| Hotline: 0983.970.780

Đại gia Trung Quốc chơi máy bay như thế nào?

Thứ Năm 01/12/2011 , 10:51 (GMT+7)

Theo tạp chí Finacial Times, câu cửa miệng hiện nay của các đại gia Trung Quốc là: Mua máy bay chưa? Giới kinh doanh hàng không Trung Quốc cho rằng, trong mười năm tới, máy bay tư nhân là điều không hiếm gặp ở nước này.

Mẫu máy bay tư nhân được ưa chuộng tại Trung Quốc

Tiếp loạt bài "Đại gia "chơi" máy bay" (NNVN từ số 236 - 238), chúng tôi xin giới thiệu về cách "chơi" máy bay của đại gia Trung Quốc.

>> ''Xế bay'' - Máy đốt tiền
>> Không phải có máy bay là được bay
>> Đại gia ''chơi'' máy bay

Theo tạp chí Finacial Times, câu cửa miệng hiện nay của các đại gia Trung Quốc là: Mua máy bay chưa? Giới kinh doanh hàng không Trung Quốc cho rằng, trong mười năm tới, máy bay tư nhân là điều không hiếm gặp ở nước này.

Cơn sốt mua máy bay

Theo Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc, nước này đang có hơn 55.000 đại gia sở hữu tài sản trị giá hơn 100 triệu NDT. Trong đó, hơn 9.000 đại gia tỏ ra cực kỳ thích thú với máy bay tư nhân - vừa là một thú chơi xa xỉ, vừa là phương tiện giao thông.

“Mấy năm trước Trung Quốc còn chưa có khái niệm máy bay tư nhân, nhưng từ năm 2010 đến nay, thị trường này tăng trưởng 20% đến 25% mỗi năm. Nếu cứ đà này, 10 năm nữa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về số lượng người sở hữu máy bay riêng”, đại diện hãng hàng không AirAsia nói.

Triệu Bản Sơn, danh hài số một Trung Quốc được cho là người đầu tiên có máy phản lực riêng. Triệu bỏ ra hơn 200 triệu NDT (tương đương 600 tỷ đồng) mua chiếc máy bay Challenger cỡ nhỏ, chở được 17 người. Chiếc này được đăng ký dưới tên “Bản Sơn” của chính ông chủ và từng đưa Triệu cùng một số học trò đi lưu diễn tại Đài Loan.

Theo thiết kế, chiếc “Bản Sơn” có tốc độ tối đa 850km/h; độ cao tối đa 12.495m; tầm bay 5.430 km; và hoạt động liên tục 7 giờ đồng hồ nếu được đổ đầy xăng.

Tạp chí Kinh tế Trung Quốc cho biết, hiện ở Trung Quốc có vài loại người có thể mua máy bay tư nhân: Ông chủ của Cty, Tổng Cty lớn, có nhu cầu đi lại nước ngoài thường xuyên; Đại gia ngành bất động sản, tiền tệ; Đại gia ngành khai khoáng. Triệu Bản Sơn là nghệ sỹ đầu tiên dám vung tiền mua máy bay.

Năm 2008, Tập đoàn xây dựng Tam Nhất của Trung Quốc đặt mua trực thăng S – 76C của Mỹ sản xuất, có khả năng chở được 12 người. Lúc đó, đây là một tin khá nóng sốt với nhiều người Trung Quốc. Năm sau, Tam Nhất lại đặt mua chiếc máy bay dân dụng Airbus A320 trị giá 80 triệu USD khiến không ít Tập đoàn khác phải “ngao ngán”.

Đại diện Tập đoàn Tam Nhất cho hay, mỗi năm tập đoàn lãi 20 triệu USD, chi phí cho việc mua vé máy bay phục vụ công việc cũng tốn khoảng vài triệu USD, do đó mua máy bay tính ra rẻ hơn việc năm nào cũng tốn tiền mua vé.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc hiện chưa có cá nhân sở hữu máy bay cánh quạt hoặc máy bay phản lực vì luật chưa cho phép. Máy bay của Triệu Bản Sơn cũng đứng dưới danh nghĩa máy bay của Cty, phục vụ cho hoạt động đi lại của Cty.

Có ý kiến cho rằng, đến năm 2015, nhiều đại gia ở Trung Quốc sẽ có máy bay phản lực riêng vì nếu dựa vào danh nghĩa Cty thì chẳng phải điều khó với họ. “Doanh nhân tầm cỡ đủ tiền mua máy bay, đương nhiên họ có Cty riêng, thậm chí đến vài Cty”, một đại gia Trung Quốc nói với tờ Nam Phương đô thị báo.

Bay chui

Mặc dù nhiều chuyên gia trong ngành hàng không đánh giá rất cao tiềm năng của thị trường Trung Quốc, nhưng hiện tại, muốn mua máy bay tư nhân ở nước này là điều không đơn giản.

Theo Tạp chí Kinh tế Trung Quốc, hàng không thuộc lĩnh vực quản lý của quân đội nước này. Thủ tục cấp phép hiện tại được cho là rất phức tạp, thế nên những người giàu ở Trung Quốc chuyển sang mua… trực thăng.

Năm 2006, Trung Quốc lần đầu tiên có Câu lạc bộ những người yêu thích máy bay do Hứa Vĩ Kiệt – một doanh nhân có tiếng trong làng bất động sản lập ra tại Chiết Giang. “Đến nay, số trực thăng được cấp phép bay ở Chiết Giang là 10 chiếc, nhưng có đến 20 chiếc trực thăng của những người khác”, Hứa nói. 10 chiếc chưa được cấp phép vẫn bay trên bầu trời, và người Trung Quốc gọi đó là “bay chui”.

Hứa hiện có 11 chiếc trực thăng. “Vài trăm triệu NDT với dân kinh doanh ở Hàng Châu (thủ phủ của Chiết Giang) thì đáng là bao. Trực thăng cũng giống như một thứ đồ chơi thôi. Có nó rồi thì việc buôn bán, ký hợp đồng cũng được đối tác coi trọng hơn một chút”, Hứa nói.

Hứa Vĩ Kiệt, doanh nhân 37 tuổi khoe rằng, anh ta từng hướng dẫn hàng chục người cách đổ xăng, dầu cho máy bay, những thao tác cơ bản ... “Nhìn chung thì lái trực thăng dễ học hơn lái ô tô”.

Tháng 10 năm nay, tại Trung Quốc xuất hiện trang web chuyên môi giới, mua bán máy bay trực thăng đã qua sử dụng. Đó là website: www.AircraftTrading.net. Cty này được cho là rất khéo léo khi dựa vào đối tác ở nước ngoài để cung cấp, đàm phán về việc mua bán trực thăng. Sau một tháng thành lập, Cty đã thực hiện thành công 14 thương vụ mua bán máy bay với đối tác nước ngoài, và 4 thương vụ mua bán máy bay trong nội địa Trung Quốc.

Tạp chí Kinh tế Trung Quốc dẫn lời một nhân viên trong ngành bảo hiểm nói, nước này đang có hơn 100 chiếc trực thăng được cấp phép bay. Trong đó, lượng trực thăng chủ yếu tập trung ở miền Đông Bắc, Tây Bắc do lượng dân cư ít, giấy tờ cấp phép thông thoáng hơn.

Điều tra của hãng tin Chinanews cho hay, từ năm 2007 đến nay, các cơ quan chức năng của Trung Quốc rất ít khi bắt được quả tang những chuyến “bay chui”. Lý do được đưa ra là thiếu sự phối hợp của người dân. Trong khi đó, một số dân chơi trực thăng cho rằng: “Lái trực thăng cũng giống đi xe máy, chỉ khác là mọc thêm đôi cánh để bay tầm thấp. Tai nạn thì có thể xảy ra, nhưng chưa chắc đã chết người”. Những tay chơi này cũng cho rằng, họ không hy vọng nhà nước sẽ vào cuộc quản lý trực thăng, bởi e ngại thủ tục phức tạp.

Theo Tân Hoa Xã, Bộ luật Hàng không dân dụng Trung Quốc hiện không còn thích hợp với việc quản lý máy bay riêng. Để phù hợp tình hình hiện tại, Tân Hoa Xã cho rằng phải chờ đợi Luật hàng không quốc gia, thế nhưng đây mới chỉ là dự luật và tiến trình của nó được cho là đang chậm chạp. (Còn nữa)

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất