| Hotline: 0983.970.780

Đại tướng Lê Đức Anh gắn bó với những căn cứ cách mạng miền Nam

Thứ Tư 24/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Ngoài khoảng thời gian 9 năm tập kết ra Bắc, từ 1954 đến 1963, tướng trận Lê Đức Anh hoạt động chủ yếu ở miền Nam. 

Dấu ấn của ông những ngày cách mạng gian khó ở các địa danh Lộc Ninh hoặc Bù Đốp vẫn được nhắc nhở và truyền tụng.

le-duc-nh-o-mien-dong-nm-bo162205730
Ông Lê Đức Anh lúc ở căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh, Bình Phước!

Đại tướng Lê Đức Anh - vị tướng trận lừng lẫy của quân đội Việt Nam trong thế kỷ 20, đã trút hơi thở cuối cùng vào đêm 22/4. Cuộc đời 100 tuổi của ông đã khép lại, nhưng những trang lịch sử về ông và liên quan đến ông chắc chắn sẽ con được nhắc lại nhiều lần trong tương lai.

Xứ Huế có hai nhà cách mạng nổi tiếng cùng chào đời năm 1920 “Liên Xô sinh trước đời tôi 3 tuổi”, cùng trưởng thành trong bom đạn và cùng được chứng kiến thành quả hòa bình là Tố Hữu và Lê Đức Anh. Mỗi người một con đường khác nhau, nhưng đều có sự nghiệp đáng nể. Tố Hữu vào Bộ Chính trị sớm hơn Lê Đức Anh.

Năm 1986, khi Tố Hữu rời vị trí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ để nghỉ hưu, thì Lê Đức Anh mới đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng rồi sau đó làm Chủ tịch nước! Cuộc đời Tố Hữu ghi lại bằng thi ca, còn cuộc đời Lê Đức Anh ghi lại bằng chiến trận!

Đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu hoạt động yêu nước từ phong trào công nhân cao su ở Bình Phước, nên nhiều người đinh ninh rằng ông được đứng vào hàng ngũ cộng sản khi tham gia phong trào Phú Riềng Đỏ tại miền Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, trong cuốn hồi ký “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành, Đại tướng Lê Đức Anh tự thuật: “Tôi tham gia hoạt động cách mạng bắt đầu từ việc đọc sách, báo, tuyên truyền cho dân chúng, trao đổi với nhau về tình hình đất nước bàn cách đấu tranh đòi giảm sưu thuế hà khắc của thực dân, phong kiến, đòi tự do, dân chủ... ở làng quê.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1938), ông Đỗ Tram và ông Lê Bá Dị, sau đó anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn Viễn (tức anh Huỳnh Văn Viết) đến nhà tôi.

Ông Đỗ Tram nói: Hôm nay Chi bộ đồng ý cho cháu Lê Đức Anh vào Đảng Cộng sản. Anh Huỳnh Văn Viết và anh Hồ Nguyên là hai người giới thiệu. Anh Viết chính là cậu thiếu niên mà tám năm trước (năm 1930) đã giao cho tôi cất giấu lá cờ cách mạng. Và, đêm 30 tháng 4, rạng ngày 1/5/1930, tôi đã bí mật trao lá cờ cho anh Viết treo trên ngọn phi lao ở chợ Trường Hà bên phá Tam Giang.

Phải nhận rõ trong bối cảnh xã hội những năm 1930 - 1940, khi mà người ta tình nguyện vào Đảng Cộng sản tức là sẵn sàng đón nhận mọi sự nguy hiểm, bắt bớ, tra tấn, tù đày từ bộ máy cai trị của thực dân Pháp và chính quyền phong kiến, thì mới hiểu được rằng, lúc đó muốn giác ngộ quần chúng để phát triển lực lượng cách mạng, cán bộ, đảng viên cộng sản phải chọn nơi tin cậy mà nơi tin cậy đầu tiên chính là những người thân trong gia đình, họ mạc của mình.

Ông Lê Bá Dị và ông Đỗ Tram đã giác ngộ và kết nạp ba chúng tôi vào Đảng (tôi, anh Hồ Nguyên và anh Hoàng Văn Viễn) trong bối cảnh như vậy!”.

Năm 1940, ông Lê Đức Anh làm phu cao su cho đồn điền CEXO ở Lộc Ninh. Công việc chính của ông Lê Đức Anh không phải là cạo mủ, mà tham gia sản xuất pa tê, xúc xích phục vụ bữa ăn cho công nhân. Có điều kiện đi lại giữa các đồn điền, và vận động phong trào cách mạng.

Đầu năm 1943, tại nông trường cao su Dầu Tiếng, Ban Cán sự Đảng tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, do ông Văn Công Khai làm Bí thư, còn ông Lê Đức Anh làm tỉnh ủy viên phụ trách khu vực phía Bắc của tỉnh. Tháng 2/1944, ông Lê Đức Anh thành lập chi bộ tại Lộc Ninh, sau đó tiếp tục triển khai các cơ sở Đảng tại Hớn Quản và Bù Đốp.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông Lê Đức Anh lãnh đạo công nhân nổi dậy giành chính quyền tại Lộc Ninh. Đêm 24/8/1945, ông Lê Đức Anh tổ chức lực lượng gồm 300 người có trang bị vũ khí từ Lộc Ninh kéo xuống thị xã Thủ Dầu Một tham gia tổng khởi nghĩa. Sau khi Pháp tái chiếm Nam bộ, ông Lê Đức Anh nằm trong danh sách bị truy lùng ráo riết. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông Lê Đức Anh và các đồng chí của mình được đồng bào dân tộc Stiêng đùm bọc và nuôi nấng ở khu vực bí mật thuộc thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, Bình Phước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Lê Đức Anh cũng gắn bó với quân dân miền Nam. Cuối năm 1963, ông quay lại lãnh đạo kháng chiến miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ. Ở miền Tây Nam bộ thì ông lấy bí danh Chín Hòa, còn ở miền Đông Nam bộ thì lấy bí danh Sáu Nam. Căn cứ Quân ủy Bộ chỉ huy Miền ở Tà Thiết - Lộc Ninh là nơi ông sống và chiến đấu từ 1973 đến 1975.

Cuộc đời ông Lê Đức Anh là cuộc đời một tướng trận. Vai trò của ông trong lịch sử quân sự Việt Nam không thể tính bằng huy chương hay huân chương, mà hãy soi rọi bằng chính đánh giá của những đồng đội của ông. Thượng tướng Nguyễn Minh Châu (1921-1999) trả lời phỏng vấn vào năm 1995, đã nhận định: “Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn, Trần Văn Trà, Lê Đức Anh… là những vị tướng tài ba của quân đội ta”.

Trong những vị tướng mà Thượng tướng Nguyễn Minh Châu bày tỏ khâm phục, thì ông Lê Đức Anh là người từ giã thế gian sau cùng. Trong Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, thì ông Lê Đức Anh cũng là người sống lâu nhất, khi các ông Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn và Đinh Đức Thiện đã lần lượt khuất núi.

Trong cuốn sách “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam” do NXB Trẻ in năm 1999, Trung tướng Dương Cự Tẩm (1921-2006) thổ lộ: “Cuối năm 1974, tôi là chính ủy Quân khu 7, đang chờ xe để ra Bắc nghỉ phép thì được anh Lê Đức Anh - Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Miền, gọi về chuẩn bị nhiệm vụ mới. Lúc đó, tôi thực sự hết sức bần thần. Đã gần 11 năm xa vợ con, rất thèm một chút không khí gia đình riêng tư. Anh Lê Đức Anh chỉ nói có nhiệm vụ mới, chứ không cho biết cụ thể, vì bí mật quân sự. Anh Lê Đức Anh khuyên tôi ở lại, vì tôi đã lăn lộn ở chiến trường Nam bộ bao năm, nếu không có mặt thì không hay, khi có khả năng đánh lớn”.

Đại tướng Lê Đức Anh là con người của lịch sử. Tuy đã xuất hiện nhiều nhận định khác nhau, nhưng phác thảo chân dung đích thực của ông không hề đơn giản. Bởi lẽ hành trình binh lửa của ông không chỉ thể hiện trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, mà còn tác động trực tiếp đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam khi ông làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo khi ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tuy nhiên, điều dễ thấy ở Đại tướng Lê Đức Anh là sự trong sáng của một thế hệ chiến sĩ cách mạng hết lòng phụng sự cho sự nghiệp chung. Trong chiến tranh, ông xa gia đình đi biền biệt vì nhiệm vụ. Trong hòa bình, ông không dùng quyền lực của mình để mưu cầu quan lộ hay bổng lộc cho bốn người con.

Ông Lê Mạnh Hà - người con trai duy nhất trong bốn người con của Đại tướng Lê Đức Anh tự hào về cha mình: “Thật ra tất cả những nhà chính trị ngày xưa như ba tôi không phải họ muốn làm chính trị, mà họ làm cách mạng, sau đó thì được sắp xếp và được đặt vào vị trí đó. Chứ lúc đi làm cách mạng không ai vì một mục đích phải ở các vị trí như thứ trưởng, bộ trưởng”.

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất