ấy đến nhanh hơn, quyết đoán hơn, đem mẹ theo lên thành phố. Và việc ấy đã hình thành.

Cháu có “thối thoát” được không? Yêu nhau là không nề hà, không sợ gì hết. Vì sao phải sợ cảnh sống chung với mẹ chồng? Mẹ góa, anh thương, em là vợ của anh, em thương tất cả những gì anh thương, là sai sao, là ít nữ quyền sao, là trái đạo lý sao?

Cháu ạ, đành rồi. Nhà ba mẹ của cháu cho, cứ để đó, cho thuê và lấy tiền nữa rồi mình sẽ nuôi con, mình tự có khoản thu nhập ấy, quá tốt.

Bước vào nhà chồng, mẹ T muốn thế, nhà của ba mẹ T, đón cháu vào, việc ấy thiêng liêng và quan trọng, cả với cháu nữa.

Thuyền theo lái, gái theo chồng, muôn đời là vậy. Nhưng mẹ góa, mẹ sẽ đổi tính, hãy chuẩn bị sống như hai người bạn, không phải mẹ ruột mà vẫn là mẹ. Cứ bình tâm, vin vào tình yêu mà bước đi, không có gì băn khoăn đến mức hốt hoảng cả.

Nhắc nhỏ, đây, sẽ cưới. Sẽ làm dâu. Sẽ có tâm lý tự nhiên là nhà tôi khá nhà anh đạm bạc. Không so sánh, không lớn lối. Sau hôn nhân là giận hờn linh tinh đủ thứ, đừng bao giờ buột ra miệng mẹ anh thế đó, nhà anh rớt mồng tơi nhá. Chết chết, không cứu vãn được nhé.

Con trai một, mẹ góa, chắc chắn là phải chung sống mẹ chồng, gọi là chạy trời không khỏi nắng. Lại nhắc thêm, bếp núc là cái tổ kén của mẹ và nàng dâu. Nên nhanh nhẩu cái miệng mẹ ơi mẹ à, làm sao, mẹ thích gì, mẹ ăn gì, mẹ dạy con với. Thi thoảng con dâu biếu bà ít tiền, đừng mua lung tung về biếu, cho tiền mẹ thích nhất.

Và đêm vắng, mẹ góa, vợ chồng tha thiết nhẹ nhàng, kẻo mẹ mất ngủ, mẹ chạnh lòng. Và cũng nên cảnh giác mẹ ganh vì mẹ thấy mất đứa con trai mà mẹ yêu quý nhất trên đời. Nhớ nhé.

Tốt nhất, giờ cứ sống thế đã, làm có tiền, mua căn hộ bên cạnh hoặc gần nhất để mẹ có tự do mà con cháu cũng có tự do. Chuyện ấy phải định hàng 5 năm hay 10 năm, không sao cả. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm