| Hotline: 0983.970.780

Đại điền, giấc mơ hiện hữu: Trở lại Thanh Miện

Thứ Tư 14/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

Trước sức ép của SX lớn, trước tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, giờ đây ở nông thôn đã manh nha hình thành những người tích tụ đất kiểu mới với nhiều khía cạnh tích cực…

Ký ức buồn

“Họ bị trói giật cánh khỉ, quỳ dưới đất, dưới trời nắng chang chang của mùa hè, không được đội mũ nón trong khi đấu tố, dăm mười phút, những cán bộ cốt cán tham gia cuộc đấu tố lại vung cao tay, miệng hô: “Đả đảo bọn phản động gian ác”, “Đả đảo bọn địa chủ cường hào” kích động lòng căm thù của nhân dân…

Mẹ tôi bị đấu ở đình làng, những người đấu tố nhảy xồn xồn, xỉa xói: “Mày có biết tao là ai không?”, “Mày là địa chủ bóc lột”… Mẹ tôi lao động một ngày hơn 18 giờ, nhiều hơn bất cứ một nông dân nào. Tôi không thể hiểu, có người tháng trước còn nói với mẹ tôi: “Nhờ được cô giúp, gia đình tôi mới qua được vụ đói”, chỉ tháng sau, họ đã xỉa xói: “Mày hút máu, hút mủ bà con nông dân”.

Ở xóm dưới, có người bịa, tố “địa chủ” vốn là hàng xóm: “Lần nào tao sang giã gạo nhờ, mày cũng hiếp tao ngay tại cái cối giã gạo, mày còn nhớ không?”… Có người cháu 12 tuổi chỉ tay vào mặt ông nội mình “Mày có biết bà là ai không?”.

Đó là ký ức đau buồn của ông Trần Quý Lộc, nguyên cán bộ Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Hải Dương) về cuộc đấu tố hơn nửa thế kỷ trước. Nhưng đấy là thủa tấc đất được coi là tấc vàng, nhà nhà đói kém còn bây giờ khi thóc gạo ê hề, giá cả rẻ rúng, ruộng đồng nhiều nơi bị bỏ hoang thì chuyện tập trung, tích tụ đất đai để đưa cơ giới vào đã trở thành một quy luật tất yếu.

Sau khi NNVN đăng tải loạt bài “Mối lo làng quê” (năm 2013) thì mấy chục đoàn báo chí, truyền hình về xới đi xới lại vấn đề nông dân huyện Thanh Miện (Hải Dương) làm đơn xin được… bỏ ruộng. Dư luận cứ sùng sục lên như dầu sôi trong chảo. Chuyện lan từng ngõ ngách. Chuyện vào đến tận bàn nghị đàm của các Đại biểu Quốc hội.

Chung quy lại có mấy nguyên nhân của bỏ ruộng: Thứ nhất là cấy lúa không hiệu quả; thứ nhì là không tập trung được đất đai; thứ ba là không có lao động và cuối cùng là tính toán kém… Mỗi sào lúa cấy hái thủ công kiểu “chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” lạc quan mà nói chỉ lãi 100.000 - 200.000 đồng nếu thuận mưa, vừa nắng, không bị sâu bệnh còn không sẽ thâm thủng vào không những tiền đầu tư phân gio giống má, mà còn là mồ hôi và hi vọng.


Cảnh cấy cày thủ công đã vắng bóng

Ở Đồng bằng sông Hồng giờ đây nông dân coi cấy hái không phải là nghề tạo ra kinh tế mà chẳng qua chỉ là cách đong thóc rẻ một chút, bớt thuốc sâu đi một chút cho gia đình mà thôi. Chán ruộng là phải.

Chuyển biến không ngờ

Nhận thấy vấn đề bức xúc, Thanh Miện dồn sức đẩy mạnh công cuộc dồn điền đổi thửa (DĐĐT) để trong một thời gian rất ngắn trở thành lá cờ đầu của toàn tỉnh, được nhiều huyện khác, tỉnh khác đến học tập, tham quan.

Tôi lại gặp Bí thư Đảng ủy xã Lam Sơn Nguyễn Thị Thoa. Chị phấn khởi cho biết tình trạng ruộng đồng manh mún, cơ sở vật chất nội đồng bất cập của địa phương mình đã được giải quyết hết nhờ có DĐĐT. Giờ đây độ rộng mỗi thửa của Lam Sơn trên 50m. Cứ hai thửa lại có một con mương rộng 1,5m để tưới tiêu chủ động. Cứ hai thửa lại có một bờ to tối thiểu 3m để máy móc đi lại dễ dàng. Cả cánh đồng thẳng thớm, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Cái thay đổi trên đồng ruộng chưa thể sánh với cái thay đổi trong tư duy dân chúng. Lúc đầu xã định làm điểm DĐĐT ở thôn Lam Sơn nhưng chỉ có 60% hộ đồng ý. Anh em chụm đầu vào bàn, nếu ép dân thì dễ thành điểm nóng nên chuyện DĐĐT năm 2013 coi như bỏ. Cán bộ từ xã cho đến Ban phát triển các thôn được đưa đi tham quan mô hình ở nơi khác để đúc kết kinh nghiệm. Việc tuyên truyền tính toán chi li. Họ chia ra xem các hội, các đoàn thể còn bao nhiêu người chưa đồng ý thì đến ghi nhận ý kiến tại sao không.


Nông dân đã phần nào nặng lòng với đất

Thì ra phần đa dân lo chuyện đóng góp bởi riêng chỉnh trang đồng ruộng thôi đã mất 6-7 triệu đồng/ha chứ chưa nói đến làm đường nội đồng. Trong khi đó tỉnh, huyện, xã hỗ trợ chưa đến một phần ba thì hơn hai phần ba còn lại chẳng lưng nông dân thì ai đỡ? Sợ đóng góp cũng chỉ là một lý do, nông dân chần chừ chưa muốn DĐĐT còn là bởi thu nhập từ SXNN không được bao nhiêu, bởi một số đã có ruộng tốt rồi không muốn chuyển đổi, bởi không có lao động để cấy…

Mỗi thôn, đội họp lên họp xuống 10-15 buổi, tính ra cả xã có không dưới 70 cuộc họp về DĐĐT. Có nhiều cuộc tuyên truyền, đích thân Bí thư xã phải xuống thôn thuyết phục: “Nếu bây giờ các bác chỉ cần bỏ ra 3 triệu đồng chỉnh trang lại đồng ruộng thế nhưng trước đây một mẫu của bác cho không cũng chẳng ai nhận nhưng cũng một mẫu ấy giờ cho thuê mỗi vụ một sào 20 kg thóc, một năm 4 tạ thóc thì đã có 2 triệu. Như vậy chỉ hơn một năm đã đủ tiền đóng góp rồi…”. Lời nói có lý, có tình ấy được chấp nhận.

Lam Sơn 100% dân chúng đồng tình. Sau DĐĐT nhiều gia đình không chỉ nhận vài mẫu công điền của tập thể mà còn gom góp ruộng của anh em không có nhu cầu để cấy. Các thôn khác thấy vậy cũng đua nhau. Có những nơi chưa cần chờ tiền hỗ trợ của nhà nước mà dân đã xuất tiền túi ra luôn để làm cho kịp. Bảy hộ từng làm đơn xin trả lại ruộng của xã giờ không còn ai.

Tôi đến nhà ông Hồ Sĩ Vinh ở thôn Thọ Xuyên, người từng viết đơn xin trả lại ruộng. Ông bà có bốn người con gái, hai lấy chồng xa, hai lấy ngay trong xã nhưng chẳng đứa nào muốn nhận thêm ruộng của bố mẹ chúng. Bần cùng bất đắc dĩ, hai người nông dân già, cả một đời gắn bó với ruộng đồng, với mùi bùn tanh, phân thối đã xin trả mảnh ruộng 828 m2. Giờ DĐĐT ruộng đó ông bà không có sức cấy thì đã có người khác xin cấy thế chân.

Tôi gặp ông Bùi Văn Thận cùng thôn, cũng từng làm đơn xin trả lại 3 sào ruộng thì ông vui mừng cho biết mới nộp 900.000 đồng để DĐĐT. Mấy sào ruộng lầy thụt, xa xôi trước đây của ông bà có cho chẳng ai thèm giờ đã có người thuê lại với giá 20 kg thóc/sào/vụ. Thế nhưng DĐĐT cũng có một số người không vui. Đó chính là cánh lái máy cày cỡ nhỏ với mấy chục chiếc.


Vợ chồng ông Bùi Văn Thận nay không còn trả lại ruộng mà đã cho thuê

Nếu DĐĐT bờ lô sẽ to ra, thửa ruộng sẽ lớn thêm những máy móc nhỏ sẽ không còn đất diễn nên họ cản phá dữ dội. Họ cắm nêu, cắm cọc tre để ngăn những người có ruộng bên trong không thể đưa máy vào qua đất của mình. Họ tuyên truyền rỉ tai từng nhà, từng người để cản phá. Nhưng vài hòn đá tảng làm sao ngăn được cả một con sông lớn? Mọi thứ vẫn băng băng. Để hôm nay, bà con hởi lòng, hởi dạ mỗi khi ngắm những chiếc máy cày to lớn xịt khói chạy qua, chạy lại trên đồng sâu, ruộng cạn.

Toàn huyện Thanh Miện có 17/19 xã đã và đang tiến hành DĐĐT. Bình quân trước 5,3 thửa/hộ giờ rút xuống còn 1,7 thửa/ hộ, diện tích mỗi thửa nâng lên 1.230m2. Kết quả đẹp như mơ mà ngay cả người hoạch định ra nó trước đây cũng không ngờ lại đến nhanh như thế.

Không còn cảnh ruộng đồng bị bỏ hoang. Không còn cảnh cứ chuẩn bị đến thời vụ là lãnh đạo xã lại đôn đáo toát mồ hôi giao cho các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh phải cấy cho bằng được số ruộng nông dân để trống.

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.