Kể từ lúc Covid-19 bùng phát lần hai khiến V-League tạm ngừng từ cuối tháng 7, nhiều ý kiến cứu vãn mùa giải được đưa ra.
Tích cực có, tiêu cực cũng không ít, nhưng tựu trung là chưa có đề xuất nào được thống nhất. Lo ngại lớn nhất là từ xã hội, khi dịch bệnh chưa được kiểm soát và có thể lây nhiễm tới bất cứ ai. Tương lai giải đấu và đội tuyển, cũng vì thế mà bỏ lửng.
Khi nhiều quốc gia khác không chịu ngồi yên, trong đó có các đối thủ ở vòng loại World Cup như Thái Lan, Malaysia, ngồi im tức là tụt lùi. HLV Park Hang-seo sốt sắng phải cho tập trung 48 cầu thủ U22 để rà soát, chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á và SEA Games 31. Các HLV khác đang dự V-League cũng bắt đầu bàn luận, xem liệu có thể học tập châu Âu cho đá tập trung các trận đấu còn lại hay không.
"Chúng tôi vẫn đang tập luyện bình thường và sẵn sàng cho ngày mùa giải trở lại. Theo tôi thì đá theo hình thức nào cũng được", HLV Phan Thanh Hùng của Than Quảng Ninh bày tỏ.
Cũng theo ông Hùng, châu Âu đã sử dụng biện pháp này và thành công. Việt Nam không lý gì lại không thử nghiệm. Vấn đề chỉ là làm sao chọn được địa điểm có nhiều sân bóng để tổ chức song song các trận đấu.
Chung quan điểm với ông Hùng, HLV Nguyễn Thanh Sơn của Becamex Bình Dương nhấn mạnh: "Chúng tôi nôn nóng thi đấu trở lại chứ ngồi một chỗ nhận lương thì không ổn, khó cho CLB lắm. Nếu tình trạng này kéo dài, lương toàn đội chắc chắn sẽ bị giảm một lần nữa".
Cũng theo ông Sơn, không riêng gì hai vùng phát dịch đợt này là Đà Nẵng, Quảng Nam, một số nơi khác như Hà Nội, Hải Dương cũng có nhiều ca bệnh.
Như vậy, có thể thấy rằng nhiều đội V-League vẫn muốn đá tiếp, thay vì sớm đề xuất hủy giải như nhóm 5 đội cuối bảng. Những ý kiến trái ngược đặt VFF và VPF vào lựa chọn, nên ngả theo phe nào.
Tất nhiên, không phương án nào an toàn, nhưng nhìn sự vui mừng của các cầu thủ châu Âu qua tivi, khi thấy họ gạt sang một bên ám ảnh mắc bệnh, hẳn nhiều đồng nghiệp tại Việt Nam thấy chạnh lòng.
Mới chỉ một, hai tháng trước, chúng ta còn là hình mẫu cho cả AFC lẫn FIFA về phòng chống dịch bệnh và nối lại giải đấu. Nhưng giờ, ngày ấy có lẽ đã rất xa.
Theo các chuyên gia bóng đá trong nước, ngoài dịch bệnh, cầu thủ, HLV và các đội bóng còn phải được tư vấn về mặt tâm lý, tránh nỗi lo nhiễm bệnh.
Tại Champions League và nhiều giải VĐQG châu Âu, sau khi đá lại vẫn có ca bệnh, nhưng họ vẫn đá tiếp. Tiêu biểu có trường hợp của Atletico. Hai cầu thủ đội một của CLB này phải cách ly, không sang được Bồ Đào Nha thi đấu.
Trước áp lực có thể bị xử thua, Atletico vẫn tham dự, dù với quân số ít hơn. Hay như trước đó, một CLB ở Đức có trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 ít ngày trước khi Bundesliga đá lại, nhưng rồi chỉ riêng những thành viên dương tính của đội này cách ly. Phần còn lại vẫn thi đấu như thường.
Dịch bệnh là thứ khó tránh nhưng tâm lý là thứ mọi người có thể chuẩn bị được. Châu Âu từng là ổ dịch lớn, nhưng vẫn cho CĐV hưởng niềm vui bóng đá. Việt Nam tại sao không?