| Hotline: 0983.970.780

Đà Nẵng: Quyết liệt với nạn cháy rừng

Thứ Năm 04/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Nếu như năm ngoái, vào thời điểm này trên lâm phận Đà Nẵng đã xảy ra hơn 10 vụ cháy gây thiệt hại khoảng 120 ha rừng các loại, thì năm nay chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. 

Giải pháp nào mà Đà Nẵng khống chế được nạn cháy rừng?

Trước hết phải thấy rằng, các vụ gây cháy rừng trong năm 2014 được đưa ra xét xử công khai có tác động răn đe và là lời cảnh báo nghiêm khắc cho những ai còn coi thường, xem nhẹ công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR).

3 đối tượng gây ra vụ cháy tại rừng đặc dụng Bà Nà- Núi Chúa, gây thiệt hại hơn 100ha đã phải chịu hình phạt 10 năm tù và buộc bồi thường 1,152 tỷ đồng. 3 đối tượng khác gây ra vụ cháy 2,1ha rừng tại xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) chịu hình phạt 9 năm tù cho hưởng án treo.

Ông Võ Sơn, trưởng thôn Hòa Hải, xã Hòa Phú cho rằng: Ít ai nghĩ hành vi gây cháy rừng khi xử lý thực bì chịu hình phạt nặng như vậy. Qua vụ án gây cháy rừng này, ai nấy đều thấm thía về cái giá phải trả cho sự lơ là trong công tác PCCCR.

Thực ra, từ trước đến nay, việc xử lý thực bì của người dân còn khá tùy tiện, thường không lập đường ranh cản lửa. Thậm chí có trường hợp không xin phép và xử lý thực bì cả những lúc cao điểm nắng nóng.

Từ ngày 3 đối tượng gây cháy rừng chịu hình phạt thích đáng của pháp luật đến nay, công tác PCCCR tại địa phương chuyển biến rất rõ nét. Nhận thức của người dân trong lĩnh vực này đã thay đổi đáng kể.

Đi liền đó, cơ quan kiểm lâm và chính quyền các địa phương có rừng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp khả thi trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

Trong đó, giải pháp được chú trọng nhất đó là lực lượng chuyên trách tăng cường công tác tuần tra, cảnh giới lửa rừng vào những ngày nắng nóng.

Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu là một trong những đơn vị làm tốt công tác này. Với 2.810, 8 ha đất lâm nghiệp, năm 2014 xảy ra 6 vụ cháy rừng, thiêu rụi 24,3 ha rừng. Năm nay, mặc dù thời tiết nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng cấp V (mức rất nguy hiểm), song đến thời điểm này rừng Liên Chiểu vẫn an toàn.

Ghi nhận của chúng tôi trong những lần đi thực tế tại rừng cảnh quan Nam Hải Vân, lực lượng kiểm lâm và hợp đồng bảo vệ rừng tổ chức thành các tổ nhóm tuần tra, canh trực rất chu đáo.

Trao đổi về công tác này, ông Nguyễn Văn Truyền, Hạt trưởng kiểm lâm cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết với 13 cơ quan, đơn vị; 23 tổ dân phố, 97 hộ dân, hạt đặc biệt chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát trên vùng rừng.

Thời điểm nắng nóng, kiểm lâm địa bàn phối hợp với đội phản ứng nhanh và các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng tuần tra, canh trực đến nơi đến chốn. Nhờ vậy, các trường hợp sử dụng lửa sai quy định tại rừng, xử lý thực bì vào thời điểm nắng nóng, đốt vàng mã tại các am thờ, đều bị phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Bằng nhiều hình thức, cơ quan kiểm lâm đã triển khai công tác tuyên truyền về PCCCR trong cộng đồng dân cư và đã tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm của mỗi người dân.

Hiện tại, đang là giai đoạn cao điểm của nắng nóng, khô hanh, nguy cơ cháy rừng rất cao. Rừng đang treo trước mặt giặc lửa. Nhưng với những giải pháp khả thi đã và đang triển khai, tin chắc rừng Đà Nẵng sẽ tiếp tục bình yên.

Cùng với việc phát các bản tin về cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên đài truyền thanh địa phương, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang còn sử dụng ô tô có gắn loa phóng thanh tuyên truyền lưu động trong các thôn xóm, nhất là tại các xã miền núi.

Các buổi hội họp của khu dân cư, kiểm lâm địa bàn đều phối hợp lồng ghép tuyên truyền về PCCCR. Hàng chục bảng “cấm lửa” gắn tại các vùng rừng nguy cơ cháy cao cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân và khách du lịch về công việc quan trọng này.

Vào giai đoạn nắng nóng, cơ quan kiêm lâm nghiêm cấm tuyệt đối việc đốt xử lý thực bì để trồng rừng và làm nương rẫy. Thực ra, các năm trước, việc nghiêm cấm xử lý thực bì cũng đã đặt ra, song việc thực hiện không nghiêm túc, dẫn đến không ít vụ cháy rừng do người dân đốt gây nên.

Năm nay, tùy theo tình hình thời tiết, cơ quan kiểm lâm và chính quyền các địa phương thông báo đến tận cơ sở về thời gian cấm đốt xử lý thực bì. Kiểm lâm địa bàn và dân quân địa phương thường xuyên bám rừng, giám sát chặt chẽ hoạt động này. Các trường hợp cố tình vi phạm đều bị ngăn chặn kịp thời và xử phạt nghiêm minh.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết: Quyết liệt với tình trạng tùy tiện xử lý thực bì là cách ngăn chặn cháy rừng hiệu quả nhất. Từ đầu năm đến nay, cơ quan kiểm lâm đã phát hiện xử phạt 6 trường hợp đốt thực bì trồng rừng sai quy định.

Xã Hòa Bắc là địa phương làm tốt công tác này. Với hơn 2.000ha rừng trồng, mỗi năm xử lý thực bì 500-600ha, song xã không để xảy ra tình trạng cháy rừng nào.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.