| Hotline: 0983.970.780

Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng kiến nghị về 3 vụ án kéo dài

Thứ Ba 29/10/2019 , 09:14 (GMT+7)

Báo NNVN sau khi đăng bài “Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét giám đốc thẩm vụ án "buôn lậu" gỗ trắc” nêu kiến nghị của các đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Bình, Quảng Trị, thì Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết cũng đã đề nghị xem lại vụ án và thêm hai vụ án khác, đều kéo dài, có vụ hơn 16 năm.

Công văn do Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn ký ngày 25/10/2019, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội và Chánh án TAND tối cao “kiến nghị khắc phục vi phạm thủ tục tố tụng của các cơ quan tư pháp”.

Theo đó, trong tháng 9/2019, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng liên tiếp nhận được đơn kêu oan của nhiều người trong 3 vụ án có điểm chung nhất là đã xét xử nhiều lần, kéo dài từ 7 đến 16 năm mà vẫn tồn tại nhiều điểm bất hợp lý, không phù hợp với quy định của pháp luật.
 

Vụ "buôn lậu" gỗ trắc

16-03-54_2810191
Tại phiên tòa phúc thẩm, những người giám định lô gỗ trắc thừa nhận họ không có tư cách giám định tư pháp.

Vụ án này được Công văn đề cập trước tiên và ngay câu đầu viết: “Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật là đơn vị không có chức năng, thẩm quyền, chuyên môn, phương tiện để thực hiện chức năng giám định tư pháp theo luật định.

Theo quy định của pháp luật, cơ quan được trưng cầu giám định bắt buộc phải từ chối giám định. Tuy nhiên, cơ quan này không những không từ chối yêu cầu giám định mà ngược lại tiếp tục tự mình trưng tập người giám định của một cơ quan khác là Kiểm lâm vùng II, cũng không phải là Giám định viên tư pháp; đồng thời chủ trì, điều hành quá trình thực hiện và kết luận giám định”.

Về việc lấy mẫu giám định và áp dụng phương pháp giám định cũng vi phạm các quy định pháp luật. Cụ thể, về phương pháp giám định, Bộ NN-PTNT đã có quy định trong trường hợp lô gỗ của Công ty Ngọc Hưng thì phải đo để xác định khối lượng.

Thế nhưng, “Kết luận giám định có tại hồ sơ vụ án chỉ ra rằng Hội đồng giám định đã áp dụng phương pháp cân toàn bộ số gỗ 356.577kg và quy đổi ra khối lượng. Điều này là trái với quy định về mặt chuyên môn tại các quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nói trên.

Như vậy, có căn cứ cho thấy quá trình giám định, cơ quan giám định đã vi phạm pháp luật cả về mặt hình thức và nội dung; đồng thời kết quả giám định nói trên là không khách quan vì không đúng căn cứ khoa học và căn cứ pháp luật”.

Bản kết luận giám định sai toàn bộ ấy được sử dụng cho kết luận điều tra, cáo trạng và bản án kết tội. Vụ án khởi tố tháng 4/2012, qua nhiều lần điều tra và xét xử đến bản án phúc thẩm tuyên ngày 26/7/2019, buộc tội cho 4 người từ 9 tháng tù treo đến 7 năm tù giam. Còn lô gỗ trắc đã bị bán trong quá trình điều tra vào tháng 1/2014 được gần 64 tỷ đồng mà theo chủ lô gỗ là rẻ mất hơn 200 tỷ đồng “để tham ô”.

“Về nguyên tắc, mọi vi phạm pháp luật đều phải được khôi phục lại theo đúng trình tự, thủ tục, nội dung mà pháp luật quy định. Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng kiến nghị đồng chí Chánh án TAND Tối cao xem xét lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của hai cấp xét xử vụ án này”, Công văn kiến nghị.
 

Vụ "trộm cắp tài sản" ở rừng đặc dụng

16-03-54_2810192
Năm người tại khu rừng cưa cây khô, bị buộc tội trộm cắp.

Xảy ra tại rừng đặc dụng Đăk Uy – Kon Tum như sau: 5 người cưa trộm một cây gỗ trắc khô vào ngày 12/4/2016, bị phát hiện nên bỏ chạy, sau đó đầu thú. Tòa án huyện và tỉnh xử nhiều lần, bị TAND cấp cao tại TP Đà Nẵng hủy các bản án. Ngày 12/8/2019, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần thứ ba, tuyên phạt 5 người phạm tội trộm cắp tài sản, mỗi người từ 6 tháng tù treo đến 12 tháng tù giam.

Công văn của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng “nhận thấy, hành vi của 5 bị can tổ chức cưa cây gỗ trắc đã chết khô trong khu vực lâm phận rừng đặc dụng Đăk Uy, có khối lượng 0,1234m3.

Tuy nhiên, số gỗ nói trên là vật nặng, cồng kềnh (khác trường hợp vật nhỏ gọn, vật đặc định và tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự là tội có cấu thành vật chất) và vẫn chưa đưa ra khỏi rừng hoặc hàng rào bảo vệ của rừng (rừng đặc dụng Đăk Uy được đầu tư xây dựng hàng rào bảo vệ). Như vậy, trường hợp này cần cân nhắc xem hành vi của các đối tượng trong vụ án này đã đủ yếu tố cấu thành của tội trộm cắp tài sản theo luật định hay chưa”.

Tại phiên họp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ngày 11/8/2019, đại diện cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT khẳng định đến thời điểm xử lý vụ án, đã có trên 1.500 vụ việc tương tự và đều đã được xử lý về hành vi vi phạm các quy định quản lý và bảo vệ rừng.

“Như vậy ngay sau khi vụ án này được đưa ra xét xử thì đã làm nảy sinh hệ quả pháp lý mang tính tất yếu, đó là đã có hơn 1.500 vụ trộm cắp tài sản đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội. Việc này nếu đúng thì cần phải được Quốc hội giám sát ở cấp độ tối cao để có kết luận đầy đủ và các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải khôi phục lại trình tự tố tụng đối với 1.500 vụ nói trên. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị đồng chí Chánh án TAND tối cao xem xét lại việc đánh giá chứng cứ buộc tội đối với 5 bị án trong vụ án này để đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội theo trình tự giám đốc thẩm”, Công văn kết luận.
 

Vụ án làm đường Hồ Chí Minh

16-03-54_2810193
Nhiều người trong vụ án làm đường Hồ Chí Minh bị khởi tố khi còn trẻ nay đã già.

Vụ án kéo dài đã hơn 16 năm, đến nay chưa có cáo buộc cuối cùng. Nội dung, năm 2000, Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh ký hợp đồng giao TCty Xây dựng công trình giao thông 6 làm một đoạn. TCty này hợp đồng giao Cty 621 thi công và Cty 621 giao Cty Thanh Nam nổ mìn phá đá vị trí nằm dưới đường dây 500KV. Bộ GT-VT yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho đường dây 500KV, nên việc thi công phải điều chỉnh so với phương án được phê duyệt. Việc thi công đạt kết quả tốt, dự toán được Bộ trưởng Bộ GT-VT phê duyệt hơn 17 tỷ đồng và các bên tạm thanh toán hơn 14 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng, thi công không theo phương án phê duyệt nhưng thanh toán theo phương án được phê duyệt, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước nên đã khởi tố vụ án “Tham ô tài sản”, đến ngày 3/11/2005 đổi sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 14/4/2009, TAND tỉnh Kon Tum xử sơ thẩm tuyên các bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bản án sơ thẩm bị phúc thẩm ngày 22/7/2009 tuyên hủy.

Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an lại đổi tội danh sang “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 5/9/2018, TAND tỉnh Kon Tum xử lại sơ thẩm, cho rằng thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng, tuyên phạt 10 bị cáo từ 12 tháng tù treo đến 10 năm tù giam. Các bị cáo kêu oan, còn bản án gây tranh cãi vì số tiền hơn 14 tỷ đồng mới tạm thanh toán mà chưa quyết toán. Hơn nữa, căn cứ tính thiệt hại lại dựa vào Biên bản Nghiệm thu do Cơ quan CSĐT tự lập ra không đúng thực tế thi công, không có chữ ký và dấu của cơ quan thẩm quyền.

“Một nội dung khác cũng cần được làm sáng tỏ trong vụ án này đó là vụ án đã trải qua quá trình giải quyết hơn 16 năm. Vậy có hay không việc các cơ quan tiến hành tố tụng đã vi phạm pháp luật về tố tụng và những thiệt hại cho các bên liên quan trong vụ án này. Từ những phân tích nêu trên, nhận thấy việc các bị án có đơn kêu oan là có căn cứ. Về nguyên tắc những vi phạm pháp luật luôn luôn phải được khôi phục lại trật tự đúng đắn của pháp luật”, Công văn kết luận.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất