| Hotline: 0983.970.780

Đại tá Mai Trung Lâm với lãnh thổ ngàn xưa

Thứ Ba 12/02/2019 , 13:05 (GMT+7)

Cái tên Mai Trung Lâm đã vào một thời vang bóng song âm vang thì vẫn còn dọc dải biên thùy phía Bắc. 

Mùa xuân Tân Sửu (1961), Hồ Chủ tịch thăm Lạng Sơn. Từ xứ Lạng, đoàn định đi máy bay lên Cao Bằng nhưng điện từ Hà Nội báo, trời nhiều sương mù, máy bay không thể cất cánh. Đoàn chuyển phương án, đi ô tô, từ Lạng Sơn, theo Thất Khê, Bông Lau tới Cao Bằng. Tháp tùng Bác có nhà thơ Tố Hữu - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Khai - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó ban Tổ chức Trung ương; Đại tá Nguyễn Quang Việt - Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Chính ủy Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).
 

Hội ngộ 20 năm

Đoàn xe vượt đường số 4, tới Cao Bằng thì trời vừa xế chiều. Các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra đón Bác và đoàn. Hồ Chủ tịch thân mật bắt tay đồng chí Hồng Kỳ - Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Dương Đại Lâm - Phó Chính ủy Khu tự trị Việt Bắc và đồng chí Mai Trung Lâm - Tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang Khu tự trị Việt Bắc.

Gặp lại Bác, đồng chí Mai Trung Lâm nhớ chuyến đưa đường dẫn Bác từ Tĩnh Tây (Trung Quốc) về nước tháng 10 năm 1944. Trong đoàn còn có các đồng chí Đinh Đại Toàn, Nam Long, đồng chí Thuần (tức Đỗ Thị Lạc)… Chính chuyến về nước này Bác đã kịp thời ra lệnh hoãn chủ trương khởi nghĩa của các đồng chí Trung ương, đồng thời chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân…

12-47-35_nguyen_hong_n_-_mi_trung_lm_-_m_thnh_kinh_1958
Đại tá Mai Trung Lâm (người đứng giữa - Tư liệu gia đình)

Đường từ Cao Bằng lên Pắc Bó tới Nước Hai còn tốt. Tới đây, ông Mai Trung Lâm giới thiệu với Bác, vùng Nước Hai này chính là thủ đô của nhà nước Nam Cương mà Nùng Tồn Phúc xây dựng. Con đường từ Nước Hai lên Pắc Bó chỉ rải đá nên xe đi gặp khó khăn. Phải 9 giờ mới đến nơi. Đồng bào Pắc Bó biết tin Bác lên đã đứng chật đường chờ đón. Tròn 20 năm mới được trở lại nơi đầu nguồn cách mạng. Bác ứng tác mấy vần thơ: “Hai mươi năm trước ở nơi này / Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây / Lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến / Non sông gấm vóc có ngày nay”.

Tư lệnh Mai Trung Lâm cũng se sẽ nhẩm đọc: “Sáng ra bờ suối tối vào hang / Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng / Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng / Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Đồng chí Dương Đại Lâm mời Bác cùng đoàn về nhà dùng cơm. Nhà riêng tuy chật nhưng có không khí gia đình. Khi mọi người quay quần đông đủ, ông Dương Đại Lâm cảm động:

“Thưa Bác, trước đây hai mươi năm gia đình có làm bữa cơm tiễn Bác lên đường Nam tiến. Chúc Bác “mã đáo thành công”. Nay Bác trở lại Pắc Bó, đã có nhiều đổi mới. Gia đình xin phép làm bữa cơm đón Bác, giống như bữa cơm năm xưa. Vậy xin nâng cốc chúc Bác mạnh khỏe…”.

Mọi người vui vẻ nâng cốc.
 

Đề phòng mọi sự thiên lệch ở vùng biên

Cơm xong, Bác đang trò chuyện thì có tiếng máy bay trực thăng từ từ đậu xuống cánh đồng Pắc Bó. Cục trưởng Cục Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng vào báo cáo, trời đã sang chiều, xin Bác về sớm kẻo chiều sương mù xuống, khó về.

Hồ Chủ tịch quay sang dặn Chính ủy Nguyễn Quang Việt: “Bác không lên đồn Sóc Giang thăm các chú biên phòng được. Các chú lên thăm tặng quà cho anh em. Để các chú ấy vui vẻ”.

Lúc này Tư lệnh Mai Trung Lâm thảng thốt: “Cháu còn nhiều việc muốn báo cáo với Bác nhưng không kịp”.

“Chú cứ nói với chú Việt, Bác sẽ nhận được”, Bác dặn lại rồi cùng nhà thơ Tố Hữu ra máy bay.

Tư lệnh Mai Trung Lâm lại gần Chính ủy Nguyễn Quang Việt than thở: “Có một chuyện về biên giới rất cần nói với Bác nhưng không có một chút thời gian nào có thể nói được. Nay tôi nói với anh, có thời gian mời anh tiện thưa với Bác”.

Ông Mai Trung Lâm nhắc lại việc ký Hiệp định biên giới Pháp - Thanh, trong đó có việc Pháp lấy cả tổng Điền Lương của Cao Bằng cho Trung Quốc, vùng Sơn Mỹ - Long Bình bị nhập vào huyện Phòng Thành cho Trung Quốc, trong đó có tới 6.000 dân Việt Nam. Và nhiều vùng đất khác nữa của Việt Nam cũng bị nhập lên phía Bắc. “Ta phải hiểu sự thực lịch sử, để đề phòng mọi sự thiên lệch ở vùng biên”, Tư lệnh Mai Trung Lâm chia sẻ cùng Chính ủy Nguyễn Quang Việt.
 

Kỷ niệm với Vua Mèo Vương Chí Sình

Cái tên Mai Trung Lâm đã vào một thời vang bóng song âm vang thì vẫn còn dọc dải biên thùy phía Bắc. Thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cảnh quan thay đổi quá nhiều nhưng tình làng nghĩa xóm vẫn không thay đổi. Tôi đứng trước ngôi nhà cũ được ông Mai Trung Lâm xây dựng từ năm 1976. Đây vốn là ngôi nhà cấp 4 với vườn cây táo ông tự tay vun trồng. Nhà cũ còn đây, con cháu quây quần đầm ấm như ngày nào, chỉ người xưa đi xa vắng. Những kỷ vật giản dị ông Mai Trung Lâm để lại còn nguyên như còn chờ đợi bàn tay ông sắp xếp.

Dẫn tôi vào thăm ngôi nhà cũ Đại tá Ma Từ Đông Hải, nguyên Trưởng phòng Biên phòng - Bộ Tham mưu Quân khu 1, con trai trưởng của Đại tá Mai Trung Lâm, kể lại: “Sau chín năm trường kỳ kháng chiến giành thắng lợi, trên đường từ Đồng Văn (Hà Giang) về Thủ đô (năm 1955), ông Vương Chí Sình và vợ đến thăm gia đình ông Mai Trung Lâm, tại khu gia đình Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc (nay là khu Quảng trường Võ Nguyên Giáp - thành phố Thái Nguyên). Ông tặng gia đình và nói với bà Từ Thị Văn, vợ ông Mai Trung Lâm: “Tôi không có gì cho thím cả, chỉ có cái này thôi, để làm kỷ niệm!”

Đó là đoản đao đã theo suốt hành trình sự nghiệp của ông Vương Chí Sình cho đến ngày đất nước hoà bình. Và ông Vương Chí Sình tặng ông Mai Trung Lâm chiếc tẩu hút thuốc phiện mà ông Lâm đã tiêm cho ông Vương Chí Sình hút trên đường từ Hà Giang về Thủ đô Hà Nội 10 năm trước đó (năm 1945).

12-47-35_mtl_4
Đoản đao do ông Vương Chí Sình tặng bà Từ Thị Văn năm 1955 (Tư liệu gia đình)

Những ngày tháng 8/1945, Hà Giang không giải phóng được thị xã do chưa có cơ sở quần chúng mạnh và chưa có lực lượng vũ trang, địa phương. Trung ương chỉ đạo ông Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường Quân chính kháng Nhật khóa II, cùng hai ông Mai Trung Lâm và ông Mã Thành Kính trực tiếp chỉ huy việc giải phóng tỉnh Hà Giang.

Vương Chí Sình là một thổ ty có cỡ, đứng đầu dân tộc Mông có ảnh hưởng không chỉ đối với dân tộc mình mà cả đối với các dân tộc ít người khác ở tỉnh Hà Giang. Vương Chí Sình thừa hưởng uy thế của bố là Vương Chính Đức được thực dân Pháp phong làm bang tá. Họ Vương tuy giữ chức bang tá nhưng có toàn quyền; thực dân Pháp phải nhượng bộ coi Đồng Văn thuộc quyền quản lý của họ Vương.

Thái độ của Vương Chí Sình đối với Chính phủ và Mặt trận Việt Minh ra sao, ông Mai Trung Lâm chưa rõ. Giữa lúc đó, cuộc gặp bất ngờ trong buổi tối chiêu đãi của đồng bào người Hoa đã tạo điều kiện cho ta tiếp xúc với họ Vương. Mười giờ đêm hôm đó, tiệc tan. Về nhà được một lúc thì ông Mai Trung Lâm nhận được một mảnh giấy bằng bàn tay, viết bằng chữ Quốc ngữ, do một người lạ mặt cầm đến. Ông Lâm cầm giấy đọc thì mới biết đó là thư của ông Vương Chí Sình:

“Kính gửi ngài đại diện Mai Trung Lâm!

Tôi, Vương Chí Sình, con cụ Vương Chính Đức, bang tá Sà Phìn, dân tộc Mèo xin có lời kính dâng lên ngài hạ cố cho chúng tôi được bái kiến và có nhiều việc cần trình bày với ngài.

Tha thiết mong ngài hạ cố cho chúng tôi được gặp.

Vương Chí Sình”.

Ông Mai Trung Lâm vội viết thư trả lời trong tâm trạng mừng vui:

“Kính gửi ông Vương Chí Sình rất thân mến!

Tôi đã hằng mong từ lâu được gặp ông. Nay bất ngờ được gặp nhau và ông có lời quý hóa đến chỗ tôi để được gặp nhau. Nhưng hiện nay hoàn cảnh rất khó khăn, ông biết đấy. Chúng ta gặp nhau ở đâu cho tiện. Ở chỗ tôi, gặp là không tiện. Mong ông cho biết có thể gặp ông ở chỗ nào do ông định.

Kính thư: Mai Trung Lâm”.

Người liên lạc cầm thư đi ngay. Việc tiếp xúc với Vương Chí Sình cần được tiến hành gấp và kín đáo. Cuộc gặp hai vợ chồng Vương, tại nhà riêng xế bên phải đầu cầu Yên Biên, kéo dài gần hai giờ, đã giúp Mai Trung Lâm hiểu rõ tâm trạng và thái độ của Vương Chí Sình. Ông Vương đã biết có Mặt trận Việt Minh hoạt động và có Chính phủ Hồ Chí Minh nên tỏ ý thiết tha mong muốn đi Hà Nội bái yết cụ Hồ Chí Minh.

Ông Mai Trung Lâm bố trí để một cán bộ tin cậy là Hoàng Văn Võ ở lại thị xã với gia đình và làm công tác binh vận. Hai hôm sau Vương Chí Sình và vợ, cùng hai người bạn gái của bà đi ô tô xuống huyện lỵ Bắc Quang, được hai đồng chí chỉ huy đón tiếp ân cần niềm nở và cử cán bộ đi cùng xuống tỉnh lỵ Tuyên Quang, nhờ một số đồng chí ở đây giúp đỡ đi về Hà Nội. 

Trước khi Vương Chí Sình về Thủ đô, Mai Trung Lâm đã trực tiếp tiêm thuốc vào bộ bàn đèn sang trọng mượn của cai Sơn, cai khố xanh về hưu đang buôn bán ở phố huyện Bắc Quang. Mai Trung Lâm nằm bên này, Vương Chí Sình nằm bên kia. Ông Lâm rút mùi xoa trắng, lau sạch tẩu, tiêm tiếp điếu thứ hai mời ông Vương.

Hành động nhỏ này khiến Vương Chí Sình tin cậy. Bởi vì tục lệ giao tiếp của những người thuộc tầng lớp trên ở miền núi, thuốc của mình người chủ phải hút trước để chứng tỏ thuốc không có độc. Ông Vương nằm bên cạnh bàn đèn, hai tay đỡ tẩu, nói lời xin lỗi, rồi bắt đầu hút…

Đại tá Mai Trung Lâm (14/1/1914 - 15/4/2000) từng học Trường Quân sự Hoàng Phố (tháng 6/1941), Chính ủy kiêm Tư lệnh Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) Khu Tự trị Việt Bắc (1959 - 1975). Năm 1976, ông được phong hàm Đại tá và nghỉ hưu năm 1984 hưởng lương cấp Thiếu tướng.

 

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.