| Hotline: 0983.970.780

Đại hội có trách nhiệm to lớn trước toàn dân tộc

Thứ Năm 13/01/2011 , 08:52 (GMT+7)

“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm to lớn trước toàn dân tộc. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc để kiểm điểm, đánh giá khách quan những thành tựu và yếu kém..." - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Sau Lễ Chào cờ trang trọng, đúng 8h sáng 12/1, ĐH Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI bắt đầu chương trình làm việc.

Tới dự ĐH có Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu; Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… Các đồng chí nguyên Uỷ viên BCT, các nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Phó Thủ tướng, các vị lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sỹ trí thức, đại diện tôn giáo. Thay mặt Đoàn Chủ tịch ĐH điều hành phiên họp, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên BCT, Thủ tướng Chính phủ nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các vị khách quý đã đến dự và mang đến ĐH những tình cảm thắm thiết của đồng bào, đồng chí cả nước.

Toàn cảnh Đại hội

Phát biểu khai mạc ĐH, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, vị Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Thực tiễn và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua đã khẳng định, tư tưởng của Người và Chủ nghĩa Mác – Lênin mãi mãi là kim chỉ nam, là tài sản vô giá của Đảng và dân tộc Việt Nam, dẫn dắt nhân dân, đất nước ta đi từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Chủ tịch cũng bày tỏ lòng biết ơn sự cống hiến, hi sinh của các thế hệ cách mạng tiền bối, các đồng bào, chiến sĩ, đảng viên, để hôm nay có một đất nước Việt Nam thống nhất, hòa bình, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, ĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng diễn ra trong một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng: đất nước đã trải qua 25 năm đổi mới toàn diện. 5 năm vừa qua, dù bối cảnh trong và ngoài nước có nhiều khó khăn nhưng toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Chủ tịch nước khẳng định, những thành tựu đạt được trong 20 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã thực hiện thành công chặng đường đầu của công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, tạo tiền đề để Việt Nam vững bước hơn trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, trong những năm tới, tình hình quốc tế sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến nhanh chóng, khó lường, với những tác động to lớn và sâu rộng, vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra thách thức ngày càng gay gắt đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. ĐH quyết định việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991, xác định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm (2011-2015); kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của BCH Trung ương Đảng khóa X; xác định phương hướng lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới; bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu BCH nhiệm kỳ mới đủ sức lãnh đạo, hoàn thành những nhiệm vụ to lớn, nặng nề trong những năm tới, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

 Các chỉ tiêu chủ yếu trong 5 năm 2011-2015

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm: 7-7,5%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người khoảng 2.000 USD; cơ cấu GDP: nông nghiệp 17-18%, công nghiệp-xây dựng 41-42%, dịch vụ 41-42%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%. Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 12%/năm, giảm nhập siêu, phấn đấu đến năm 2020 cân bằng được xuất nhập khẩu; giảm mức bội chi ngân sách xuống 4,5% GDP vào năm 2015. Giải quyết việc làm cho 8 triệu lao động. Tốc độ tăng dân số đến năm 2015 khoảng 1%. Tuổi thọ trung bình năm 2015 đạt 74 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân 2%/năm. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 42 - 43%...

“Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có trách nhiệm to lớn trước toàn dân tộc. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đề cao tinh thần tự phê bình nghiêm túc để kiểm điểm, đánh giá khách quan những thành tựu và yếu kém, đồng thời rút ra những kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2006 - 2010)", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Đồng chí Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa X đọc báo cáo chung về các văn kiện ĐH XI. ĐH có chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. 

Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2001-2010, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cho biết, nền kinh tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; các ngành đều có bước phát triển, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Tổng bí thư cũng thẳng thắn nhìn nhận một số chỉ tiêu, nhiệm vụ ĐH X đề ra chưa đạt được. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; các cân đối vĩ mô chưa thật chắc; chế độ phân phối còn nhiều bất hợp lý. Tệ quan liệu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa X nhìn nhận nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, yếu kém nói trên có một phần do năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức còn hạn chế. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của nhà nước trên một số lĩnh vực và một số vấn đề lớn chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu.

Về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được xác định là Chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 7-8%/năm. GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD… Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao nhất thế giới; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm.

Trong 8 ngày làm việc, Đại hội sẽ thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020; Báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X; Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng. Đại hội sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương dự kiến khoảng 200 người, trong đó có 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết. Kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ được công bố sáng 19/1.

Tiếp đó, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương khóa X. Báo cáo đã nhìn nhận trong nhiệm kỳ qua, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo toàn Đảng toàn dân tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sớm cụ thể hóa nhiều nội dung quan trọng trong Nghị quyết ĐH X của Đảng; kịp thời đưa những quyết sách phù hợp, giải quyết có kết quả nhiều vấn đề phức tạp về KT-XH, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… Tuy nhiên, mặt thiếu sót, khuyết điểm cũng được đề cập đến đó là: công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo có mặt còn yếu; kết quả lãnh đạo chỉ đạo việc khắc phục những yếu kém trong quản lý KT-XH còn chậm; nền kinh tế còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định…

Buổi chiều, các đại biểu làm việc tại các đoàn thảo luận tập trung vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung) phát triển năm 2011; Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020; Báo cáo Chính trị; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng và Điều lệ Đảng (bổ sung sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng khóa X.

Ngày 13/1, Đại hội tiếp tục làm việc với nội dung thảo luận các văn kiện.

Phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững  

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng đã đặt mục tiêu:

Phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy ưu thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn. Khuyến khích tập trung ruộng đất, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, mở rộng xuất khẩu. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân….

Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng. Hoàn thiện quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước. Tập trung các nguồn lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông thiết yếu. Hiện đại hóa một số sân bay, cảng biển quan trọng. Phát triển đồng bộ, từng bước hiện đại hệ thống thuỷ lợi; xây dựng, củng cố hệ thống đê biển, các công trình ngăn, xả lũ, hệ thống cung cấp nước sạch, các công trình xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Phát triển hài hoà giữa các vùng đô thị và nông thôn. Đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế trọng điểm tạo động lực cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn. Hình thành hệ thống đô thị phân bổ hợp lý ở các vùng; phát triển hài hoà giữa thành thị và nông thôn.

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, trong 3 nội dung lớn để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nêu rõ, trong thời gian tới cần:

Tích cực phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí; thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng, tịch thu sung công tài sản tham nhũng và có nguồn gốc từ tham nhũng; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tổng kết, đánh giá cơ chế, mô hình tổ chức cơ quan phòng, chống tham nhũng để có chủ trương, giải pháp phù hợp. 

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất