| Hotline: 0983.970.780

Đại biểu Quốc hội được bầu với tỷ lệ 'chọi' 1,74

Thứ Tư 27/04/2016 , 10:04 (GMT+7)

Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc giải đáp rằng những trường hợp như ông Trần Đăng Tuấn bị “trượt” ở hiệp thương vòng 3 là do các thành viên MTTQ VN có cái nhìn bao quát hơn.

​Đại biểu Quốc hội được bầu với tỷ lệ “chọi” 1,74
Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời phỏng vấn báo chí tại cuộc họp báo công bố danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV - Ảnh: Việt Dũng
 

>> Xem danh sách ứng cử viên đại biểu quốc hội tại đây


Chiều 26-4, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo, công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và các đơn vị bầu cử.

Theo đó, danh sách gồm 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội (trong đó có 11 người tự ứng cử) tại 184 đơn vị bầu cử để cử tri bầu ra 500 đại biểu Quốc hội. 

Theo tổng hợp của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, trong tổng số danh sách 870 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, có 197 ứng cử viên do Trung ương giới thiệu, 673 ứng cử viên do địa phương giới thiệu, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên một đại biểu Quốc hội.

Cơ cấu kết hợp người tự ứng cử cả nước như sau: Phụ nữ 339 người (38,97%); dân tộc thiểu số 204 người (23,45%); ngoài đảng 97 người (11,15%); tái cử 168 người (19,31%); dưới 40 tuổi có 268 người (30,8%).

Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số người ứng cử lớn nhất, mỗi địa phương có 50 người ứng cử để bầu 30 đại biểu Quốc hội. Có bốn tỉnh được bầu từ 10 đại biểu Quốc hội trở lên, bao gồm: Thanh Hóa bầu 14 đại biểu Quốc hội, Nghệ An 13, Đồng Nai 12 và An Giang 10.  

Dưới đây là các câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ và trả lời của ông Nguyễn Hạnh Phúc:

* Sau hiệp thương vòng 3, tỷ lệ người tự ứng cử được lập danh sách chính thức rất thấp, trong đó có không ít người tự ứng cử tuy đạt tín nhiệm cao tại các hội nghị cử tri nơi cư trú, nơi công tác, đơn cử như trường hợp ông Trần Đăng Tuấn, cũng không “lọt” qua vòng này. Điều đó cho thấy các kết quả hội nghị cử tri không có nhiều giá trị, theo ông có nên nghiên cứu sửa đổi luật, bỏ quy định về hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, để đỡ tốn kém thời gian và tiền của của nhân dân không?

- Hiệp thương vòng 3 rất quan trọng chứ không phải không có ý nghĩa, bởi vì sau các vòng hiệp thương thứ nhất, thứ 2 mới đến thứ 3 để lập danh sách chính thức, quyết định cuối cùng về lựa chọn người ứng cử chính thức. Hiệp thương lần thứ 3 trên cơ sở kết quả hội nghị cử tri nơi cư trú, nơi công tác, đánh giá toàn diện để quyết định cuối cùng.

Ở Hội nghị hiệp thương vòng 3 thì các thành viên của MTTQ có cái nhìn rộng hơn, chứ còn cử tri nơi cư trú hay nơi công tác thì chỉ nhìn ở nơi cư trú hay nơi công tác thôi. Ví dụ như trường hợp ông Trần Đăng Tuấn, tại hội nghị hiệp thương vòng 3 đạt tỷ lệ tín nhiệm thấp, có mười mấy phần trăm.

* Theo nguyên tắc đã được Hội đồng bầu cử quốc gia đề ra, thì các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ được phân bổ hợp lý, đảm bảo các vùng, miền, đặc biệt là những khu vực quan trọng, khó khăn đều có lãnh đạo Đảng, Nhà nước ứng cử, tránh tình trạng các lãnh đạo chọn địa bàn thuận lợi, bỏ địa bàn khó khăn. Xin ông cho biết nguyên tắc này đã được thực hiện như thế nào, cụ thể là các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ có những ủy viên Bộ Chính trị nào ứng cử?

- Trong danh sách thì các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được phân bổ đều khắp các vùng, miền. Các đồng chí “tứ trụ” đều ứng cử ở các vùng miền Bắc - Trung - Nam của chúng ta. Còn đương nhiên các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thì rải đều ở các vùng, miền. Các đồng chí trong Chính phủ, các bộ trưởng cũng phải đi vào các vùng sâu, vùng xa.

* Quyền bầu cử của những người đang bị tạm giam, tạm giữ đã được luật định, Hội đồng bầu cử có kế hoạch như thế nào để hướng dẫn các địa phương đảm bảo cho những người này thực hiện quyền của mình?

- Cử tri là người đang bị tam giam, tạm giữ, trong quá trình lập danh sách thì đương nhiên người ta được phép đi bỏ phiếu, bởi vì người ta chưa mất quyền công dân. Còn hình thức thế nào thì địa phương sẽ áp dụng, ví dụ họ sẽ đưa thùng phiếu di động đến tận nơi. Trong quá trình lập danh sách cử tri đều công khai, cho đến 24 giờ trước thời điểm bỏ phiếu thì danh sách cử tri vẫn được cập nhật.

(tuoitre.vn)

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.