| Hotline: 0983.970.780

Đại Thành bứt phá

Thứ Ba 07/05/2013 , 11:08 (GMT+7)

Đến nay, sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, Đại Thành đạt 15 tiêu chí NTM, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Đại Thành (thị xã Ngã Bảy) vốn là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, là 1/11 xã thực hiện thí điểm mô hình xây dựng NTM ở Hậu Giang.

Đến nay, sau 3 năm thực hiện xây dựng NTM, Đại Thành đạt 15 tiêu chí NTM, đạt 100% kế hoạch đề ra là một trong những xã thực hiện đạt nhiều tiêu chí về xây dựng NTM ở Hậu Giang và phấn đấu cuối năm 2013 hoàn thành 19 tiêu chí để được công nhận xã NTM.

ĐỒNG THUẬN

Giờ về Đại Thành, hình ảnh trước mắt dễ cảm nhận là những con đường trải nhựa thẳng tắp, có đến mấy tuyến đường nối các ấp xe bốn bánh đi được. Đời sống người dân được nâng lên, những căn nhà tường mọc lên ngày càng nhiều, thay dần những căn nhà lá, diện mạo nông thôn của Đại Thành thay đổi hẳn, đời sống của người dân có sự thay đổi toàn diện.


Nhiều công trình đang làm thay đổi diện mạo xã Đại Thành.

Đặc biệt, trong năm 2012, xã đã thực hiện chiến dịch giao thông - thủy lợi gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đã xây dựng hơn 4 km lộ liên ấp, nâng tổng số chiều dài đường đạt chuẩn là hơn 15 km; xây dựng 5 cây cầu đưa vào sử dụng với kinh phí gần 3 tỉ đồng; hoàn thành 6 công trình nạo vét, xây dựng đê bao, sửa chữa, nâng cấp 12 cống đập với tổng kinh phí trên 7 tỉ đồng…

Bên cạnh đó, xã còn được đầu tư xây dựng mới Trung tâm văn hóa với tổng kinh phí là 9,5 tỉ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đang là điểm đến của thanh niên trong xã. Công trình chợ Ba Ngàn cũng đang được triển khai, đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang trong giai đoạn II, đồng thời bố trí, sắp xếp các hộ mua bán, tổng kinh phí thực hiện là 10 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, người dân ở ấp Đông An, cho biết: “Những năm trước đây, tuyến đường này đi lại rất khó khăn, do đổ đá lâu năm nên đã hư hỏng, trời mưa sình bùn dữ lắm. Khi nghe Nhà nước xây dựng lại tuyến đường này, chúng tôi hết sức hoan nghênh, vì có lộ mới sẽ đi lại dễ dàng, thúc đẩy kinh tế phát triển”.

Theo chân cán bộ giao thông nông thôn xã, chúng tôi tham quan tuyến đường nối liền hai ấp Đông An và Sơn Phú 1 được xây dựng theo tiêu chí NTM, dài 2,4 km, nâng tỉ lệ đường giao thông ở các ấp của xã được cứng hóa là 39,5 km, đạt trên 70% (tiêu chí này chỉ cần đạt 30%).

Trao đổi với chúng tôi ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Xây dựng giao thông nông thôn của Đại Thành đôi lúc cũng gặp khó khăn. Theo đó, xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể vận động, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của việc xây dựng giao thông nông thôn, như đi lại dễ dàng, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp…


Bộ mặt nông thôn xã Đại Thành đang đổi thay từng ngày.

Nhờ đó mà sự đồng tình của người dân về xây dựng giao thông nông thôn rất cao. Các gia đình đã tự hiến đất, chặt bỏ hoa màu, vườn tược… để tiện cho việc làm lộ. Dân không đồng lòng thì chắc chắn không thể nào thực hiện đạt được kết quả như thế".

CHUYỂN ĐỔI SẢN XUẤT

Khi thực hiện NTM, ở Đại Thành hộ nghèo còn trên 14%. Hiện tại, toàn xã còn 190 hộ nghèo chiếm tỉ lệ 6,46%, thu nhập bình quân đầu người của người dân Đại Thành là trên 24 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, xã còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ cho bà con vay vốn xây nhà (Chương trình 167) được 28 căn, nâng tổng số nhà đạt chuẩn là 2.134 căn (đạt 75,4%). Hiện tại, trên địa bàn xã không có nhà tạm, dột nát.

Bên cạnh đó, Đại Thành khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, xã phối hợp với khuyến nông - khuyến ngư hướng dẫn người dân thay đổi cơ cấu sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 Đồng thời, mở các lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tiến bộ khoa học mới trong sản xuất và hỗ trợ cây, con giống để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển sản xuất, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá giàu...

Ở ấp Cái Côn, mọi người vẫn hay nhắc đến sự vươn lên của gia đình ông Võ Văn Tuấn. Đất không nhiều, nhưng nhận thấy thích hợp với cây cam nên ông mạnh dạn đầu tư trồng loại này. Để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng bạc hà xen lẫn giữa những gốc cam và cho thu nhập tạm đủ để mua phân bón cho mấy trăm gốc cam. Giờ, cam đã bắt đầu cho trái, hứa hẹn những mùa bội thu và cuộc sống gia đình ông đang chuyển sang một giai đoạn mới…

Ở Đại Thành rất nhiều người dân thoát nghèo nhờ chí thú làm ăn, quyết tâm thay đổi cuộc sống như ông Võ Văn Tuấn. Nhờ đó, góp phần quan trọng mang lại diện mạo mới cho vùng quê trước đây có rất nhiều hộ nghèo này.

Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, khẳng định: “Khi xây dựng xã NTM, chúng tôi chủ động chọn tiêu chí nào thuận lợi sẽ xây dựng trước, tận dụng mọi nguồn lực sẵn có của địa phương; vận động dân hiến đất để làm nhiều công trình phục vụ dân sinh, chứ không thụ động trông chờ nguồn vốn từ trên.

Năm 2013, Đại Thành sẽ tập trung xây dựng 10 km lộ ấp, liên ấp; 2 điểm internet ở ấp Cái Côn, Ba Ngàn; giảm 2% hộ nghèo; phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đầu tư 1 khu thể thao xã, 4 khu thể thao, 8 nhà văn hóa ấp; xây dựng giai đoạn 2 công trình chợ Ba Ngàn gồm: xây dựng hệ thống kè, cầu đường với kinh phí 32 tỉ đồng để hướng chợ này thành trung tâm đầu mối về nông sản; tạo điều kiện chuẩn hóa cán bộ, đồng thời sắp xếp cán bộ đạt chuẩn vào vị trí phù hợp".

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất