| Hotline: 0983.970.780

Đại gia Trung Quốc đổ xô vào nông nghiệp: Mua nông sản kiểu 'công nghệ cao'

Thứ Năm 08/10/2015 , 07:05 (GMT+7)

Các Cty công nghệ của Trung Quốc nhảy vào SX kinh doanh nông sản đã mang lại sinh khí mới cho ngành này. Ngay cả cung cách bán hàng cũng có nhiều thay đổi./ Ông chủ Cty game đi chăn lợn

Nhất là khi một số Cty máy tính còn thiết kế riêng phần mềm trên điện thoại giúp người dùng nhanh chóng truy xuất nguồn hàng để đảm bảo an toàn thực phẩm, vốn là mối lo thường trực của người dân Trung Quốc.

Chỉ với một động tác quét mã hàng, người đi siêu thị có thể truy xuất “danh tính” của loại trái cây trong một khu vườn sum suê ở thượng nguồn sông Dương Tử đã vượt hàng ngàn dặm để bây giờ nằm gọn trong một siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh.

Phần mềm được cài đặt trong điện thoại thông minh, thậm chí có thể cho biết thông tin về loại đất trồng, nguồn nước của trang trại, được thiết kế để đảm bảo những trái kiwi này không bị nhiễm bẩn ở bất cứ chu trình nào, báo New York Times (Mỹ) tường thuật.

Công nghệ lên ngôi

“Trước đây, tôi đã quét mã hàng đối với một số sản phẩm điện tử, nhưng quét mã trái cây thì chưa làm bao giờ. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Nhà nào có cháu nhỏ cũng làm vậy thôi”, Xu Guilin, bà nội trợ đi mua sắm cùng cậu cháu trai ba tuổi, nói.

Chính phủ và các Cty nông nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đã cố gắng giải quyết vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm bằng nhiều con đường: tăng cường thanh sát các nhà máy, tiến hành xét nghiệm quy mô lớn, siết chặt các luật lệ, thậm chí là bỏ tù hoặc tử hình tội phạm liên quan, nhưng các vụ bê bối thực phẩm vẫn liên tiếp xảy ra.

Các Cty công nghệ Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể làm tốt hơn. Từ trang trại tới bàn ăn, các “tay chơi” này đang tìm cách thay đổi các phương pháp bán hàng truyền thống bằng hệ thống thu thập dữ liệu hiện đại, các phần mềm cho điện thoại thông minh, bán hàng qua mạng…

Hãng máy tính Lenovo phát triển nhánh nông nghiệp Joyvio, Cty được giao nhiệm vụ chuyên trồng cây kiwi và một số trái cây khác, khép kín từ SX đến phân phối.

Cty thương mại điện tử Alibaba trực tiếp kết nối người tiêu dùng với nông dân thông qua dịch vụ SX - phân phối online.

Và Baidu, Cty phát triển công cụ tìm kiếm trên mạng (tương tự Google) số một Trung Quốc, phát triển một loại đũa thông minh, được nói là có thể xét nghiệm nhanh thực phẩm nào nhiễm bẩn.

“Trong ngành SX thực phẩm và nông nghiệp, minh bạch là điều cần thiết. Nhưng ở Trung Quốc chưa có điều này”, Chen Shaopeng, Giám đốc điều hành Joyvio, nói.

Mặc dù các Cty công nghệ chưa dính bê bối trong việc SX thực phẩm như nhiều Cty thông thường, họ vẫn cần phải giành được niềm tin của người tiêu dùng.

Một bà nội trợ tại siêu thị BHG ở Bắc Kinh tỏ ra ấn tượng với những trái kiwi có thể truy xuất nguồn gốc từ điện thoại, tuy nhiên ấn tượng ấy chưa đủ để thuyết phục bà.

“Trông được đấy. Nhưng vấn đề là tôi chẳng tin tưởng bất cứ loại chứng nhận nào. Chúng ta đều biết chứng nhận cũng có thể là giả mạo”, bà Jiang nói.

Với hơn một tỷ dân, Trung Quốc có hệ thống phân phối thực phẩm vào loại phức tạp nhất hành tinh và nhánh nào của hệ thống ấy cũng gặp vấn đề.

Các câu chuyện hài hước về thực phẩm bẩn có đầy trên các mạng xã hội ở Trung Quốc. Do vậy, khi Baidu tung ra đôi đũa thông minh, sự kiện này cũng trở thành một đề tài giễu cợt trên mạng.

Ban đầu, vào ngày Cá Tháng Tư (ngày nói dối theo truyền thống phương Tây), Baidu tung ra một quảng cáo giả về một đôi đũa có thể phân biệt thức ăn nào được nấu bằng dầu bẩn lọc lại từ nước cống. Quảng cáo này ngay lập tức lan truyền trên mạng.

Để đáp lại, Baidu quyết định sẽ làm ra sản phẩm thật. Được tích hợp các cảm biến, đôi đũa chủ yếu dùng để thử nghiệm dầu ăn bẩn, nhưng cũng có khả năng thông tin về chỉ số pH và nhiệt độ.

Sản phẩm này cũng giúp người tiêu dùng nhận diện các loại trái cây và rau quả, nơi trồng, lượng calo. Baidu đang cân nhắc đưa thêm các tính năng như xác định độ mặn, cho phép người dùng xác định nước khoáng thật hay giả.

Phương thức mua bán mới

Còn với Alibaba, hãng này đã thiết kế một chương trình có tên Jutudi, giúp người tiêu dùng mua hàng trực tiếp từ nông dân. Chương trình đã có 10.000 người tham gia.

10-34-39_2
Một nông dân ở trang trại Nanbin, Hải Nam đang chăm sóc xoài để bán trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua chương trình Jutudi do Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma thiết kế. (Ảnh: New York Times)

Thông qua internet, người tiêu dùng đặt mua nông sản khắp Trung Quốc, trực tiếp giao dịch với nhà vườn hay trang trại. Chương trình thậm chí còn tổ chức tour đến thăm các trang trại.

Alibaba cũng đưa ra những quy định cơ bản đối với nông dân tham gia chương trình. Họ được yêu cầu tách riêng những loại cây trồng vật nuôi bán trên mạng của Cty và phải hạn chế sử dụng chất hóa học, thuốc trừ sâu.

“Tôi chỉ được phép phun thuốc trừ sâu trên phần ruộng đó một lần mỗi vụ. Do vậy tôi phải thuê người bắt sâu thủ công”, Zhang Zhaohui, nông dân 38 tuổi tham gia chương trình của Alibaba, nói.

Mặc dù chịu thêm chi phí, anh Zhang nói ông kiếm lời nhiều hơn khi bán xoài cho Jutudi. “Đối với tôi, khách hàng ở đó đều giàu có”, anh nói.

Joyvio thậm chí còn tham vọng hơn khi muốn thiết kế cả một dây chuyền SX, phân phối thực phẩm. Khởi sự năm 2009, nay Cty là nhà cung cấp trái kiwi và việt quất lớn nhất Trung Quốc.

Cty kiểm soát mọi thứ, từ giống má trở đi. Làm nông nghiệp đúng với phong cách một Cty công nghệ: nhiệt độ, nguồn nước tưới cho cây trồng đều được thiết lập tự động và có thể điều khiển từ xa thông qua điện thoại di động hoặc máy tính.

Thậm chí họ thuê cả các chuyên gia nông nghiệp đến từ Mỹ, Joyvio nay còn mua cả trang trại ở Chile và Australia.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân được mùa lớn, giá cao chưa từng thấy, nông dân vui phơi phới

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui lớn khi lúa vừa được mùa, giá lại cao chưa từng thấy.