| Hotline: 0983.970.780

Dai dẳng cuộc chiến chống tôm tạp chất: Doanh nghiệp là thủ phạm

Thứ Hai 02/08/2010 , 09:00 (GMT+7)

Từ chỗ là nạn nhân, không ít DN chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL lại trở thành thủ phạm khi tiếp tay cho tệ nạn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Họ sẵn sàng gây khó khăn cho lực lượng chức năng và tìm mọi cách để phi tang khi bị phát hiện.

“Từ chỗ là nạn nhân, không ít DN chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL lại trở thành thủ phạm khi tiếp tay cho tệ nạn đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu. Họ sẵn sàng  gây khó khăn cho lực lượng chức năng và tìm mọi cách để phi tang khi bị phát hiện”- Nhiều đại biểu đã khẳng định như vậy tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ngăn chặn việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vừa được Bộ N-PTNT tổ chức tại TP Cà Mau (Cà Mau) do Thứ trưởng Lương Lê Phương chủ trì.

Tôm tạp chất vẫn còn đất sống một khi DN còn tiếp tay.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng ra quân, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 20 DN tiếp tay cho tệ nạn đưa tạp chất vào tôm như thu mua, vận chuyển, chế biến… Tổng khối lượng tang vật bị tịch thu là 10.185kg tôm sú nguyên liệu và tôm đã chế biến thành phẩm. Điều đáng nói là trong số này, hầu hết đều là những DN xuất khẩu có uy tín và đã từng ký cam kết “nói không với tôm tạp chất”. Như vậy, có thể thấy, giữa nói và hành động thực tế là hoàn toàn trái ngược.

Thứ trưởng Lương Lê Phương nhấn mạnh, tệ nạn tôm tạp chất kéo dài dai dẳng hơn chục năm qua là do nhiều DN vẫn lén lút thu mua, chấp nhận sống chung với tôm tạp chất. Không ít DN nói rất mạnh tại hội nghị nhưng khi về nhà lại tiếp tay tiêu thụ tôm tạp chất. Trong khi đó, VASEP hiện vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình trong vấn đề này. Thứ trưởng chỉ đạo các địa phương cần phải nhanh chóng củng cố lại Ban chỉ đạo, Tổ đặc nhiệm và phải ra tay thật quyết liệt hơn nữa. DN nào vi phạm thì ngoài xử phạt còn phải đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng thì họ mới sợ. DN nào kiểm tra mà làm tốt thì cũng cần nêu gương điển hình, có hình thức khen thưởng thỏa đáng… Mỗi tỉnh nên chọn 1-2 DN, lập tổ thu mua tôm nguyên liệu sạch, giá cao để làm thí điểm.

Ông Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, cuộc chiến chống tôm tạp chất thời gian qua chưa thật sự hiệu quả là do không có sự triển khai đồng bộ, chỗ này nói không những chỗ khác vẫn thu mua. Vì vậy cứ chống chỗ này thì đại lý lại chạy đi chỗ khác để bán. DN vì sợ không có tôm chế biến nên bất chấp tất cả, sẵn sàng tiếp tay cho tệ nạn này.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau Nguyễn Thông Nhận cho biết, cuộc chiến chống tôm tạp chất ngày càng trở nên cam go khi nhiều DN vẫn lén lút tiếp tay cho tệ nạn này. Từ đầu năm đến nay, ngành đã xử phạt 135 vụ với số tiền lên đến cả tỷ đồng nhưng tình hình vẫn không giảm. Càng làm mạnh thì họ tìm cách tinh vi hơn để chống đối, thậm chí là tìm sơ hở của lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ để kiện ngược ra tòa. “Nên có thêm lực lượng công an vào cuộc thì mới mong hạn chế được tệ nạn này” - ông Nhận đề xuất.

Ông Ngô Văn Đảm, Giám đốc Trung tâm Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản vùng 5 (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng) cho biết, hiện có rất nhiều DN sẵn sàng chống đối ra mặt, dùng lực lượng bảo vệ để ngăn cản người của Trung tâm khi đến làm nhiệm vụ. Họ gây khó dễ, bắt làm rất nhiều thủ tục rườm rà rồi mới cho vào trong Cty. Mục đích là kéo dài thời gian để công nhân kịp tẩu tán hết tôm tạp chất. Thậm chí có vụ đã bắt được xe chở tôm tạp chất trong khuôn viên Cty, họ không chịu nhận mà đổ hết cho đại lý. Nhưng lại nhất định không chịu khai đại lý nào, ai đứng tên. Rồi tìm cách mở cổng cho xe chạy ra ngoài tẩu thoát. Ông Đảm cũng cho biết thêm, sở dĩ số lượng tang vật thu được ít là do lực lượng mỏng nên chỉ có thể giữ một số thùng làm bằng chứng. Trong khi đó, Cty có cả trăm công nhân, chỉ trong nháy mắt là họ tẩu tán, mang đi nơi khác.

Phía DN thì tìm cách tố ngược là mình đang bị cơ quan chức năng làm khó, đang mùa vụ mà kiểm tra liên miên gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Ông Ngô Việt Nga, TGĐ Cty CBTS XK Quốc Việt (Cà Mau) cho rằng, DN mình làm ăn chân chính, không tiếp tay cho tôm tạp chất. "Muốn kiểm tra thì DN sẵn sàng hợp tác nhưng phải đúng quy định, tôi đâu buôn bán ma túy mà anh cho người đi cửa thoát hiểm xông vào để bắt. Quy định vào nhà máy là phải mặc bảo hộ lao động, chứ anh đi từ ngoài xông vào tôm nhiễm vi sinh thì ai chịu trách nhiệm (?!)" - ông Nga lớn tiếng. Tuy nhiên, khi lý giải vì sao có tôm tạp chất trong khuôn viên nhà máy, ông Nga lại cho rằng đó là của đại lý mang vào, DN chưa kịp kiểm tra nên không thể biết và không chịu trách nhiệm.

Trái với lập luận này, một vị giám đốc (xin giấu tên) cho rằng, bao giờ đại lý đến bán hàng cũng phải liên hệ trước giá cả bao nhiêu, thời gian giao, nhận hàng… rồi mới cho chở hàng tới. Nên nói Cty không biết của ai là vô lý. Hơn nữa, tôm bị bơm chích tạp chất chủ yếu là tôm nuôi quảng canh, sản lượng không nhiều nên rất dễ kiểm tra. Không thể đổ cho nhiều quá nên kiểm tra không kịp.

Lực lượng chức năng bắt giữ tôm tạp chất.

Nhiều DN yều cầu cần phải cho phân khu tiếp nhận nguyên liệu ra thành 2 khu, chỗ nào kiểm tra rồi thì DN mới chịu trách nhiệm, còn lại là của đại lý. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng đây chỉ là chiêu bài để DN dễ bề đối phó với lực lượng chức năng. Vì khi có đoàn kiểm tra họ chỉ cần xô hàng qua bên kia ranh giới là coi như phủi trách nhiệm. Về vấn đế này, ông Đồng Văn Út, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Bạc Liêu nêu quan điểm, ai là người sở hữu thì người đó phải chịu trách nhiệm. Ở trong khuôn viên Cty của anh, anh nói là của đại lý thì anh phải biết họ ở đâu, tên gì. Còn anh không chỉ ra được thì anh phải chịu trách nhiệm.

Đại diện cho Cục An ninh nông nghiệp nông thôn (Bộ Công an) thì cho rằng, DN có chống chế tới đâu thì cơ quan chức năng cũng làm rõ hành vi gian lận được. Tôi bắt tận tay trong nhà máy anh có tôm tạp chất, hàng anh xuất đi có tạp chất bị đối tác trả về thì không thể chối cãi. (Từ đầu năm đến nay, đã có rất nhiều lô tôm tạp chất bị đối tác Nhật Bản trả về, trị giá hơn 1 triệu USD). Theo vị đại biểu này thì phải coi hành vi đưa tạm chất vào tôm nguyên liệu là hành vi gian lận thương mại, xử phạt thật nặng, thậm chí là xử lý hình sự, tiêu hủy toàn bộ tang vật (hiện tôm bơm Agar vẫn được tịch thu để tái chế lại) thì mới đủ sức răn đe.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất