Gần đây, do cuộc sống được cải thiện, tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng nên tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường hay đái tháo đường gia tăng mạnh, trong đó có tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ vừa giới thiệu một số nhận biết và phòng tránh cần thiết.
Ảnh minh họa
1. Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?
Tiểu đường hay đái tháo đường tuýp 1 còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin hay bệnh đái tháo đường tự miễn, nghĩa là cơ thể tiêu diệt các tế bào sản xuất insulin của chính bản thân mình. Nói cụ thể hơn, tuyến tụy sản xuất không đủ insulin, thiếu insulin tương đối hay tuyệt đối so với nhu cầu của cơ thể hoặc cũng có thể do tế bào không sử dụng được insulin, làm tăng đường huyết, gây đái ra đường.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 được phân làm 2 loại là đái tháo đường tuýp 1 do bệnh tự miễn và đái tháo đường tuýp 1 vô căn (không có căn nguyên tự miễn). Nhiều bệnh nhân, nhất là trẻ em và trẻ vị thành niên biểu hiện nhiễm toan ceton là triệu chứng đầu tiên của bệnh. Trong thực tế, cũng có người chỉ tăng đường huyết lúc đói vừa phải và bệnh nặng lên rất nhanh khi có nhiễm khuẩn hoặc stress...
Bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ em thường diễn ra trong 4 giai đoạn: Giai đoạn tiền tiểu đường; giai đoạn bị bệnh; giai đoạn thuyên giảm một phần và giai đoạn đái tháo đường vĩnh viễn, toàn bộ tế bào beta bị phá hủy, thiếu insulin toàn bộ.
2. Những dấu hiệu mắc bệnh tiểu đường tuýp 1
- Khát nước liên tục: Trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 không được chẩn đoán thường có dấu hiệu khát nước liên tục. Lý do, glucose trong máu tăng, chất lỏng được huy động từ các mô cơ thể để thay thế tạo năng lượng. Ngoài ra những đứa trẻ này còn có hiện tượng thèm đồ ngọt và thích uống đồ lạnh.
- Đi tiểu thường xuyên: Do khát nước, uống nước liên tục nên những đứa trẻ này cũng hay phải đi tiểu nhiều. Nếu tự dưng bé đi tiểu nhiều thì không thể bỏ qua, bởi nó liên quan đến một lý do khác nữa, kể cả ban đêm, thường kèm theo tình trạng đái dầm và không loại trừ bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Trọng lượng cơ thể giảm sút: Do cơ thể không sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng từ đường nên khối lượng cơ bắp và chất béo của cơ thể đã được sử dụng thay cho nguồn năng lượng ăn vào và cuối cùng làm cho trẻ bị sút cân đột ngột.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng: Nếu trẻ xuất hiện tình trạng mệt mỏi, chậm chạp, thiếu sinh khí thì rất có thể do cơ thể trẻ không thể chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng mà thay vào phải huy động năng lượng từ cơ bắp nên gây ra hiện tượng mệt mỏi kéo dài.
- Đói cùng cực: Khi cơ thể trẻ bị thiếu năng lượng do insulin thấp, nên phát sinh tình trạng đói "cùng cực". Tuy nhiên, giảm tính ngon miệng cũng là dấu hiệu cần cảnh giác, rất có thể là dấu hiệu của triệu chứng DKA (nhiễm toan ceton)
- Suy giảm thị lực: Khi glucose trong máu cao sẽ gây ra tình trạng huy động chất lỏng từ các mô khác của cơ thể, kể cả mô thấu kính mắt. Điều này dẫn đến mờ mắt hoặc các vấn đề liên quan đến thị lực. Tuy nhiên, do còn quá trẻ nên trẻ không biết kêu ca với mọi người xung quanh, vì vậy cha mẹ cần phải quan tâm và phát hiện sớm.
- Nhiễm nấm men: Các bé gái mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 thường phát triển bệnh nhiễm trùng nấm men, dễ nhận biết là phát ban tã lót.
- Bệnh tiểu đường nhiễm toan ceton (Diabetic ketoacidosis), gọi tắt DKA là căn bệnh có thể xảy ra ở nhóm trẻ không được chẩn đoán và chữa trị. Theo đó, khi cơ thể cạn kiệt insulin để bẻ gãy glucose, nó bắt đầu đốt cháy chất mỡ để làm nguồn năng lượng thay thế. Điều này dẫn đến tình trạng tích tụ của các sản phẩm phụ chứa axit, gọi là xeton. DKA thay đổi độ ph trong máu và là một tình trạng rất nguy hiểm đến tính mạng.
Dấu hiệu trẻ mắc bệnh tiểu đường nhiễm toan ceton bao gồm nôn mửa, đau bụng, thở nhanh, mặt đỏ ửng, hơi thở có mùi trái cây và mệt mỏi. DKA có thể tiến triển rất nhanh và nếu không được can thiệp kịp thời dễ gây tử vong.
3. Làm gì khi bé mắc bệnh tiểu đường tuýp 1?
Theo ý kiến chuyên khoa, hầu hết trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 cần được điều trị insulin, cung cấp insulin hằng ngày và tăng dần lượng insulin theo tuổi. Thông thường, trong những năm đầu khi mới bị bệnh, trẻ chỉ cần tiêm một lượng nhỏ insulin.
Nói chung, việc điều trị bệnh tiểu đường ở mọi người đều phải tuân thủ theo một chế độ điều trị nghiêm ngặt, cộng với áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, khoa học và kiên trì. Riêng ở trẻ nhỏ lại càng khó khăn hơn và vì vậy nếu trẻ mắc bệnh thì phải điều trị lâu dài.