| Hotline: 0983.970.780

Đà Nẵng: Khu dân cư bị xâm thực, bao giờ được di dời?

Thứ Năm 08/04/2010 , 10:26 (GMT+7)

Chờ mãi chẳng thấy được di dời, bão số 9/2009 ập đến, các ngôi nhà ven biển ở đây gần như bị xoá sổ.

Những ngôi nhà bị sóng biển xâm thực từ bão số 6 năm 2006

Bão số 6/2006 có hơn chục ngôi nhà ở tổ 44 phường Hoà Hiệp Nam quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vừa bị sập đổ vừa bị sóng biển xâm thực ngoạm mất một phần. Sau bão, người dân ở đây khắc phục bằng cách xây lại các bức tường đổ, che chắn ở tạm chờ bố trí tái định cư nơi khác. Chờ mãi chẳng thấy được di dời, bão số 9/2009 ập đến, các ngôi nhà ven biển ở đây gần như bị xoá sổ.

Đến nay, khi bão số 9 đã lùi xa hơn nửa năm, nhiều hộ vẫn phải tá túc ở nhà bà con. Hộ không biết nương tựa vào đâu tiếp tục che chắn lều tạm bám trụ trên nền đất cũ. Tất cả họ đều kiên nhẫn chờ bố trí tái định cư.

66 hộ với 257 nhân khẩu của tổ 44 phường Hoà Hiệp Nam định cư tại vùng cát sát biển cách đây chừng trên 10 năm. Tại đây không chỉ có nhiều ngôi mộ xen lẫn giữa khu dân cư mà cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Đường nội bộ là những lối nhỏ chỉ cát và cát. Hệ thống điện tạm bợ, nước sinh hoạt đời sống hàng ngày phải dùng nước ngầm tại chỗ. Nghề nghiệp chính của người dân ở đây là đánh bắt hải sản bằng thuyền thúng, chiều hôm trước ra khơi sáng hôm sau về thu nhập chẳng đáng là bao. Hiện tại hơn 90% hộ ở tổ dân phố này thuộc diện nghèo.

Hiện nay ở khu dân cư này, dấu tích của thiên tai vẫn còn in đậm. Nhiều ngôi nhà chỉ còn nền và chơ vơ mấy bức tường nham nhở. Phía biển, tuy lâu ngày cát đã bồi lấp nhưng sự tàn phá của sóng biển xâm thực vẫn còn nguyên.

Nhà bà Nguyễn Thị Gòn chỉ trơ nền đất. Cả gia đình bà đã đến ở nhờ nhà bà con từ bão số 9/2009 đến nay. Hàng ngày, từ tinh mơ bà quảy gánh ra bãi biển chờ các ghe thuyền về mua cá đưa ra chợ. Ngày khấm khá chỉ kiếm ba bốn chục nghìn vừa đủ mua gạo, thức ăn cho gia đình 4 nhân khẩu. Sát đó, hộ anh Nguyễn Quang Ánh không biết ở nhờ vào đâu đành che tạm mấy tấm tôn để ở. Tôn rách, để ngăn nước mưa, phía trên giường ngủ anh chăng tấm bạt cũ. Cả gia đình 4 nhân khẩu tá túc trong ngôi nhà tạm chỉ khoảng 10 mét vuông. Trong nhà, có lẽ tấm đệm đặt giữa nền đất làm giường và chiếc ti vi cũ có giá nhất.

Đứng từ xa trông nhà anh chẳng khác nào lều chăn vịt. Anh Ánh cho hay: Hồi ra ở đây, nhà khá kiên cố, tường xây kiền bằng bê tông hẳn hoi. Bão số 6/2006, tôn bay hết, phía sau nhà bị sóng xâm thực cắt mất chừng 3 m. Sau bận đó, tôi xây bịt bức tường phía sau vẫn ở như thường. Bão số 9 năm ngoái nhà bị sập hoàn toàn và sóng xâm thực gần hết. Nhà tạm này làm tại sân nhà cũ. Hỏi anh về chuyện xây nhà, vẻ mặt đượm buồn anh tâm sự: Lấy tiền đâu mà xây cho được? Bao nhiêu vốn liếng đã đầu tư xây nhà trước rồi. Ai cũng mỏi mắt chờ đợi từ năm này sang năm khác mà chẳng thấy động tĩnh gì.

Thực ra, giải quyết hậu quả thiên tai ở tổ 44 phường Hoà Hiệp Nam, chính quyền các cấp và các cơ quan ở Đà Nẵng đã tính tới từ lâu. Tuy vậy, hơn 3 năm kể từ bão số 6 và hơn nửa năm kể từ bão số 9 việc di dời số hộ này vẫn chưa triển khai. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng sớm thực hiện chính sách di dời các hộ dân ở vùng sạt lở ven biển đến nơi ở mới theo chủ trương của Nhà nước để họ sớm thoát khỏi cảnh sống tạm bợ hiện nay.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất