| Hotline: 0983.970.780

Đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Đề nghị truy tố thêm 10 bị can liên quan

Thứ Bảy 20/08/2016 , 08:17 (GMT+7)

Ngày 19.8, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Ngân hàng Navibank liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm. 

Đó là: Lê Quang Trí, nguyên tổng giám đốc; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền, nguyên trưởng phòng pháp chế; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro; Trần Thanh Bình, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng; Đinh Thị Đoan Trang, nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng; Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ; Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên trưởng phòng kế toán.

Theo kết luận điều tra, tháng 4.2011, Lê Quang Trí chủ trì cuộc họp thống nhất chủ trương thông qua các nhân viên Navibank (nay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt) đứng tên gửi hơn 1.543 tỉ đồng vào Ngân hàng (NH) TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, đã nhận gần 76 tỉ đồng tiền lãi (với lãi suất 14%/năm). Riêng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng, Navibank giao cho ông Huỳnh Vĩnh Phát mở tài khoản riêng chuyển khoản 15 tỉ đồng. Số tiền này được Navibank mở sổ sách theo dõi và chuyển cho 47 cá nhân vay tiền để tất toán lãi vay khi đến hạn. Hành vi của những bị can này phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Huyền Như tại tòa phúc thẩm. ẢNH: NGỌC LÊ
 

Trước đó, ngày 7.1.2015, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, đã kiến nghị Viện KSND tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác minh làm rõ một số đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi vượt quá 10 lần lãi suất do NH Nhà nước quy định nhưng chưa bị khởi tố và trách nhiệm của một số cán bộ NH có dấu hiệu cố ý làm trái.

Sau khi điều tra xác định, đối với kiến nghị “hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CPTM và đầu tư Hưng Yên, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CPĐT An Lộc, Công ty bảo hiểm toàn cầu và Công ty CPCK Sài Gòn Bank Berjaya, để điều tra xét xử lại”, cơ quan điều tra cho rằng bản chất hành vi phạm tội và quá trình phạm tội của Như đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo.

Cụ thể, do cần tiền trả nợ, khi biết các công ty nói trên có tiền muốn gửi NH, Như đã giả danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, tự thỏa thuận với các nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ chi lãi suất và chi ngoài cao đến 36%/năm. Sau đó, Như làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Do các công ty trên cũng có chủ trương gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao trái quy định của pháp luật ngay từ đầu nên đã buông lỏng quản lý tài khoản, tạo điều kiện để Như lợi dụng trích chuyển tiền và chiếm đoạt hàng ngàn tỉ của các công ty trên.

Đối với kiến nghị khởi tố 7 người cho vay nặng lãi, chỉ đủ căn cứ khởi tố hành vi của Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung (kinh doanh bất động sản, ngụ TP.HCM). Trung đã cho Như vay với lãi suất 144%/năm, hưởng hơn 660 tỉ đồng tiền lãi suất. Trung đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra đối với Trung.

Ngoài ra, với đề nghị điều tra, xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo của Vietinbank chi nhánh TP.HCM là ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc), Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (đều là phó giám đốc) liên quan đến việc Như chiếm đoạt 1.419 tỉ đồng của 4 đơn vị là NH TMCP Á Châu, NH TMCP Nam Việt, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP ĐT và TM An Lộc, tài liệu điều tra xác định, theo quy định của NH Nhà nước và Vietinbank những người này không có trách nhiệm phải kiểm tra từng nghiệp vụ phát sinh tại phòng giao dịch.

Đến nay Vietinbank chưa thiệt hại về tài sản, nhưng liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của Như trong vụ án này, có 10 cán bộ NH đã bị xử lý hình sự. Để xảy ra hậu quả này do thủ đoạn phạm tội của Như tinh vi, do sự buông lỏng quản lý của chủ tài khoản, sai phạm của một số cán bộ Vietinbank nêu trên không thực hiện đúng quy trình trong việc huy động tiền gửi, chuyển tiền và cho vay. Kết luận điều tra cho rằng các lãnh đạo nói trên đã làm đúng trách nhiệm, không đủ căn cứ để quy kết tội thiếu trách nhiệm.

(thanhnien.vn)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm