| Hotline: 0983.970.780

Đại gia chuỗi cá tra biến mất: 'Hai nội dung cốt lõi' trong xử lý nợ

Thứ Năm 09/03/2017 , 09:15 (GMT+7)

Có một vấn đề đặt ra, hiện nay người nào có đủ tư cách pháp lý làm đại diện cho Tafishco để tham gia thực hiện phương án xử lý nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt?

Như NNVN đưa tin, sáng 7/3, tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang họp với 10 hộ nuôi cá đã thống nhất được phương án xử lý các khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra, hiện nay người nào có đủ tư cách pháp lý làm đại diện cho Tafishco để tham gia thực hiện phương án xử lý nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt?

Trước khi biến mất vào cuối tháng 10/2016, vợ chồng ông bà chủ Tafishco (Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) chỉ ủy quyền cho Phó TGĐ Hoàng Hữu Thành điều hành trong năm 2016. Hồi tháng 1/2017, trình phương án tái cơ cấu Tafishco để duy trì hoạt động và trả nợ, ông Thành ký chỉ với cương vị “đại diện cho tập thể người lao động của công ty”.

Vấn đề này, Tổ trưởng tổ xử lý nợ của UBND tỉnh An Giang, GĐ Sở Công thương Võ Nguyên Nam nói rõ “đó là một trong hai nội dung cốt lõi để xử lý khoản nợ cho vay thí điểm”. Hai vấn đề này đã đề cập trong phương án xử lý nợ được thống nhất: có người đại diện theo pháp luật của Tafishco để nhận nợ và không để nợ vay của 10 hộ chuyển sang nợ xấu.

Chính vì vậy, tổ xử lý nợ đang kiến nghị UBND tỉnh An Giang “cử hoặc chỉ định người đại diện cho Tafishco để nhận nợ”. Quyết định việc này cần trên cơ sở tham khảo ý kiến của các ngành pháp luật như tòa án, viện kiểm sát và Sở KH&ĐT tỉnh. Khi có đại diện hợp pháp của Tafishco thì mới có đủ tư cách “phối hợp đối chiếu, truy đòi công nợ của Tafishco để tạo nguồn trả nợ cho các hộ trong chuỗi liên kết và Agribank An Giang theo đúng quy định của pháp luật”.

Còn để nợ vay của 10 hộ nuôi cá không chuyển thành nợ xấu, tổ xử lý kiến nghị chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh An Giang có công văn đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Lý do ở đây, chuỗi liên kết Tafishco là thí điểm nhưng không thành công, cần sự hỗ trợ đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước để giải quyết. Khi chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ chỉ đạo Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia không chuyển khoản nợ vay của các hộ thành nợ xấu.

Cụ thể, với 10 hộ thực hiện chuỗi, dư nợ ở Agribank An Giang được cấn trừ số tiền cá nuôi theo chuỗi đã giao cho Tafishco là 57.514 triệu đồng. Khoản tiền này khi diễn ra việc đối chiếu chính thức giữa ba bên: hộ dân-Tafishco-Agribank An Giang sẽ chuyển thành nợ của Tafishco với Agribank An Giang. Khoản nợ cũng được dừng tính lãi từ ngày 19/11/2016 là ngày đại diện Tafishco gửi tờ trình xử lý nợ nần.

Thực hiện được “hai nội dung cốt lõi” trên, các hộ thực hiện chuỗi liên kết Tafishco không còn dư nợ và nợ xấu, không còn trách nhiệm trả nợ cho Agribank An Giang. Khi đó, giá trị tài sản thế chấp 22.035 triệu đồng của 10 hộ được trả lại, các hộ tiếp tục được vay tiền, nuôi cá tra bình thường.

Xem thêm
Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024: Giảm tới 730 đồng/lít

Giá xăng dầu hôm nay 25/4/2024 đồng loạt giảm. Trong đó, giá xăng mất khoảng 300 đồng, còn giá dầu giảm tới 730 đồng.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

WinCommerce hướng đến mục tiêu 4.000 cửa hàng vào cuối 2024

Ngày 25/4/2024 tại TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Masan và hai công ty thành viên Masan Consumer, Masan MEATLife đồng tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024.

Bình luận mới nhất