| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo quyền lợi dân nghèo về BHYT

Thứ Hai 24/03/2014 , 14:27 (GMT+7)

Quy định mức chi trả bảo hiểm y tế đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính.

Tháng 5/2014, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) sẽ gửi trình xin ý kiến Quốc hội quyết định một số điểm mới liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế. Ông Vũ Xuân Bằng, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam (ảnh) đã chia sẻ với NNVN về những điểm mới này.

Theo ông Bằng, sau hơn 4 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), số người tham gia tăng nhanh và đạt được mục tiêu mở rộng các đối tượng tham gia. Tuy nhiên, vì những quy định tham gia BHYT theo “trách nhiệm” chưa có tính ràng buộc cao, không giải quyết tình trạng “lựa chọn ngược” gây nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT.

Đặc biệt là quy định mức cùng chi trả 5% đối với nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo đã hạn chế việc tiếp cận dịch vụ y tế và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính. Vì vậy, dường như BHYT vẫn còn quá xa vời với người nghèo.

Phải bắt buộc tham gia BHYT

Vậy, BHXHVN sẽ làm gì để rút ngắn dần khoảng cách trên, thưa ông?

Trong cuộc họp gần đây nhất với sự tham gia của nhiều bộ, ngành Trung ương, chúng tôi đã trình ra một số điểm mới sau khi nhiều lần lấy ý kiến đóng góp của địa phương, nhóm đối tượng cần Luật BHYT hiện hành phải chỉnh sửa, bổ sung. Đó là yêu cầu sắp xếp lại 25 nhóm đối tượng thành 5 nhóm theo trách nhiệm đóng BHYT để thuận lợi trong quản lý và tổ chức thực hiện.

Cụ thể, nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do tổ chức BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và nhóm tự đóng BHYT.

Đối với việc khám chữa bệnh (KCB), BHXHVN kiến nghị nhóm đối tượng người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, người Kinh sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn cũng phải cùng chi trả khi KCB nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, vai trò tham gia quản lý quỹ BHYT và góp phần khắc phục tính ỷ lại vào các chính sách an sinh xã hội như hiện nay đang tồn tại. Riêng thân nhân người có công với cách mạng là cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con liệt sỹ được hưởng 100% chi phí KCB; các thân nhân khác của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cùng chi trả 5%.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế xã được quyền KCB BHYT tại bệnh viện đa khoa tuyến huyện trên cùng địa bàn huyện và không bị coi là trái tuyến, vượt tuyến. Cái này cũng đảm bảo thêm quyền lợi cho người bệnh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, quy định “bắt buộc” tham gia BHYT đối với tất cả nhóm đối tượng bởi nếu không sẽ khó thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân vào năm 2015. Và khắc phục dần tình trạng một số đối tượng tham gia theo hình thức tự nguyện sẽ dẫn đến tình trạng chỉ người ốm, người có nhu cầu lớn về chăm sóc sức khỏe mới mua BHYT. Như vậy, không đảm bảo tính chất chia sẻ trong cộng đồng.

Quản lý quỹ, địa phương phải có trách nhiệm

Nguồn quỹ BHYT ngày càng nhiều trong khi quyền lợi của người tham gia BHYT vẫn chỉ dừng ở mức hạn chế. BHXHVN có tính đến điều này không?

Dự thảo Luật cũng bổ sung thêm quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT. Cụ thể: Người thứ nhất đóng bằng mức quy định; người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Đối với quỹ BHYT, BHXH kiến nghị, quỹ sẽ được quản lý tập trung, thống nhất ở cấp quốc gia để điều tiết trên toàn quốc. Trường hợp có kết dư sẽ phân bổ quỹ này bằng cách trong những năm đầu dành 30% cho các địa phương để hỗ trợ, nâng cấp trang thiết bị KCB tại tuyến y tế cơ sở. Còn nếu quỹ bị bội chi, ngân sách địa phương phải bổ sung một phần để nâng cao trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc chỉ đạo quản lý, sử dụng Quỹ KCB BHYT.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ đứng ra thành lập Hội đồng tư vấn chính sách quốc gia về BHYT có chức năng quyết định các vấn đề lớn về chính sách BHYT như thay đổi mức đóng, hỗ trợ người dân tham gia BHYT, điều chỉnh danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ y tế để phù hợp với điều kiện KT-XH tại từng thời kỳ.

Được biết, Ủy ban Thường vụ QH, Bộ Y tế và BHXHVN vừa cùng đưa ra một số kiến nghị nhằm yêu cầu bệnh nhân nhiễm HIV phải cùng tham gia BHYT bởi đến năm 2015 các dự án dành cho nhóm đối tượng này kết thúc. Kết quả như thế nào, thưa ông?

Chúng ta phải coi HIV như một bệnh thông thường, được khám bằng thẻ BHYT. Hiện nay 75% nhóm đối tượng này đang được các Quỹ cùng tham gia chi trả khi KCB và điều trị. Tuy nhiên, khi các dự án kết thúc thì khả năng quỹ bội chi có thể xảy ra bởi thuốc điều trị ARV khá đắt. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ bàn thêm với Bộ Y tế để có một phương án tối ưu nhất dành cho nhóm bệnh nhân mắc bệnh xã hội này.

Luật BHYT có quy định BHYT sẽ thanh toán chi phí khám - chữa bệnh cho một số bệnh khi tiến hành sàng lọc, chẩn đoán nhằm dự phòng, phát hiện bệnh sớm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tại sao vậy, thưa ông?

Theo quy định, quỹ BHYT sẽ chi trả những bệnh, xét nghiệm nằm trong danh mục bệnh được chi trả do Bộ Y tế ban hành, trong đó dự kiến có thêm bốn nhóm bệnh được sàng lọc gồm: Ung thư (tiền liệt tuyến, cổ tử cung và vú); nội tiết (đái tháo đường); tim mạch (tăng huyết áp) và sàng lọc sơ sinh, trước sinh, bằng sàng lọc phát hiện sớm các chứng thiếu men G6PD (gây vàng da nặng và một số bệnh khác...), suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh và Down. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có hướng dẫn chi tiết về mức tiền làm xét nghiệm của từng loại bệnh nên chúng tôi vẫn cần thêm hướng dẫn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất