| Hotline: 0983.970.780

'Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết'

Thứ Sáu 01/04/2016 , 20:09 (GMT+7)

Đó là nội dung đáng chú ý trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trước Quốc hội chiều 1/4.

5 năm tới đầu tư cho nông nghiệp 83.000 tỷ là quá ít

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, những con số về ngành nông nghiệp trong 5 năm qua đã phần nào nói lên sự quan tâm, cố gắng của cả hệ thống chính trị.

Dù có rất nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã tăng 3,1%, vượt chỉ tiêu đại hội Đảng đề ra; xuất khẩu nông sản tăng 9%, năm 2015 gấp 1,5 lần chỉ tiêu kế hoạch. Xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 3 năm nay có 1.761 xã đạt được, gần được 20% như chỉ tiêu năm 2015.

Theo ông Phát, những mặt được và tồn tại trong ngành đã được mổ xẻ tại nhiều diễn đàn, cuộc họp nào của Chính phủ cũng bàn tới, Quốc hội kỳ họp cũng nói tới và có cả nghị quyết.

“Tôi là một trong những người được Quốc hội quan tâm chất vấn nhiều, và tôi cũng giải trình nhiều. Nhưng đúng là tình hình chuyển biến chậm.

Vì thế nên tôi thấy rằng chúng ta phải quyết liệt hơn để tiếp tục có sự đổi mới một lần nữa trong nông nghiệp và thúc đẩy quá trình phát triển ở nông thôn. Theo tôi đã đến lúc chúng ta phải có một cuộc cải cách lần 2 với nông nghiệp”- tư lệnh ngành nông nghiệp nói.

Trong cuộc cải cách đó, ông Phát cho rằng phải có chính sách mới, tổ chức lại sản xuất và thực hiện đúng cam kết của Đảng, nghị quyết của Trung ương đã nói: Cứ sau 5 năm phải đầu tư tăng gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn. Đi liền với đó là hệ thống quản lý nhà nước hiệu quả cao, đổi mới cơ chế chính sách có tính quyết liệt cao hơn.

Khẳng định Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp, nhưng ông Phát nói trong điều kiện nguồn lực có hạn nên chính sách ngắn hạn chỉ giải quyết vấn đề từng phần. “Có nhiều chính sách như đại biểu nói, đã ban hành nhưng không có nguồn lực thực hiện.

Cần có những chính sách tạo ra môi trường thuận lợi hơn để nhân dân và doanh nghiệp làm ăn. Có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất. Rồi chính sách về thuế, tín dụng và nhiều chính sách khác nữa... Tôi nhất trí với dự thảo nghị quyết của phiên họp này là phải tăng đầu tư cho nông nghiệp”- ông Phát nói.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp tiết lộ, vừa qua Chính phủ có trao đổi, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã họp để quyết điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp.

“Với con số tôi được thông báo đến giờ này, 5 năm tới theo kế hoạch cũ đầu tư cho toàn ngành nông nghiệp thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 83.000 tỷ đồng thì đó là con số quá ít, và tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết, chỉ đạo thực hiện nghị quyết đó chặt chẽ và cũng bổ sung thêm nguồn lực.

Nhưng tôi nhắc lại không chỉ phụ thuộc vào đầu tư của ngân sách mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội”- ông Phát nêu quan điểm.

“Nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng, ông Cao Đức Phát khẳng định, Chính phủ và các bộ ngành đều nhận thức rõ yêu cầu của người dân và cảm nhận ngay từ chính những người xung quanh mình.

Chính vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các bộ ngành liên quan nỗ lực phối hợp thực hiện.

“Chúng tôi đang tập trung kiểm soát việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh. Vừa qua chúng tôi tập trung xử lý chất cấm mà dư luận đang bức xúc. Bước đầu khá thành công và đã giảm mạnh, triệt được nguồn nhập khẩu vào trong nước.

Đến nay việc sử dụng trong các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít, chỉ còn một số trang trại, hộ chăn nuôi lẻ thì chúng tôi đang cùng với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an xử lý tiếp và bắt tay vào chấn chỉnh việc sử dụng kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật. Làm từng việc một và triệt để.

Tiếp theo là hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và thông báo cho nhân dân biết”- ông Phát thông báo.

Đáng chú ý, ông Cao Đức Phát khẳng định: “Trong 5 tháng vừa qua chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn.

Vì thế có vấn đề rất lớn nên chúng tôi đang chỉ đạo là phải để làm sao giúp cho nhân dân biết được và yên tâm để tiêu dùng và tiếp tục ngăn chặn sản xuất thực phẩm không an toàn”.

Dân trí

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất