| Hotline: 0983.970.780

"Đại gia" dưa miền Tây

Chủ Nhật 15/02/2015 , 06:13 (GMT+7)

Nhờ SX các loại dưa phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, nhiều nông dân có nguồn lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng chỉ với diện tích 2.000 m2, cao gấp nhiều lần so với các loại nông sản khác.

Dưa hấu mô lục bình

Năm nào cũng vậy, khoảng đầu tháng 7 (âm lịch) gia đình ông Nguyễn Thành Em ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) lại tất bật mua hạt giống để chuẩn bị cho mùa vụ. Việc chọn hình thức canh tác và chọn giống cũng là một trong những yếu tố quyết định lợi nhuận cho toàn vụ.

Dưa hấu chủ yếu được trồng trên nền đất liếp độn lục bình nên cũng trong khoảng thời gian đó, mọi người trong gia đình ông này lại bận rộn vớt lục bình thả vào mương và một số điểm quanh ruộng.

Ông Em chia sẻ: “Nếu như trước đây, việc trồng dưa hấu trái tròn hay dài, màu xanh hoặc vàng đều cho lợi nhuận cao và không khó về đầu ra. Tuy nhiên, những năm gần đây phải nắm được nhu cầu của thị trường để tung ra sản phẩm tương ứng mới có ăn. Vì thế hơn 5 năm nay gia đình tôi chủ yếu trồng dưa Hồng Cúc (vàng, tròn) và Tiểu Hắc Long (xanh, hạt lép)”.

Cũng theo ông Em, những loại dưa này vừa bán được giá cao, đắt hàng và chất lượng ngon ngọt (Tiểu Hắc Long) nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Các giống dưa này chẳng khác nào dưa truyền thống lại còn mang ý nghĩa và ăn được.

Theo như lời kể của ông Em, trước đây gia đình ông chủ yếu trồng mía mà lợi nhuận bấp bênh. Do đó diện tích đất được chuyển sang trồng dưa trái dài. Sau một vài vụ thử nghiệm thấy ăn nên làm ra, gia đình ông quyết định trồng dưa trái tròn để bán tết.

Bởi dưa chưng tết nếu thành công lợi nhuận gấp vài lần dưa ăn (trái dài). Tuy nhiên, nó đòi hỏi kỹ thuật cao trong suốt quá trình canh tác.

Đang chăm sóc ruộng dưa 1.300 dây, ông Em nói: “Thời gian sinh trưởng của cây dưa từ 55 - 65 ngày (tùy loại). Khi đã xuống cây thì người trồng phải thường xuyên tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều. Giai đoạn đầu rễ dưa hấu chưa phát triển nhiều nên lượng tro, bèo, phân rơm đủ để dưa ăn.

Đến khi cây phát triển ngã ngọn bò thì bắt đầu bón phân, phun thuốc, làm cỏ và đến giai đoạn đậu trái thì tập trung vào dưỡng trái nhằm tạo ra sản phẩm đẹp có chất lượng”.

Theo nhiều hộ dân có kinh nghiệm trồng dưa cho biết, trước khi dưa có nụ nên làm trống cỏ trong khoảng đất dưa ngã bò nhằm hạn chế việc sâu hại cắn phá cũng như việc tranh chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, công việc để trái và chấm nụ dưa rất quan trọng. Bởi nếu không đúng lúc và thời gian, cũng như cách thức có thể ảnh hướng đến năng suất, thời điểm cho ra thị trường.

Nói về kinh nghiệm trồng dưa hấu tết, ông Em chia sẻ: “Mỗi liếp phải có chiều rộng từ 6 - 8 m. Vì như vậy mới đủ sức cho dưa bò. Mỗi liếp trồng 2 hàng song song. Kéo lục bình sao cho bề mặt rộng 0,5 - 0,7 m, cao khoảng 0,2 m. Mật độ trồng thích hợp là 0,5 m/dây.

Thời gian chấm nụ tốt nhà là khi dưa đủ 18 - 24 lá (đếm từ gốc lên nụ). Để tỉ lệ đậu trái cao nên bắt đầu chấm nụ vào buổi sáng vì khi đó phấn hoa nhiều. Trước khi chấm nụ nên kiểm tra kỹ dây dưa để loại bỏ những trái đậu ở dây chèo, dây bơi hoặc gần gốc”.

Để kiểm soát được dưa đậu hay không đậu trái, nông dân cắm những cọng lá dừa cạnh nụ dưa. Nếu không đậu thì có thể chấm lại khi dưa ra thêm nụ mới.

"Trồng dưa dịp tết cần phải tính toán kỹ thời gian sinh trưởng, phát triển của cây, tránh để tình trạng trái chín quá sớm hay muộn, thu hoạch đúng dịp mới đảm bảo nguồn lợi nhuận. Đặc biệt đối với giống dưa Hồng Cúc", ông Em nói

Loại bỏ trái trước khi chấm nụ ở dây chính, dây chèo hoặc dây bơi vì nếu không sẽ làm cho nụ dưa cần chấm không thụ phấn và chậm lớn… Trước khi dưa chấm nụ thì tiến hành vô phân, tủ thêm cỏ hoặc lục bình với chiều ra 20 cm (từ mô ra ngọn dưa) để rễ dưa ăn rộng hơn nhằm đáp ứng dinh dưỡng cho việc nuôi trái ở giai đoạn sau. Và khi dưa lớn tiếp xúc với đất thì nên độn cỏ để không bị thối, vàng đều và tròn trĩnh.

Đặc sản xuống ruộng

Khi lập gia đình, vợ chồng ông Nguyễn Thanh Sơn ở ấp 1, xã Long Trị, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chỉ có vỏn vẹn 3 công đất ruộng. Nhiều năm trồng lúa cũng chỉ đủ ăn. Thông qua một lần xem truyền hình thấy việc trồng các loại dưa đặc sản dễ làm giàu nên gia đình quyết đeo đuổi nghề này.

Ông Sơn kể: “Để có kinh nghiệm tôi bắt đầu đi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật canh tác ở những ruộng dưa của các tỉnh lân cận và thông qua các kênh truyền thông. Lúc đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc trồng dưa không đạt hiệu quả.

09-21-00_nh-5
Dưa Hoàng Kim, Kim Cô Nương trồng trên đất ruộng đậy bằng màng phủ hạn chế được sâu bệnh và năng suất cao lại không cần tưới nước

Vả lại vùng đất này cũng nằm trong khu vực trũng sâu, phèn nên phải bỏ công cải tạo, đào rãnh thông thoáng mới có được khu đất tốt. Mặc dù, vụ đầu tiên không dư giả gì cũng đủ trả chi phí đầu tư”.

Thế là qua vài vụ SX, vợ chồng ông Sơn đã mở rộng diện tích từ một công đất ruộng trồng dưa Hoàng Kim lên 3 công nên chỉ vài năm mà kinh tế gia đình cải thiện đáng kể.

Bà Phan Thị Tuyết Giang (vợ ông Sơn) kể: “Nhờ mấy năm trúng dưa mà gia đình tôi xây được ngôi nhà kiên cố và mua thêm ruộng đất. Năm vừa rồi với với 3 công đất ruộng trồng dưa Hoàng Kim và Kim Cô Nương, gia đình tôi có nguồn thu nhập trên 120 triệu đồng. Vì thế năm nay diện tích trồng dưa được mở rộng lên 5 công (mỗi loại một nửa)”.

5 năm liền thành công với việc trồng dưa Hoàng Kim, Kim Cô Nương, ông Sơn bộc bạch: “Dưa sau khi trồng từ 10 - 12 ngày thì tiến hành bấm đọt để cho trái. Đối với dưa Hoàng Kim thì để 3 - 4 chèo, dưa Kim Cô Nương chỉ để 1 - 2 chèo, mỗi chèo chỉ nên để 1 trái. Loại dưa này ra trái tự nhiên nên cần phải biết thời gian để xử lý cho kịp tết. Những trái đậu sớm thì tiến hành hái bỏ để không ảnh hưởng đến sau này".

Nói về việc trồng dưa trên nền đất ruộng đậy màng phủ, ông Sơn chia sẻ: “Dưa đặc sản này không bò nhiều như dưa tròn chưng tết hoặc dưa dài nên đất ruộng lên thành luống 2,5 m chia ra làm 2 nhưng mặt dòng mỗi bên khoảng 0,8 m song song với luống. Đất sau đó được phơi nắng từ 5 - 7 ngày rồi sử dụng phân 25 – 25 – 5, 16 – 16 – 8 trộn chung rồi bón lên dòng và đậy màng phủ lại”.

Ruộng dưa của ông Sơn trong suốt quá trình canh tác không cần tưới nước. Bởi lúc nào mực nước luôn được giữ cách 40 cm so với mặt luống.

2 tháng thu trăm triệu

Mô hình trồng dưa của ông Em và ông Sơn cho thấy hiệu quả kinh tế cao lại bền vững. Nhờ tận dụng những loại phân hữu cơ đất được tơi xốp. Việc canh tác dưới mô lục bình giảm được chi phí phân bón, trái mau lớn.

Còn trồng dưa đặc sản trên đất ruộng đậy màng phủ hạn chế việc làm cỏ, nhẹ sâu bệnh lại phù hợp với loại giống cây trồng và sau mỗi vụ thu hoạch chỉ cần cho nước vào ngâm đất nên các loại mầm bệnh bị tiêu hủy.

Thành công với việc trồng dưa hơn 15 năm, ông Em bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, ngày 24 tháng Chạp gia đình tôi bắt đầu thu hoạch dưa, sau đó vận chuyển đến chợ thành phố Sóc Trăng để bán. Bán cho thương lái cũng được nhưng lợi nhuận chỉ bằng ½ so với việc chở đi chợ.

Tuy nhiên, để đắt hàng và giá cao phải trồng được dưa trái to, màu sắc rực rỡ và chất lượng. Mỗi cặp dưa 8 - 9 tấc được bán với giá 300.000 - 350.000 đ, 6 - 7 tấc bán với mức 150.000 - 250.000 đ (tùy theo cỡ và hình dáng). Còn dưa Tiểu Hắc Long bán với giá 20.000 - 25.000 đ/kg”.

Được biết, với 1.300 dây dưa trồng trên mô lục bình từ việc mua hạt giống, phân bón, thuốc BVTV, nhân công… khoảng 15 – 20 triệu đồng. Cho nên sau mỗi vụ dưa hấu tết gia đình ông Em có nguồn lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng. Cũng có được khoảng lợi nhuận không nhỏ từ 5.000 dây dưa Hoàng Kim, Kim Cô Nương (3 công), mỗi vụ sau khi trừ đi chi phí, gia đình ông Sơn còn lãi từ 80 - 100 triệu đồng.

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Đề nghị xử lý hình sự đối tượng cố tình đánh bắt cá ở vùng biển nước ngoài

Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa - Vũng Tàu góp phần cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất